Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Luật Quy hoạch đô thị: Công cụ hữu hiệu trong phát triển đô thị

Luật Quy hoạch đô thị: Công cụ hữu hiệu trong phát triển đô thị

Viết email In
Tại kỳ họp 4 Quốc hội khóa XII khai mạc hôm nay (16/10), dự Luật Quy hoạch đô thị (QHĐT) sẽ được trình Quốc hội xem xét, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội về dự Luật này.
 
Đô thị Việt Nam khởi sắc, nhưng…
 
Tờ trình đã nêu rõ sự cần thiết của việc ban hành Luật QHĐT. Theo đó, thời gian qua, hệ thống các đô thị ở nước ta đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Tính đến nay cả nước đã có trên 743 đô thị các loại, bao gồm từ đô thị loại V đến đô thị loại đặc biệt. Tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 30%. Ngoài ra, cả nước hiện có trên 160 khu công nghiệp tập trung, 10 đô thị mới, 28 khu kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế đặc thù, góp phần mở rộng mạng lưới đô thị quốc gia.
 
Nhiều khu đô thị mới đã và đang hình thành với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của đô thị hiện nay, nhất là vấn đề nhà ở và các dịch vụ đô thị… Tất cả những đổi thay này đã làm cho bộ mặt đô thị Việt Nam có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh hiện đại.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tế phát triển đô thị ở Việt Nam vẫn còn một số vấn đề tồn tại làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển các đô thị nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung. Việc quản lý, sử dụng đất đai trong đô thị còn lãng phí. Tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị chậm được cải thiện. Các vấn đề về nhà ở, giao thông đô thị đang gây nhiều bức xúc. Kiến trúc đô thị còn chắp vá, thiếu bản sắc. Công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch còn bất cập.
 
Bất cập vì đâu?
 
Phân tích nguyên nhân của các tồn tại trên, tờ trình nêu rõ: Pháp luật hiện hành của nước ta đã có nhiều quy định về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Tuy nhiên các quy định này còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, hiệu lực pháp lý thấp, nhiều quy định lạc hậu so với thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý phát triển đô thị và hội nhập quốc tế. Luật Xây dựng tuy đã có 1 chương quy định về quy hoạch xây dựng  nhưng một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc, thiếu các quy định cụ thể về quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch cũng như các quy định về quy hoạch hệ thống hạ hầng kỹ thuật và dịch vụ đô thị. Quy trình, thủ tục về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Các quy định về lấy ý kiến cộng đồng khi lập quy hoạch cũng như việc công khai, cung cấp thông tin quy hoạch chưa đầy đủ, chưa phù hợp vơi điều kiện thực tế. Sự phân công, phân cấp trong quản lý đô thị chưa thật phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương. Trách nhiệm của chính quyền trong quản lý các vấn đề đặc thù của đô thị nhất là quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị chưa được thiết lập đầy đủ dẫn đến lúng túng, trùng lắp và kém hiệu quả. Một số vấn đề khác như quy hoạch và quản lý không gian ngầm, kinh phí nhân lực cho công tác lập và triển khai quy hoạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch còn thiếu quy định cụ thể…
 
Luật QHĐT ra đời sẽ cải thiện được những tồn tại
 
Tờ trình phân tích: Thực tế phát triển đô thị và thực trạng công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị trên đòi hỏi sớm ban hành luật QHĐT. Đây là bước pháp điển hóa quan trọng nhằm mục đích tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp với công tác quy hoạch và phát triển đô thị ở nước ta hiện nay. Luật QHĐT được ban hành sẽ là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị, bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị và từng đô thị bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại, đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
 

Khuyến khích các nhà đầu tư tham gia lập quy hoạch

 
Dự Luật QHĐT gồm 7 chương 81 điều sẽ đưa ra những quy định về hoạt động quy hoạch và tổ chức thực hiện QHĐT. Theo đó, QHĐT được duyệt là cơ sở pháp lý để xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng phát triển đô thị, các quy hoạch chuyên ngành trong phạm vi đô thị, khai thác sử dụng đất đô thị, quản lý không gian kiến trúc đô thị… Dự luật quy định rõ nội dung và trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền đô thị trong hoạt động quy hoạch, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch; phân công, phân cấp quản lý nhà nước về QHĐT. Để bảo đảm sự đồng bộ của quy hoạch và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác quy hoạch, dự luật đưa ra quy định về việc xác lập Hội đồng kiến trúc QHĐT tại các tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Theo đó, Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND về định hướng, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; tham gia xây dựng các văn bản pháp quy pháp luật về quản lý kiến trúc, quy hoạch; phản biện các nhiệm vụ và đồ án QHĐT tại địa phương.
 
Bên cạnh đó, dự Luật cũng xác lập chế định kiến trúc sư trưởng TP - “nhạc trưởng” trong việc xây dựng định hướng kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, có bản sắc. Kiến trúc sư trưởng sẽ được thiết lập tại các TP trực thuộc trung ương và các TP có ý nghĩa quốc gia về văn hóa, lịch sử cần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.
 
Về kinh phí lập và quản lý quy hoạch, dự Luật quy định: Được bảo đảm từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động khác. Dự Luật khuyến khích các nhà đầu tư tham gia lập quy hoạch đối với các khu vực phát triển đô thị.
 
Để bảo đảm chất lượng quy hoạch, dự Luật quy định quy hoạch phải có sự tham gia của cộng đồng. Tổ chức, cá nhân có quyền và trách nhiệm tham gia vào quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp. 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1885 khách Trực tuyến

Quảng cáo