Ashui.com

Friday
Nov 08th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật TP.HCM và những "công trình thế kỷ"

TP.HCM và những "công trình thế kỷ"

Viết email In

TP.HCM được người dân ví như một “đại công trình xây dựng” trong năm qua. Dưới đây xin điểm lại 5 công trình sẽ hoàn thành trong năm 2009, tạo một diện mạo mới cho TP.HCM và 5 công trình xây dựng chưa biết đến khi nào xong.

Người dân đặt tên chung cho những công trình này “rùa bò” này là “đại lãng phí”.

5 công trình sẽ hoàn thành 2009

1. Cầu Khánh Hội mới thuộc dự án Đại lộ Đông Tây có kiểu dáng uốn lượn hình chữ S, dài gấp năm lần và rộng gấp đôi so với cầu cũ sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2009. Cầu này nhằm kết nối từ đường Nguyễn Tất Thành vào đường Tôn Đức Thắng, thay vì hướng đi thẳng vào đường Hồ Tùng Mậu, Q.1 như cầu cũ.

2. Cầu Công Lý trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa  - trục giao thông nối từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm TP.HCM - đã được nâng cấp mở rộng từ 16 - 20m lên 30m, toàn bộ lưới điện, điện thoại, cáp quang… đều được lắp đặt ngầm. Theo kế hoạch, chậm nhất là quý II  tuyến đường này sẽ thảm bê tông nhựa, lát gạch vỉa hè, trồng cây xanh… và hoàn thành công trình trong năm 2009.

3. Cũng thuộc dự án Đại lộ Đông Tây, cầu Calmette mới được xây dựng có quy mô gấp 10 lần cầu cũ. Cầu được thiết kế đặc biệt, giữa cầu là một nút giao thông lớn cho các làn xe lên xuống sáu nhánh cầu và bên dưới cầu là mảng cây xanh. Trước tết sẽ thông xe hai nhánh cầu chính từ đường Calmette qua kênh Bến Nghé vào đường Hoàng Diệu, Q.4. Còn bốn nhánh cầu phụ để xe lên xuống Đại lộ Đông Tây - hầm Thủ Thiêm sẽ hoàn thành trong năm 2009 cùng với Đại lộ Đông Tây và hầm Thủ Thiêm.

4. Cầu Phú Mỹ (ảnh bên) nối quận Q.7 - Q.2 sẽ hợp long vào tháng 7/2009 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2009. Cầu có tổng chiều dài 2.031m và trụ tháp cầu cao 139m - lớn nhất TP.HCM và lớn thứ hai sau cầu Cần Thơ (Vĩnh Long - Cần Thơ) ở ĐBSCL. Cầu được xây dựng có độ tĩnh không cao 45m, cho phép tàu biển có tải trọng 20.000 - 30.000 tấn đi trên sông Sài Gòn cập các cảng biển TP. Theo ông Nguyễn Thành Thái - TGĐ Cty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ, cầu này có lưu lượng 100.000 xe lưu thông/ngày.

5. Cầu Nguyễn Văn Cừ nối Q.1 - Q.5 qua Q.4 - Q.8 sắp hoàn thành nhánh cầu từ Q.1 - Q.5 vượt kênh Bến Nghé qua Q.4, sau tết sẽ hợp long nhánh cầu từ Q.4 vượt kênh Tàu Hủ qua Q.8. Theo ông Lê Quyết Thắng - GĐ Khu quản lý giao thông đô thị số 1, toàn bộ cầu sẽ hoàn thành trong quý 1-2009, góp phần giảm áp lực giao thông cho các cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Chữ Y, cầu Chà Và…

Và 5 công trình chưa biết khi nào hoàn thành

1. Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Rừng Sác (ảnh bên) được UBND TP.HCM chỉ định cho Cty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM thi công vào năm 2002. Công trình có chiều dài toàn tuyến là 36,5km, giai đoạn 1 đầu tư hơn 255 tỷ đồng, gồm chi phí đền bù giai tỏa và xây dựng hạ tầng hai bên đường, mơ rộng mặt đường có lộ giới 30 - 120m, trong đó phần đường mở rộng chủ yếu là làm nền và vẫn giữ nguyên mặt đường hiện hữu để xe lưu thông. Theo kế hoạch, dự án này phải hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2005. Tuy nhiên, cho đến nay dự án vẫn ì ạch và chưa biết đến khi nào xong.

2. Cùng chung với “số phận rùa” của Dự án đường Rừng Sác là Dự án đầu tư xây dựng 7 cây cầu trên suốt tuyến đường, do Cty Quản lý công trình cầu phà TP.HCM làm chủ đầu tư. Cuối năm 2004, bên cạnh việc nâng tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án đường lên gần 307 tỷ đồng do giá vật tư và tiền đền bù tăng, thì TP.HCM cũng đã phê duyệt hơn 230 tỷ đồng để xây dựng mới 7 cây cầu nói trên. Khởi công từ cuối năm 2003, nhưng mãi đến 2007 mới hoàn thành 3/7 cây cầu, các cây cầu còn lại là cầu An Nghĩa, Rạch Lá, Lôi Giang và Hà Thanh hiện vẫn đang thi công cầm chừng. Hơn nữa, trong quá trình thi công một số cây cầu gặp sự cố, như cầu Rạch Lá và Lôi Giang khi thi công trụ số 5 đã đóng cọc lệch, cầu Hà Thanh gặp sự cố khi nhịp giữa (gồm 8 thanh dầm) bị rơi do bão số 9 năm 2006, riêng cầu Rạch Lá phải thiết kế lại do nền địa chất yếu… Chính vì vậy, người dân huyện Cần Giờ vẫn phải tiếp tục vã mồ hôi khi đi qua những công trình dang dở này.

3. Công trình cầu vượt Gò Dưa được đánh giá là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP, được giao cho BQL dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ năm 1999, với số vốn đầu tư 189 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành sau 36 tháng thi công. Thế nhưng, dự án thi công ì ạch, sau nhiều lần gia hạn vẫn chưa hoàn thành được. Năm 2004, công trình được bàn giao lại cho thành phố, đơn vị chủ đầu tư mới là Sở GTVT thành phố tiếp tục. Tuy nhiên, từ đó đến nay công trình cầu vượt này vẫn giậm chân tại chỗ.

4. Nhưng sự chậm trễ của dự án này vẫn không thể sánh với dự án cầu Hoàng Hoa Thám - có quy mô chỉ dài khoảng hơn 100m nối từ Q.1 sang Q.Bình Thạnh. Sau 10 năm kể từ ngày khởi công xây dựng (năm 1998), toàn bộ công trình chỉ mới xây được lèo tèo trụ bê tông nằm giữa bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Từ năm 2006, thành phố quyết định chuyển giao Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư thay cho đơn vị cũ (Cty CP phát triển đô thị Bình Minh), với hy vọng xốc lại tiến độ. Lúc này vốn đầu tư đã tăng thêm gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã 2 năm trôi qua, dự án vẫn chưa thể khởi động trở lại.

5. Dự án mở rộng đường Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú) còn có thành tích “hoành tráng” hơn, sau 5 năm xây dựng (từ 2001 -2005) chủ đầu tư cũng chỉ thi công được 1km. Bị dư luận phản ứng, chủ đầu tư  và nhà thầu phải "bỏ của chạy lấy người". TP.HCM đành giao lại cho Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư, tiếp tục triển khai xây dựng những hạng mục còn lại. Thế rồi, "con rùa lật ngửa" này đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư mới "lật sấp" lại để nó bò nhanh hơn.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1917 khách Trực tuyến

Quảng cáo