Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Các dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội mở rộng: Rà soát để tránh lãng phí

Các dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội mở rộng: Rà soát để tránh lãng phí

Viết email In

Tổng số 501 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 và 1/500 của Hà Nội mở rộng cho thấy sự mất cân đối giữa từng địa bàn và từng lĩnh vực đầu tư. Trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm tới một nửa số lượng đồ án và tổng diện tích mặt bằng.

Nhiều dự án bất động sản: Không khả thi

Hầu hết các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư đều bắt đầu nghiên cứu, khảo sát vào năm 2007 - thời kỳ thị trường tài chính, bất động sản trong nước và trên thế giới đang phát triển chóng mặt, mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, thị trường bất động sản đã rơi vào trầm lắng; thậm chí bộc lộ rõ sự phát triển mất hài hòa, không hợp lý giữa từng phân khúc khác nhau. Ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội cho biết, Hà Nội sau hợp nhất có tới 905 dự án cần GPMB, trong đó, nhiều dự án có diện tích trên 400-500ha. Vì thế, khả năng triển khai cùng một lúc vài khu đô thị rộng hàng trăm héc-ta trong khi thị trường trầm lắng như hiện nay là rất khó cho chủ đầu tư. Nếu không xem xét kỹ lưỡng, có thể dẫn đến việc đất bị bỏ hoang.

Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ, quy mô diện tích cũng như quy mô dân số theo quy hoạch của các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư khu đô thị mới, khu nhà ở và khu đa năng có nhà ở với tiến độ đầu tư trong khoảng từ năm 2008-2020 là khá lớn, khoảng 41.319ha và hơn 2 triệu người. Trong khi đó, theo phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, dự báo đến năm 2030, quy mô dân số của Hà Nội chỉ ở mức khoảng 10 triệu dân. Tức là mức tăng đến năm 2030 chỉ là 3,7 triệu người so với dân số hiện nay là 6,3 triệu người.

Vấn đề đáng quan ngại khác là hầu hết các đồ án quy hoạch không có sự kết nối với nhau do chưa có quy hoạch chung xây dựng cho từng vùng, liên vùng để điều chỉnh, dẫn hướng. Đặc biệt là sự kết nối, chia sẻ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung như đường giao thông; cấp, thoát nước; xử lý rác thải, nước thải; cấp điện... Điều này nếu không được điều chỉnh sẽ dẫn đến một tương lai phát triển không bền vững đối với các dự án này.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong một lần trả lời phỏng vấn cũng đã cảnh báo hiện tượng các đồ án quy hoạch, dự án khu đô thị phát triển riêng lẻ, không có sự kết nối về hạ tầng đã dẫn đến lãng phí đất đai và những bất cập trong quá trình khai thác. Điển hình nhất chính là tình trạng ngập lụt tại nhiều khu đô thị mới trong trận mưa lớn đầu tháng 11-2008.

Điều được nhiều chuyên gia đề cập đến là việc phần lớn các đồ án, dự án tập trung vào các huyện ven đô, dọc các trục đường giao thông quan trọng hoặc có quỹ đất lớn, chi phí bồi thường GPMB, giá đất thấp và một số thuận lợi mang tính đặc thù khác. Thậm chí dự án được cấp có thẩm quyền cho chủ trương, phê duyệt, cấp phép đầu tư quá nhanh, trong thời gian ngắn nên khó có thể đánh giá đầy đủ hiệu quả và những tác động của nó tới đời sống nhân dân (ví dụ như tại 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình trước khi sáp nhập). Nhiều đồ án quy hoạch dự án đầu tư sử dụng đất canh tác nông nghiệp làm mặt bằng nhưng chưa nghiên cứu kỹ các tác động trái chiều đối với người dân về  kinh tế - xã hội và xác định các phương án xử lý bền vững, hiệu quả. Đặc biệt là các dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất trồng lúa với diện tích lớn tại những vùng còn khó khăn và chưa có phương án tạo việc làm mới thay thế một cách khả thi và thuyết phục.

  • Ảnh bên : Dự án khu đô thị mới Văn Phú - Hà Đông (Ảnh minh họa: Thanh Huyền / CAND)

Sẽ phải cắt giảm

Đầu tháng 1-2009, 5 tháng sau thời điểm hợp nhất, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại việc phê duyệt quy hoạch chi tiết, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao đất, thu hồi đất của từng dự án trên địa bàn 4 xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân và Đông Xuân (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình trước đây). Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội phải có biện pháp giải quyết cụ thể, phù hợp với quy hoạch sau khi Hà Nội mở rộng địa giới. Trước đó, UBND TP Hà Nội đã thành lập tổ công tác rà soát lại các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên địa bàn sau khi mở rộng.

Để bảo đảm sử dụng nguồn tài nguyên đất, đặc biệt là đất trồng lúa, rau quả năng suất cao một cách tiết kiệm, sử dụng vốn đầu tư an toàn và hiệu quả, tránh tình trạng dư thừa nhà ở do cung vượt quá cầu, yêu cầu phải dừng, hoãn; giảm, giãn tiến độ, chuyển công năng của một số dự án bất động sản là cần thiết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho biết, sau khi hợp nhất, Hà Nội có trách nhiệm rà soát lại các dự án, đồ án để chuẩn bị cho việc lập quy hoạch chung. Nếu không rà soát, điều chỉnh, sẽ có sự khập khiễng khi so sánh với quy hoạch mới, sẽ khó tránh khỏi sự lãng phí... Trước khi hợp nhất địa giới hành chính, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, những dự án nào không phù hợp với định hướng phát triển của Hà Nội mới sẽ phải dừng, không triển khai.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1850 khách Trực tuyến

Quảng cáo