Ashui.com

Friday
Oct 04th
Home Tương tác Góc nhìn Quy hoạch hồ Gươm - việc đại sự không thể xem thường

Quy hoạch hồ Gươm - việc đại sự không thể xem thường

Viết email In

1 - Chúng tôi nghĩ rằng việc nghiên cứu Quy hoạch tổng thể hồ Gươm một cách bài bản và rộng rãi vào thời điểm này là đúng lúc. Sớm hơn, khi VN chưa gia nhập WTO, khi Hà Nội chưa mở rộng thì chưa đủ thế và tầm nhìn. Muộn nữa, e rằng lúc đó ta đã phá xong khu vực này một cách không thể cứu chữa.

2 - Trong các phương án tham dự cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch hồ Gươm" có khá nhiều đề xuất mạnh bạo, đáng chú ý. Như phá dỡ số nhà cũ (chủ yếu xây sau năm 1955) nay không còn phù hợp và đã bị dư luận coi là chưa thoả đáng. Như mở ra một số mảng xanh rất cần thiết để tôn vinh cảnh quan. Như khôi phục và tôn tạo các cơ sở tâm linh của hồ Gươm v.v...

Các bạn người nước ngoài đã có cử chỉ đẹp khi nhiệt tình cùng chúng ta đóng góp những suy nghĩ có nghiệp vụ cao về hồ Gươm.

3 - Bên cạnh đó, theo chúng tôi, vẫn còn mấy điều chưa được làm tốt trong cuộc thi này.

Một là đề bài chưa rõ. Người thi phải tự mình hình dung ra các chức năng để lý giải. Vì vậy hoặc đề suất quá nhiều chức năng, hoặc quá cường điệu chức năng này mà coi nhẹ các chức năng quan trọng khác.

Muốn có ý tưởng tốt thì trước tiên phải khẳng định được các chức năng. Chỉ riêng chức năng trung tâm hành chính của thành phố có còn ở khu vực này hay không đã dẫn đến các ý tưởng và giải pháp khác nhau rất xa rồi.

Hai là một số bên tham gia có thể đã có sự nhầm lẫn về một cuộc thi ý tưởng.  Tuy vẽ nhiều, nhưng ý tưởng dàn trải, thiếu chiếu sâu, có khi còn làm phai nhạt và phương hại đến những chức năng cốt lõi nhất của hồ Gươm và khu vực xung quanh. Kèm theo là sự sa đà vào những giải pháp chi tiết và trình diễn phối cảnh rầm rộ, làm phân tán chủ đề ý tưởng.

Có đề suất phá hầu hết các di tích nay đã thành di sản để thay bằng loạt nhà hộp diêm như thể với một khu đất mới vô hồn vô cảm nào đó.

Có một ví dụ để so sánh: Khoảng 50 năm trước, trong cuộc thi thiết kế thủ đô Brasilia (Nam Mỹ) có đông các nước tham gia, nhiều phương án được vẽ trên những panô lớn rất hoành tráng, nhưng giải nhất lại thuộc về mấy bản vẽ tay trên vài tờ giấy học trò, trong đó có những ý tưởng kiệt xuất.

Ý tưởng hay thường kiệm lời. 

Ba là nếu dùng số tiền đầu tư vừa qua để tổ chức thi theo cách khác thì có lẽ sẽ đúng trình tự hơn, và hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn. Đó là cách trưng cầu ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Bởi hồ Gươm không chỉ là tài sản riêng của Hà Nội, mà là báu vật của toàn dân.

Nên chăng nới rộng phạm vi đề suất ý tưởng ra xa hơn một chút nữa, sang phía đông hoặc xuống phía nam hồ Gươm. Biết đâu, việc nối liền với khu vực ngoài đê lại cho được những ý tưởng đẹp bất ngờ?

Chúng tôi cho rằng cần sớm phát động một cuộc thu thập ý tưởng mới để cho mọi người tâm huyết từ bắc đến nam và ở nước ngoài đều được tham gia. Với họ, thù lao chắc chắn chưa phải là mối quan tâm đầu tiên. Sau đó phải triển lãm dài ngày ở những vị trí thuận tiện.

Chỉ sau khi đã khẳng định được các chức năng và sau khi đã chọn lựa được các ý tưởng hay từ đề xuất của toàn dân mới nên giao lại cho các nhà chuyên môn kiến trúc-quy hoach triển khai tiếp.

Các phương án đoạt giải (nguồn: Ashui.com):  

Phương án của Liên danh "1+1>2" Group và Academia Italia (Việt Nam / Ý) - Giải Nhì (không có giải Nhất): 

Phương án của Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) - đồng Giải Nhì:

Phương án của MQLPAU and Partners (Việt Nam/Đức) - Giải Ba:


4 - Trong tổng thể Hà Nội, hồ Gươm là vùng đất thiêng, có vai trò và ý nghĩa độc nhất vô nhị. "Long" có "Thăng" cũng là từ đây. Dù đã từng xảy ra một vài hành vi khuất tất trong công việc xây dựng trước đây đi chăng nữa, thì từ nay trở đi, chắc khó có ai dám làm những điều xằng bậy ở khu vực hồ Gươm này để bị thánh nhân trừng phạt.

Việc quy hoạch hồ Gươm là khó, nhưng một khi đã tập hợp được trí tuệ và ý nguyện của toàn dân thì dần dần, từng bước một, từng năm một, tin rằng chúng ta sẽ làm được những điều tốt đẹp cho các thế hệ tiếp sau.

Việc lớn không thể làm qua quýt hoặc vội vã, nhưng càng không thể nhẩn nha, được đến đâu hay đến đó; Bởi công cuộc kiến thiết Hà Nội đang sôi động từng ngày, không cho phép chờ lâu.

Có thể khẳng định rằng: bây giờ, hoặc không bao giờ, chúng ta cần đến một sự suy nghĩ đúng về Hồ Gươm, và có một lộ trình sáng để theo đó mà làm dần, có thể là từ nay đến giữa thế kỷ.

Kết quả tới đây có tốt đẹp hay không phụ thuộc vào những con người đủ phẩm chất và có cách làm chuẩn xác.


(nguồn ảnh: Ashui.com) 

Thay mặt nhóm KTS cao tuổi Hà Nội,
PGS.TS Tôn Đại,
Chủ tịch Hội KTS cao tuổi Hà Nội

>> Tương lai nào cho kiến trúc Hồ Gươm? 

>> Trưng bày các đồ án tham gia vòng 2 cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm và phụ cận”  

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo