Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Sông Sài Gòn đang bị lãng quên

Sông Sài Gòn đang bị lãng quên

Viết email In

Từ nguyên thủy, con người sống cần đến nước, không có nước là không có sự sống, cho nên nơi nào có nguồn nước dồi dào thì người ta cho là được thiên nhiên ưu đãi. Tuổi ấu thơ của chúng ta, gần như ai cũng có một dòng sông để nhớ. Trong đời sống của một đô thị, dòng sông là một không gian sinh động và không chỉ mang lại con cá con tôm, là đường giao thông có tính truyền thống.


Khu vực sông Sài Gòn xưa kia

Dưới góc độ quy hoạch đô thị, cách nhìn một dòng sông còn lệ thuộc vào nhận thức văn hoá và nếu chỉ nhìn dòng sông như một nơi kiếm sống thì quá hạn hẹp. Dòng sông là yếu tố thiên nhiên quan trọng bậc nhất và người dân các đô thị phát triển trên thế giới thường tự hào về dòng sông chảy qua vùng đất của mình.

Nhắc đến Paris, người người nghĩ ngay đến sông Seine, London gắn với sông Thames, Moscow có dòng sông cùng tên với thành phố, cũng như năm nước có Danube chảy qua, người dân tự hào như đó là dòng sông của riêng mình.

Trên đất nước ta, sông Hương ở Huế điển hình cho một thiên nhiên công cộng thường được các nhà quy hoạch đánh giá là có giá trị thẩm mỹ cao. Sông Hàn ở Đà Nẵng với sáu cây cầu mới bắc qua không chỉ làm sống dậy một vùng đất bên kia bờ bị lãng quên qua nhiều thế hệ mà còn tạo vẻ duyên dáng cho một thành phố đầy sức sống với các công viên được xây dựng ở hai bờ.

Thành phố Sài Gòn hơn 300 năm tuổi cũng được thiên nhiên ban tặng một dòng sông uốn lượn, vậy mà đến nay chúng ta vẫn còn loay hoay trong việc tìm cách phát triển hai bờ. Trong khi chưa khai thác được dòng sông chảy ngang qua thành phố thì dưới tác động của sự thực dụng, cảnh quan sông Sài Gòn đang ngày càng mất đi vẻ đẹp trời cho. Đã có lúc dòng sông này được đặt vào vị trí làm trục cảnh quan trung tâm trong qui hoạch, được đưa vào nghị quyết, nhưng vẫn bị lãng quên.


Vào năm 1984, các chuyên gia quy hoạch trong cả nước đã được mời xây dựng một luận chứng kinh tế - kỹ thuật, cải tạo, xây dựng và phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh 25 năm sau. Ngay trong đề án này, không gian văn hoá cũng bị lãng quên và người ta chỉ giao cho sông Sài Gòn chức năng là một dòng sông phục vụ kinh tế với hai bên bờ dày đặc bến cảng và xí nghiệp.

Tội nghiệp cho dòng sông, không ai quan tân đến việc làm cho nó đẹp hơn mà chỉ tiện đâu làm đấy, vì lợi ích nhỏ trước mắt mà bỏ qua lợi ích lớn lâu dài. Ban đầu người ta nghỉ đến công viên bên bờ sông về phía Thủ Thiêm nhưng rồi lại cũng chia lô bán đất. Hàng loạt nhà cao tầng gần chục năm nay mọc lên như một biểu hiện của sự phát triển nhưng chẳng ai quan tâm đến sông Sài Gòn là máu thịt của người dân Sài Gòn, đang từng bước đánh mất cảnh quan thiên nhiên quan trọng góp phần tạo nên một diện mạo đô thị giàu tính nhân văn.

Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, người từng tham gia các đề án qui hoạch thành phố, trong một bài trả lời trên báo gần đây đã nhận xét trong không gian 15km đương chim bay, dòng chảy quanh co uốn lượng sông Sài Gòn qua địa bàn thành phố dài 37km, như vậy tổng chiều dài hai bờ khoảng 70km. Với chiều rộng lòng sông từ 150 đến 350 mét chính là kích thước lý tưởng để hình thành một không gian cảnh quan tuyệt mỹ.

Sông Sài Gòn là dòng sông định hình trên vùng đất yếu nên dòng chảy rất đặc sắc, tạo lập những góc nhìn và những chuyển hướng hoàn toàn thay đổi, không đơn điệu như những dòng sông khác. Thêm nữa, sông Sài Gòn chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam là hướng gió từ biển thổi vào nên nếu khai thác tốt sẽ đón luồng gió mát giải nhiệt cho thành phố.

Vậy thì hình dung thế nào về một quy hoạch lý tưởng cho sông Sài Gòn? Ông Huấn cho rằng: Tốt nhất là nên biến hai bên sông Sài Gòn thành không gian văn hoá - giải trí, kết hợp các loại hình kinh doanh thích hợp. Sông Sài Gòn sẽ là một dòng sông phục vụ văn hoá và du lịch, với hệ thống bến đò cùng những công viên rộng tiếp cận bờ sông. Hai bờ sông là không gian thích hợp để trình diễn những kiến trúc độc đáo, những công trình văn hoá - nghệ thuật, tạo nên bộ mặt đô thị hấp dẫn.

Những đại lộ thênh thang uốn lượn theo hai bờ sông được kè đá với hàng lan can thoáng rộng, du khách tản bộ trên đường mặc sức thả hồn dưới bóng những hàng cây ngát hương để cho cảm giác đổi thay nơi những vòng cung khi dòng sông chuyển hướng. Người dân thành phố chiều chiều ra hóng mát, đứng bên bờ sông lộng gió ngắm những chiếc tàu du lịch trắng muốt rẽ sóng về bến Thanh Đa. Và ở bờ bên kia, thành phố mới trên đất Thủ Thiêm với những kiến trúc nguy nga, duyên dáng soi mình trong lòng con nước.

Ông có mơ mộng lắm không khi thực tế hiện nay sông Sài Gòn đang tiếp tục bị đối xử một cách vô cảm.

Trần Trọng Thức - ảnh minh họa: Ashui.com 

>> Sông Sài Gòn nên là dòng sông của văn hóa, du lịch 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo