Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Cần có chính sách cạnh tranh quốc tế cho khu kinh tế ven biển

Cần có chính sách cạnh tranh quốc tế cho khu kinh tế ven biển

Viết email In

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, cần xây dựng chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, có tính cạnh tranh quốc tế nếu muốn phát triển tốt hơn các khu kinh tế ven biển. 

Báo cáo của bộ này hôm 15/2 về tình hình các khu kinh tế (KKT) đưa ra một số kiến nghị.  


Khu kinh tế Chu Lai từng được hi vọng sẽ tạo ra khác biệt sau thời gian thử nghiệm.
Ảnh: TL. 

Cụ thể, về ưu đãi đầu tư, dành ưu đãi vượt trội so với các mô hình KKT cũ, trong đó xây dựng chế độ ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các nhà đầu tư chiến lược. 

Mở rộng tối đa các lĩnh vực đầu tư, cho phép nhà đầu tư đầu tư kinh doanh trong những lĩnh vực dịch vụ như casino, giải trí cao cấp. 

Khuyến khích các quỹ đầu tư, ngân hàng nước ngoài cung cấp tín dụng cho các dự án đầu tư trong KKT.

Nhà nước có cam kết cụ thể về tôn trọng, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trong mô hình KKT mới.

Bên cạnh đó, ngoài nguồn thu ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm, Chính phủ có giải pháp huy động, sử dụng các nguồn vốn khác để hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng quan trọng trong KKT để đảm bảo việc đầu tư xây dựng không bị kéo dài, đưa vào sử dụng kịp thời. Đồng thời, ban hành chính sách để tạo sự chủ động cho cơ quan quản lý, vận hành KKT trong thực hiện thu ngân sách trong KKT và sử dụng nguồn vốn này tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật của KKT. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, công tác quy hoạch mô hình KKT mới phải đạt tiêu chuẩn quốc tế với tầm nhìn dài hạn, nghiên cứu cơ chế cho phép các nhà đầu tư chiến lược tham gia lập và thẩm định quy hoạch phát triển.

Về cơ sở pháp lý cho hoạt động cho mô hình KKT mới, để đảm bảo tính đặc thù, ổn định và không chồng chéo với các quy định pháp luật chuyên ngành về thuế, đất đai…, cần xây dựng văn bản luật quy định các nội dung có liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị.

Báo cáo cho biết, đến tháng 12/2016, các KKT của cả nước thu hút được 354 dự án đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký đạt 42 tỉ đô la Mỹ, vốn đầu tư thực hiện đạt 20,2 tỉ đô la Mỹ (bằng 48,1% tổng vốn đầu tư đăng ký) và 1.079 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 805,2 ngàn tỉ đồng, vốn đầu tư thực hiện đạt 347,9 ngàn tỉ đồng (bằng 43,2% vốn đầu tư đăng ký).

Trong đó, có một số dự án lớn và quan trọng tại KKT Nghi Sơn, KKT Vũng Áng, KKT Dung Quất gồm nhà máy lọc dầu số 1 và số 2, nhà máy cơ khí nặng Doosan, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn và Vũng Áng, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong... Các dự án này đã tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp nặng, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp khác có liên quan.

Trong năm 2016, các KKT ven biển đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỉ đô la Mỹ, xuất khẩu đạt hơn 5 tỉ đô la Mỹ, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỉ đồng. Đến nay, các KKT ven biển đã giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 lao động. 

Khó khăn về cơ chế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, quy hoạch, thành lập ở một số KKT chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, còn mang nhiều tính cục bộ, chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi của quốc gia.

Các KKT chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Do nguồn ngân sách Trung ương hạn chế, nên nhiều KKT đang gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ.

Các KKT ven biển định hướng đầu tư là xây dựng cảng biển nước sâu, sân bay và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như đóng tàu, dịch vụ cảng biển, du lịch biển, chế biến hải sản, nhiệt điện...; đối với các KKT cửa khẩu là đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh thương mại và một số ngành công nghiệp...; do đó chưa phát huy được lợi thế so sánh dẫn đến sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các KKT.

Đến cuối năm 2016, có 16 KKT gồm: 2 KKT ở vùng Đồng bằng sông Hồng là Vân Đồn (Quảng Ninh) và Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng); 11 KKT ở vùng Duyên hải miền Trung là Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Nam Nghệ An (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Vân Phong (Khánh Hòa), Nam Phú Yên (Phú Yên) và Đông Nam Quảng Trị (Quảng Trị); 3 KKT ở miền Nam là KKT đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang), Định An (Trà Vinh), Năm Căn (Cà Mau). Tổng diện tích mặt đất và mặt nước biển của 16 KKT gần 815 ngàn héc ta. 

Tư Hoàng 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1754 khách Trực tuyến

Quảng cáo