Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Loạn dịch vụ tại các bảo tàng

Loạn dịch vụ tại các bảo tàng

Viết email In

Dự thảo bổ sung, sửa đổi Luật Di sản (dự kiến trình Quốc hội ngày 22.5 tới) đã cho phép các bảo tàng được tổ chức dịch vụ thương mại.

Bức tranh nhếch nhác

Ở Hà Nội, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (ảnh bên) đang cho cửa hàng ăn uống, bia hơi thuê mặt tiền. Khách đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì vừa không có chỗ đỗ xe, vừa khó có thể chụp một bức ảnh toàn cảnh bởi bảo tàng này bị những chiếc ô tô phủ bạt vây kín. Cửa hàng lưu niệm trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thì xập xệ đến mức vị giám đốc bảo tàng phải “cảm thấy xấu hổ!”. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hiện có một trung đội công an hơn 30 người  tá túc để trông giữ hiện vật. Thế nhưng, để phục vụ trung đội này, khoảnh sân vốn đã chật hẹp của bảo tàng đã được trưng dụng thành bãi đỗ xe. “Chúng tôi đã gửi công văn kiến nghị vì sự phiền hà, phản cảm này. Thế nhưng, họ lại đề nghị cho họ đỗ thêm 20 ô tô trong sân bảo tàng. Hôm vừa rồi, tôi đã đếm được tận 52 chiếc ô tô trong sân bảo tàng!”, ông Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nói.

Bảo tàng Hồ Chí Minh thì dành khuôn viên tầng 2 để cho các đám cưới thuê địa điểm tổ chức tiệc. Giám đốc Đỗ Trọng Bằng cho biết mỗi năm bảo tàng cho khoảng 20-25 đám cưới thuê. Trước đây, bảo tàng còn phục vụ cả cơm bình dân lẫn kem tươi giải khát... Tình hình cũng tương tự đối với phần lớn các bảo tàng tại TP.HCM. “Bước chân vào phòng trưng bày là ngửi thấy mùi thức ăn, chưa kể, hàng quán không được gia cố thẩm mỹ, rất nhếch nhác, lộn xộn”, bà Lê Thị Minh Lý - Phó cục trưởng Cục Di sản nói.

Trên thế giới, chuyện bảo tàng có được làm dịch vụ hay không đã được giải quyết êm thấm bằng các chính sách cho phép mở cửa phát triển. Ở Việt Nam, làm dịch vụ không phải là chuyện mới đối với các bảo tàng. Thế nhưng, bảo tàng có được làm dịch vụ hay không vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi bởi cho đến nay chưa có quan điểm thống nhất và cũng chưa được thể chế hóa bằng hành lang pháp lý. Nhiều địa phương nhăm nhe xử phạt những bảo tàng cho thuê địa điểm làm nhà hàng, tổ chức đám cưới, đỗ ô tô, làm gallery..., ngược lại, có nơi lại “thoáng” đến mức cho phát triển tràn lan, ồ ạt các loại hình dịch vụ trong bảo tàng và khoán trắng cho tư nhân.


Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (ảnh minh họa)

“Mở” thế nào?

Tại cuộc tọa đàm Sản phẩm lưu niệm và dịch vụ trong bảo tàng do Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) tổ chức hôm 18.5, các nhà quản lý, các giám đốc bảo tàng đều thống nhất quan điểm: muốn phát triển, bảo tàng cần phải chuyển tải sản phẩm văn hóa có mặt trong bảo tàng thành sản phẩm hàng hóa, chứ không nên coi bảo tàng như những khu “đền thiêng” bất khả xâm phạm. Bởi thực tế là công chúng đến thăm bảo tàng cũng có nhu cầu mua quà lưu niệm, nhu cầu được ăn uống, nghỉ ngơi, được tăng thêm tri thức... Có điều, theo TS Phạm Quốc Quân, “phát triển loại dịch vụ gì và không nên phát triển loại dịch vụ gì thì vẫn chưa được nhận thức đầy đủ”. Hơn nữa, những văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực đều không khuyến khích các đơn vị công lập sử dụng đất công vào mục đích cho thuê văn phòng, phát triển dịch vụ.

Bên cạnh đó, trong thiết kế kiến trúc của các bảo tàng thường không có những khu được thiết kế dành cho các dịch vụ thương mại. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, kiến nghị trong nội dung thiết kế mới của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (dự kiến khánh thành năm 2012 / hình ảnh ở dưới) cũng cần phải bàn đến cửa hàng lưu niệm và các dịch vụ ngay từ bây giờ. Ngoài ra, các cửa hàng lưu niệm cũng không thể làm cẩu thả. Bởi, theo ông Huy, việc chuyển tải các sản phẩm văn hóa thành dịch vụ hàng hóa cũng cần phải đặt ở tầm chiến lược. Có nghĩa là, các bảo tàng phải biết lôi kéo các “đại gia” để phát triển “thương hiệu” của mình chứ không nên hợp tác theo kiểu “ăn xổi ở thì”.

Ông Nguyễn Danh Ngà, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ VH-TT-DL) kiến nghị giảm thuế suất từ 25% xuống 10% cho các doanh nghiệp đầu tư vào dịch vụ bảo tàng. Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, cho biết nếu Luật sửa đổi, bổ sung Luật Di sản được Quốc hội thông qua thì các bảo tàng sử dụng đất công để phát triển dịch vụ sẽ không bị coi là phạm luật và tiếp đó, Cục sẽ ban hành quy chế hướng dẫn cụ thể loại hình dịch vụ nào được tồn tại trong bảo tàng.

Y Nguyên ( Thanh Niên ) 

Thiết kế kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (phương án đoạt giải A):

(Nguồn : Ashui.com)  

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo