Đó là các dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn 2 đầu cầu; Dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài và dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Các dự án này đều đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, việc thiếu vốn, nhà tái định cư đang khiến dự án có nguy cơ chậm tiến độ.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang thiếu vốn phục vụ giải phóng mặt bằng.
Cơ bản hoàn thành GPMB
Ban chỉ đạo GPMB TP cho biết, tại dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, trên địa bàn huyện Sóc Sơn hiện còn vướng 6 hộ dân trong diện cắt xén do gặp khó khăn trong khâu phá dỡ, nên chưa có mặt bằng để thi công. Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên có diện tích thu hồi 220,36ha đất của 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Gia Lâm - liên quan đến 7.159 hộ dân, di chuyển 2.332 ngôi mộ và một số công trình hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, đã bàn giao 219,16/220,36ha đất, di dời toàn bộ số mộ. Hiện còn phải thu hồi 1,2ha đất trên địa bàn huyện Đông Anh, trong đó, khu vực tuyến qua 10 hộ thổ cư ở xã Dục Tú. Cùng với đó, khu tái định cư Dục Tú phục vụ GPMB quốc lộ 3 chưa xong, nên chưa đủ điều kiện để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...
Dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu phải thu hồi 116,15ha đất thuộc quận Tây Hồ và huyện Đông Anh, liên quan đến 2.889 hộ dân, di chuyển 865 ngôi mộ và một số công trình hạ tầng kỹ thuật. Cơ quan chức năng còn phải thu hồi 216m2 của 2 hộ dân lấn chiếm đất chân đê và một số công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.
Về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trên địa bàn quận Đống Đa đã bàn giao 2,43/2,87ha đất cho chủ đầu tư, gồm toàn bộ diện tích đất công, chợ tạm Ngã Tư Sở, ga Thái Hà, một phần khu vực phường Thịnh Quang và ga Cát Linh. Hiện còn phải GPMB 0,44ha, tổng kinh phí còn thiếu để chi trả cho các hộ dân là 216 tỉ đồng. Trên địa bàn quận Hà Đông, đã GPMB xong trung tâm depot 23,29ha, di chuyển đường điện, nghĩa trang Trinh Lương, ga bến xe Hà Đông cũ... Hạng mục đang thực hiện còn lại 0,28ha đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhưng chưa có kinh phí để chi trả.
Vẫn bài toán vốn
Trước tình trạng này, với dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn 2 đầu cầu, UBND TP chỉ đạo: UBND quận Tây Hồ tập trung thu hồi dứt điểm 216m2, bảo đảm hoàn thành trong tháng 5.2014. Đồng thời, chỉ đạo Ban QLDA Hạ tầng Tả Ngạn phối hợp với Ban QLDA 85 và các đơn vi liên quan khẩn trương di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.
Với dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, đề nghị UBND huyện Đông Anh rà soát quỹ đất tái định cư còn lại của địa phương để thực hiện tái định cư phân tán, hoặc đề nghị UBND TP cho phép phê duyệt các chính sách hỗ trợ tạm cư đặc thù, nâng mức hỗ trợ tạm cư cho một nhân khẩu từ 1 triệu đồng/tháng lên gấp đôi (như dự án đường nối Nhật Tân - Nội Bài trên địa bàn huyện Sóc Sơn).
Đồng thời, cho phép huyện Đông Anh san lấp sơ bộ và phân lô, sớm giao đất cho các hộ phải tái định cư và phê duyệt hỗ trợ bổ sung tiền xây dựng hạ tầng. Riêng dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hiện thiếu vốn phục vụ GPMB. TP cũng chỉ đạo các quận, huyện và sở, ngành có liên quan chủ động ứng vốn.
Hải Nguyên
- Sẽ xây dựng nhiều đường cao tốc 2 làn xe do chưa đủ vốn
- TPHCM kêu gọi phát triển hạ tầng khu đô thị Tây Bắc
- Hợp nhất 2 Nghị định 48/2010 và 207/2013: Tạo sự minh bạch trong hoạt động xây dựng
- Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai
- Phải tính cả “giá trị triển vọng” khi định giá đất
- Tập đoàn Nakheel (UAE) đầu tư 550 triệu USD triển khai dự án Hạ Long Star
- Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu đô thị phía Nam thành phố Hải Dương
- Nhiều doanh nghiệp nhà nước để đất nằm không
- Cho phép thế chấp "nhà trên giấy”
- Đã có gần 200 dự án đầu tư vào đảo Phú Quốc