Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Cam kết tiến độ thực hiện dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower

Cam kết tiến độ thực hiện dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower

Viết email In

Chiều 18/11, hai bên liên quan đến việc có thể ký cam kết thưởng, phạt 100 tỷ đồng cho tiến độ thực hiện dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower đã gặp nhau tại trụ sở báo Cựu chiến binh ở Hà Nội.

Chủ trì cuộc gặp là ông Trần Nhung, Tổng biên tập báo Cựu chiến binh. Có mặt tại buổi gặp, phía Keangnam - Vina có ông Ha Jong Suk - Chủ tịch, ông Oh Chun Sik - Giám đốc kỹ thuật, Luật sư Lê Thanh Sơn...

Phía nhóm tác giả bức thư ngỏ, những người đưa ra “thách thức”, có các ông Đỗ Quảng (người được ủy quyền làm việc, trao đổi và ký cam kết hứa thưởng với Keangnam - Vina), ông Trần Việt Hùng, Phạm Hòa Bình, Doãn Phú, Bùi Kim Cương là những người ủy quyền, cùng khoảng 10 người khác được giới thiệu là những cá nhân đại diện cho các cựu chiến binh, thương binh, chuyên gia, kỹ sư xây dựng tham gia vào nhóm tác giả...

Cuộc gặp mặt này có sự chứng kiến của khoảng trên 30 nhà báo thuộc nhiều phương tiện truyền thông khác nhau.

Trở lại tình tiết sự việc, ngày 13/11, trên số báo số 732, báo Cựu chiến binh Việt Nam, có đăng bức thư ngỏ của nhóm một số cựu chiến binh, thương binh, chuyên gia và kỹ sư xây dựng... gửi Chủ tịch Keangnam - Vina, ông Ha Jong Suk, trong đó có đề cập đến việc nếu Keangnam - Vina làm đúng cam kết hoàn thành phần thô của hai tòa nhà 48 tầng và 70 tầng, cùng toàn bộ tiểu cảnh, sân vườn thuộc dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower vào tháng 10/2010 thì nhóm tác giả bức thư sẽ thưởng cho Keangnam - Vina 100 tỷ đồng.

Trường hợp ngược lại, nếu không hoàn thành đúng tiến độ cam kết thì Keangnam - Vina sẽ chịu phạt số tiền như vậy. Phần tiền thu được từ cam kết này sẽ được đưa vào quỹ vì người nghèo của thành phố Hà Nội (phía nhóm tác giả) hay vào kho bạc Nhà nước (như Keangnam thông báo với các phóng viên vào ngày 17/11).

VnEconomy xin đăng tải những nội dung chính trong cuộc trao đổi giữa hai bên, để độc giả rộng đường tham khảo.

Ông Trần Nhung, Tổng biên tập báo Cựu chiến binh:

Những người viết bức thư là các cựu chiến binh, kỹ sư, kiến trúc sư, những người mua căn hộ.. họ là những người quan tâm đến tình hình phát triển đất nước và thủ đô. Họ mong muốn thủ đô ta được xây dựng ngày càng to đẹp, có nhiều công trình lớn phục vụ đại lễ 1.000 năm.

Họ cũng rất vui mừng Hà Nội có một công trình lớn do Tập đoàn Keangnam xây dựng, một quần thể kiến trúc đẹp.

Tuy nhiên, thứ nhất, khi tìm hiểu thực tế, họ thấy có nhiều điều không bình thường như trình bày trong bức thư ngỏ.

Thứ hai, họ là những chuyên gia xây dựng, bằng thực tiễn hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực xây dựng, họ thấy rằng (Keangnam – PV) đưa ra cam kết xây dựng một công trình đồ sộ như thế trong 700 ngày là rất khó thực hiện. Với tâm huyết muốn thúc đẩy Tập đoàn này đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nên nhóm tác giả bức thư hứa thưởng.

Đây không phải là cá cược. Đây là việc tặng thưởng và số tiền là 100 tỷ đồng. Việc này cũng tương tự như các công trình xây dựng dân dụng của tư nhân hay một tập thể, tức là chủ công trình, hay một nhóm người có thể đưa ra cam kết là công trình nếu làm đúng tiến độ hợp đồng, hay vượt thời gian quy định thì được tặng thưởng. Ngược lại, nếu anh không hoàn thành đúng tiến độ thì bị phạt.

Điều này hoàn toàn bình thường, đúng luật pháp.  

Về việc này, báo Cựu chiến binh khẳng định là phản ánh tâm tư, nguyện vọng của những cựu chiến binh, những kỹ sư xây dựng, của những người có quyền lợi trong công trình này, những người đã bỏ số tiền để đăng ký mua căn hộ, và họ có mong muốn được sở hữu căn hộ ấy vào 700 ngày sau.

Họ cũng hy vọng Keangnam với kinh nghiệm nhiều năm có thể đẩy nhanh tiến độ công trình và hoàn thành đúng tiến độ cam kết, đưa công trình vào sử dụng đúng thời gian và nhóm tác giả sẵn sàng tặng thưởng.

Ông Ha Jong Suk, Chủ tịch Keangnam - Vina:

Vừa qua, một số báo chi có đưa tin không đúng sự thật về Công ty Keangnam - Vina và dự án Keangnam. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ thi công dự án mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của Công ty.

Hôm nay, mục đích tôi đến đây thứ nhất là do lời mời của báo Cựu chiến binh về việc ký kết cam kết tiến độ công trình. Tôi rất muốn biết người ký cam kết với tôi là ai? Ai là tác giả hai bài viết trên hai số báo của báo Cựu chiến binh?

Nhân có các đại diện của thông tấn, báo chí, Keangnam khẳng định là chắc chắn đảm bảo được tiến độ công trình. Keangnam nói điều này là dựa vào kinh nghiệm đã thi công nhiều công trình trên khắp thế giới chứ không phải chỉ có ở Việt Nam.

Ở đây, Keangnam xin khẳng định một lần nữa với Chính phủ và nhân dân thủ đô là những gì Công ty ký kết là hoàn thành toàn bộ phần thô công trình và tiểu cảnh, sân vườn vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tháng 10/2010. Đó là những điều Keangnam sẽ làm và chắc chắn sẽ làm được.

Nhưng thông qua việc tìm hiểu, Keangnam được biết là việc ký kết với một phần thưởng lớn như vậy là trái pháp luật Việt Nam. Vì vậy hôm nay Keangnam đến để trao đổi với nhóm tác giả đưa ra lời thách đố như thế là trái pháp luật. Keangnam muốn khuyên nhóm tác giả làm gì thì nên làm đúng pháp luật còn không đúng pháp luật thì không làm được.

Công ty Keangnam cũng có yêu cầu nhóm tác giả đăng các bài báo sai sự thật về Keangnam và dự án của Công ty trên báo Cựu chiến binh phải có lời xin lỗi đối với Tập đoàn Keangnam vì những bài báo vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến uy tín và thương hiệu của Tập đoàn.

Một lần nữa, Keangnam mong muốn rằng các cơ quan báo chí, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ủng hộ Keangnam để hoàn thành công trình, chào mừng ngày đại lễ.

Ông Đỗ Quảng, đại diện nhóm tác giả:

Tôi được toàn quyền đối thoại và ký cam kết thưởng với Keangnam - Vina. Tôi xin nhấn mạnh chúng tôi không thách đố, chúng tôi nói là Keangnam hoàn thành đúng tiến độ thì tặng ngay.

Về yêu cầu của phía Keangnam - Vina muốn biết ai là tác giả các bài viết đăng trên báo Cựu chiến binh và ai là người đưa ra đề nghị ký cam kết thưởng thì ngoài khoảng 15 người tại phòng họp còn có hàng trăm người khác nữa, trong phạm vi toàn quốc.

Đã có những cựu chiến binh, thương binh, kỹ sư xây dựng, những doanh nghiệp, đại gia ngành xây dựng đã gửi tiền góp vào số 100 tỷ đồng và xin thông báo số tiền chúng tôi có hiện nay không phải là 100 tỷ đồng mà là hơn 150 tỷ đồng.

Tôi sẽ là người đại diện ký cam kết với Keangnam, hoàn toàn là tiền mặt. Tôi cũng xin các báo không dùng từ cá cược. Chúng tôi, hàng trăm người ký bức thư ngỏ này đều xuất phát từ tình cảm đối với đất nước, với 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tôi cũng xin báo cho phía Keangnam biết, kể cả những người đã đặt tiền mua nhà của Keangnam cũng tự nguyện góp tiền vào đây. Mặc dù số tiền không nhiều.

Trong văn bản Keangnam đưa ra, các ông có nói 11 căn hộ tầng 6 và 1 căn penhouse, tổng cộng là 12 căn hộ trị giá 100 tỷ đồng để đem ra làm “đối trọng” với phần thưởng của chúng tôi thì cái đó hiện nay chưa thấy bóng dáng đâu.

Bây giờ chúng tôi sẵn tiền rồi, nếu các ông tự tin vào năng lực kỹ thuật của các ông và công nghệ tiên tiến hiện đại của các ông, thì xin mang tiền mặt đến đây ký cam kết. Nếu hiện ông không mang tiền, thì tôi và ông ký một văn bản ngày nào ông mang tiền đến đây, chúng ta cho vào ngân hàng bảo lãnh, hoặc cho vào sổ tiết kiệm, hàng tháng hai bên cùng lấy lãi.

Việc này chúng tôi cho rằng mang tính tích cực cho cả hai phía, vì 100 tỷ đồng đó dù chúng tôi thưởng hay các ông được thưởng thì hai phía đều bỏ vào quỹ người nghèo của Việt Nam. Anh em chúng tôi có thể mất 100 tỷ đồng, nhưng Hà Nội có được một công trình lớn như thế để kỷ niệm ngày đại lễ.

Tôi cũng là một trong những nhà báo đi đăng ký mua nhà ở đó. Chúng tôi đã lặn lội rất nhiều lần ở công trường, tiếp xúc với cả các công nhân, kỹ sư xây dựng ở đó, nên có thể nói chúng tôi không phải ký “mò” một cách vô trách nhiệm.

  • Ảnh bên : Tòa tháp 48 tầng tại dự án Keangnam đã hoàn thành phần móng, hiện thi công tiếp tầng hầm - Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Ha Jong Suk:

Cũng như các ông, chúng tôi muốn hoàn thành công trình làm món quà mừng cho Hà Nội, cho nhân dân Thủ đô. Trước các quý vị, chúng tôi khẳng định đến tháng 10/2010, chúng tôi chắc chắn sẽ có món quà đó cho ngày đại lễ.

Về việc ký cam kết, tiền không phải vấn đề mà vấn đề ở chỗ việc này về mặt pháp lý có đúng luật hay không đúng luật. Keangnam có gửi công văn lên các cơ quan chức năng. Nếu các cơ quan đó có công văn trả lời cho biết không vi phạm pháp luật thì Keangnam sẵn sàng ký kết với nhóm tác giả.

Việc Keangnam trong thời gian vừa qua thi công hay đầu tư có vấn đề gì hay không thì các cơ quan chức năng của Hà Nội đã đứng ra thẩm định và có câu trả lời đáp án chính xác nhất.

Bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến tiến độ, kỹ thuật, công nghệ... có thể tham khảo và tìm hiểu tại trụ sở của Keangnam và chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi thông tin quý vị quan tâm.

Luật sư Lê Thanh Sơn:

Chúng tôi đến đây hôm nay theo giấy mời của báo Cựu chiến binh để ký bản cam kết. Đề nghị các ông đã chuẩn bị cam kết thì cho chúng tôi xem. Với tư cách là luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Keangnam, nếu tôi thấy bản hợp đồng đó là đúng với các quy định của pháp luật Việt Nam, không trái với quy tắc đạo đức xã hội, văn hóa Việt Nam thì sẽ ký ngay. Nếu thấy không đúng quy định pháp luật thì chúng tôi sẽ ra về.

Về việc các ông đưa quan điểm đây không phải đánh cược, chúng tôi cũng nhất trí đây không phải đánh cược, nhưng xin hỏi đây là loại hợp đồng gì? Tôi chắc luật sư đồng nghiệp của tôi sẽ chia sẻ với tôi rằng đây là hợp đồng dân sự và phải tuân thủ luật dân sự.

Theo điều 590 của Bộ luật Dân sự có việc ký và thưởng, nhưng cái thưởng này khác, có thưởng mà không có phạt. Còn trong trường hợp như thế này thì được: bên ông Quảng cam kết rằng đến tháng 10/2010, nếu công ty Keangnam hoàn thành xong phần thô... thì bên ông Quảng thưởng cho Keangnam 100 tỷ đồng, đó là hợp pháp. Bên ông Quảng sẽ nộp số tiền đó vào quỹ vì người nghèo thì đó là hợp pháp.

Còn trường hợp ngược lại, nếu Keangnam không hoàn thành bị phạt 100 tỷ đồng thì tôi có thể nói luôn đây là đánh bạc.

Còn một trường hợp nữa,  theo Luật Xây dựng 2003, điều 110, quy định đối với công trình xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước và có hứa thưởng, thì bên tòa soạn báo, bên ông Quảng và những người khác ở đây không thuộc đối tượng của loại hình này, vì vậy không được quyền ký, vì không là nhà thầu hay là nhà xây dựng. Vì vậy tôi cho là việc này phải nên xem xét lại.

Phải dùng từ đánh cược, vì có thưởng có phạt. Với tư cách luật sư, tôi dứt khoát không bao giờ đồng ý để cho khách hàng đánh bạc.

Trong công văn số 39, chúng tôi có đề cập đến vấn đề tài sản, Keangnam đề nghị đặt cọc tài sản hoặc tiền tương đương vào kho bạc...

Nếu bên ông Quảng có thể khẳng định hợp đồng dân sự các ông đưa ra mà khách hàng của chúng tôi sẽ ký, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt Nam thì tôi xin khẳng định chúng tôi ký ngay bây giờ.

Nếu không chứng minh được thì chúng tôi xin phép phải bàn thêm nữa.

Đề nghi phía ông Quảng có văn bản chính thức gửi các cơ quan có thẩm quyền hỏi về việc này. Khi ông Quảng nhận được trả lời rằng hợp đồng là hoàn toàn hợp pháp thì chúng tôi ký ngay, bất kể thời điểm nào.

Luật sư Đỗ Văn Hưng, thừa ủy quyền của nhóm tác giả:

Ở đây, mục đích của nhóm cựu chiến binh không phải là vì mục đích cá nhân. Với tinh thần như vậy, tôi cho rằng rất đáng hoan nghênh. Tôi cho rằng đây không phải vụ cá cược hay đánh bạc mà thể hiện tính dân chủ, vì sự thật và mục đích nhân đạo.

Tôi không đồng ý với Luật sư Lê Thanh Sơn vì theo điều 122 Bộ luật Dân sự, những điều kiện để tham gia giao dịch dân sự là các bên tham gia có đầy đủ năng lực hành vi, thứ hai là không trái với đạo đức và không bị pháp luật cấm, thứ ba là các bên đều tự nguyện. Ở đây tôi thấy là đã hội đủ điều kiện như vậy.

Nếu nói đánh bạc thì Luật sư Lê Thanh Sơn phải xem xét lại Bộ luật Hình sự quy định về tội đánh bạc, tức là mục đích vì vụ lợi cá nhân. Trong khi đó, các cựu chiến binh tham gia với mục đích vì đất nước, vì Hà Nội, vì muốn có công trình xứng đáng với ngày đại lễ.

Luật sư Lê Thanh Sơn:

Tôi xin bổ sung ý kiến. Điều 590 : hứa thưởng quy định người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng. Công việc hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không bị pháp luật cấm, không trái đạo đức xã hội.

Tôi công nhận luật sư nói đúng, chỉ có điều thiếu vế thứ hai là thưởng nhưng không có phạt.

Có thể phía ông Quảng cho hợp đồng như thế là phù hợp, nhưng với tư cách luật sư, tôi không thể cho khách hàng của tôi ký được.

Ông Đỗ Quảng:

Tôi đã nói tiền đã rất sẵn sàng, không phải 100 tỷ đồng mà là 150 tỷ đồng. Có rồi và tôi sẽ là người ký.

Nếu bây giờ phía các ông chưa sẵn sàng thì ta chỉ có thể cam kết hẹn trong vài ngày đưa ra 100 tỷ, thì chúng ta ngồi làm hợp đồng với nhau. Nếu đưa căn hộ thì chúng tôi không ký.

Nếu bên Keangnam cảm thấy có các yếu tố khách quan như lụt lội, ngập nước,  hay khó khăn tiền bạc... nếu không làm được thì chỉ cần nói lại, không cần xin lỗi.

Nếu Keangnam vì lý do nào đó không ký cam kết 100 tỷ đồng này, chúng tôi cũng không thấy có vấn đề gì. Chúng tôi sẽ tự thưởng 10 tỷ đồng cho Keangnam mà không đòi hỏi gì cả, nếu như các ông thực hiện đúng những gì đã cam kết.

Ông Ha Jong Suk:

Chúng tôi đến đây để ký cam kết. Chúng ta, những người Việt Nam và những người nước ngoài sống trên đất nước Việt Nam, phải tuân thủ các quy định của pháp luật của Việt Nam. Chúng tôi sẽ tham khảo các cơ quan chức năng, phía các cựu chiến binh cũng cần tham khảo thêm về mặt pháp luật.

Chúng tôi khẳng định lại một lần nữa là những gì chúng tôi đã hứa thì sẽ thực hiện và thực hiện đúng như cam kết.

Chiều 18/11, trả lời báo giới về vụ việc này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Về thủ tục đầu tư dự án, Keangnam đã tuân thủ đúng pháp luật. Còn vấn đề "đặt cược" 100 tỷ đồng, Chính phủ sẽ giao cho các cơ quan chức năng như bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính nghiên cứu, sớm trả lời công luận". 
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1690 khách Trực tuyến

Quảng cáo