Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận rằng việc phát triển hệ thống giao thông đường sắt đô thị trong thời gian vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề chậm tiến độ. Bộ đã rút bài học kinh nghiệm sâu sắc và cho biết sẽ tiếp tục tiếp thu những ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội, để sắp tới sẽ cùng với các thành phố lớn tham mưu Chính phủ tốt hơn trong những dự án mới.
Thông tin nói trên được ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết tại phần giải trình về ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 3/11.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: TTXVN)
Khi phát biểu về các dự án đường sắt đô thị, ông Nguyễn Phi Thường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, cho rằng những siêu đô thị 10 triệu dân như TPHCM và Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng do sự quá tải về hạ tầng cơ sở, trong đó có hạ tầng giao thông. Theo ông Thường, việc phát triển đường sắt đô thị là xu thế tất yếu nhằm giải quyết vấn đề bức bách về lưu thông ở các siêu đô thị này.
Ông Thường nói: "Hệ thống đường sắt đô thị của hai thành phố đều xác định có khoảng 8 tuyến. Cụ thể, TPHCM có tổng chiều dài 220km, tổng mức đầu tư 25 tỉ đô la Mỹ, còn Hà Nội là 318km với tổng mức đầu tư 30 tỉ đô la Mỹ. Hiện có một số tuyến đã và đang được triển khai ở các bước, các giai đoạn khác nhau”.
Các dự án đường sắt đô thị đều có tổng mức đầu tư rất lớn, lên đến hàng tỉ đô la Mỹ nhưng lại luôn trong tình trạng bị chậm tiến độ, bị đội vốn nhiều lần gây bức xúc dư luận. Có thể kể đến, như dự án Cát Linh - Hà Đông, dự án Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, Nhổn - ga Hà Nội. Ông Thường cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương tổng hợp, đúc rút kinh nghiệm để các dự án ngay tiếp sau không phải lặp lại.
Ngoài ra, dự án đường sắt đô thị nên được thiết kế sao cho gắn kết được với không gian đô thị, tích hợp vào đời sống đô thị để phát huy được tính hiệu quả. Bởi cả TPHCM và Hà Nội hiện nay đều không được thiết kế theo định hướng đô thị giao thông công cộng mà phát triển chủ yếu theo quy luật kinh tế, tính linh hoạt tự do cá nhân được đặt lên trên. Mật độ đường rất thấp (TPHCM khoảng 2,1km/km2 và Hà Nội là 3km/km2, thấp hơn rất nhiều so với mức lý tưởng là 10km/km2), thiếu không gian đi bộ và có nhiều khu phát triển tự phát.
Để một hệ thống đường sắt đô thị tồn tại, phát huy hiệu quả thì cần phải thu hút người sử dụng. Việc đó phụ thuộc chủ yếu vào sự tiện nghi, phù hợp của những kết nối giữa nhà ga đường sắt đô thị và đô thị. Cụ thể là các tuyến đi bộ, các trung tâm tập trung đông người, không gian công cộng, bến bãi đỗ xe, phương tiện trung chuyển, xe bus kết nối...
Nói về vấn đề cụ thể với dự án Cát Linh - Hà Đông, ông Thường cho rằng còn khá nhiều vướng mắc về thủ tục, thẩm quyền như kết luận của Kiểm toán nhà nước về thanh toán, nghiệm thu an toàn hệ thống. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm chỉ đạo tháo gỡ để cuối năm vận hành, không để sai hẹn về đích thêm lần thứ chín, không để kéo quá dài, gây bức xúc dư luận.
Qua những bất cập đã vạch ra ở trên, ông Thường đề nghị Chính phủ cần lưu ý như sau: “Đánh giá rút kinh nghiệm các dự án ODA về đường sắt đô thị, thận trọng với các điều kiện trong Hiệp định vay ODA nhất là việc lựa chọn chỉ định tổng thầu; việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị chỉ hiệu quả cao khi đầu tư toàn tuyến chứ không chỉ đầu tư từng đoạn tuyến và tính kết nối liên thông là rất quan trọng. Khi ký hợp đồng với các nhà thầu cần chuẩn bị đủ các điều kiện, nhất là giải phóng mặt bằng, đặc biệt với hợp đồng ETC vì nếu chưa chốt được giá trị ngay từ đầu mà chỉ tạm tính thì sẽ rất rắc rối sau này.”
Giải trình trước đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT thừa nhận về giao thông đường sắt đô thị thời gian vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề chậm tiến độ.
“Qua những dự án hiện nay thì chúng tôi cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc, liên quan đến: vấn đề quy hoạch để làm sao đáp ứng được yêu cầu phát triển; trong quá trình chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đối tác, tổ chức đấu thầu, cần phải rút những bài học kinh nghiệm để lựa chọn được những công nghệ, những nhà thầu tốt, cần phải có những giải pháp rõ ràng để từ đó xác định giá trị và tránh tình trạng phải điều chỉnh giá,” ông Thể nói.
Ông Thể cũng đại diện Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội và cho biết sắp tới sẽ cùng với các thành phố lớn tham mưu Chính phủ tốt hơn để những dự án khởi công mới sẽ tránh được tình trạng lặp lại như hiện nay.
Vân Ly
(TBKTSG)
- Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng sau Nghị định 81
- Doanh nghiệp có vốn 10 triệu đồng muốn hồi sinh dự án triệu đô Saigon One Tower
- Chính phủ tháo gỡ 'nút thắt' cho doanh nghiệp xây khu đô thị
- Nhà đầu tư đã "chán" các dự án bãi xe ngầm tại TPHCM
- Cẩn trọng bất động sản phát mãi
- Chi càng nhiều thì mối lo càng lớn
- Cầu Thủ Thiêm 2 chờ đến bao giờ?
- Giá chung cư có thể đội lên nếu thêm tầng lánh nạn
- Hàng tồn chất đống, doanh nghiệp bất động sản chật vật tìm cách tăng trưởng
- Quản lý hoạt động cho thuê nhà qua Airbnb như thế nào cho phù hợp?