Ashui.com

Tuesday
Sep 17th
Home Tương tác Góc nhìn Tai nạn lao động tại các công trình xây dựng cao tầng: Còn thờ ơ, còn phải trả giá

Tai nạn lao động tại các công trình xây dựng cao tầng: Còn thờ ơ, còn phải trả giá

Viết email In

Hàng loạt vụ tai nạn lao động chết người xảy ra tại các công trình xây dựng cao tầng trong thời gian qua, mà gần đây nhất là tại công trình tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark (Từ Liêm, Hà Nội) đã cho thấy công tác đảm bảo an toàn lao động tại các công trình cao tầng đang bị xem nhẹ.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 51 vụ tai nạn lao động trong hoạt động xây dựng, làm chết 13 người, bị thương 60 người. Tai nạn lao động (TNLĐ) trong xây dựng luôn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các vụ TNLĐ xảy ra với khoảng 55% - 60% chủ yếu do điện, ngã cao, vật rơi, vật ép.


(nguồn : xomnhiepanh.com)

Mức xử phạt còn quá nhẹ

Dù chủ đầu tư của công trình tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark - Cty TNHH một thành viên Keangnam Vina - luôn yêu cầu các nhà thầu phụ phải quan tâm đặc biệt tới vấn đề an toàn lao động (ATLĐ), trang bị thiết bị bảo hộ lao động đầy đủ cho công nhân, thành lập một đội giám sát về ATLĐ để kiểm tra, giám sát trên toàn công trường, nhưng những TNLĐ vẫn cứ liên tiếp xảy ra.

Chính ông Chủ tịch Cty Keangnam Vina khi trao đổi với PV cũng đã phải thừa nhận: "Các công nhân của VN không có ý thức tự bảo vệ mình. Chúng tôi luôn yêu cầu họ khi thi công trên cao phải đeo dây bảo hiểm, nhưng nhiều người thấy vướng víu lại bỏ ra. Đội giám sát của chúng tôi chỉ có 7 người, nên không thể nào bao quát hết cả công trường. Bản thân các nhà thầu phụ - những người phải trực tiếp giám sát, tuyên truyền cho công nhân của mình thực hiện các biện pháp ATLĐ - cũng thờ ơ, bỏ qua chuyện này".

Khi các nhà thầu phụ thờ ơ, người lao động tại các công trường đã phải chịu thiệt thòi rất nhiều, đôi khi phải đổi bằng chính tính mạng của mình. Nhiều công nhân thuộc nhà thầu Cty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình chúng tôi gặp gỡ, đều chưa từng biết về công việc xây dựng trước đó. Vậy mà khi vào làm tại công trường, họ cũng không được Cty hướng dẫn, tuyên truyền về ATLĐ.

Anh Lê Văn Đông - ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng - cho biết: "Ở nhà tôi chỉ nuôi tôm sú, chưa từng làm xây dựng. Nhà nghèo nên khi Cty tuyển thì đi làm. Tôi làm ở tổ sắt thì chỉ biết làm sắt, cũng không được hướng dẫn gì về an toàn lao động".

Anh Nguyễn Thanh Quang - ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng - cũng là "lính mới", không hề biết gì về xây dựng. Anh mới được Cty tuyển vào làm hôm trước cùng với hàng loạt lao động mới ở Bình Phước và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, vì có nhiều người bỏ về do thời tiết miền Bắc khắc nghiệt và hoang mang sau mấy vụ TNLĐ chết người. Tuy nhiên, vì công việc đơn giản nên Cty cũng không hướng dẫn gì cho anh, kể cả về công tác ATLĐ, chỉ phát cho dây bảo hiểm để đeo vào người.

Các chuyên gia về ATLĐ nhận định, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng TNLĐ trong các công trình xây dựng cao tầng là tình trạng các doanh nghiệp xây dựng cho mượn pháp nhân, sử dụng cai thầu và khoán trắng an toàn ở công trường cho cai thầu. Chính các cai thầu này lại về tuyển công nhân ở quê mình, hoặc lao động tự do vào làm, hầu hết là những người không có kiến thức và ý thức về an toàn lao động. Đó cũng chính là hoàn cảnh của những lao động kể trên tại nhà thầu Hòa Bình.

  • Ảnh bên : Công trình Keangnam Hanoi Landmark Tower đang thi công (Ảnh: VietNamNet)

Trao đổi với PV Lao Động, ông Vũ Như Văn - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) - khẳng định: "Các văn bản hướng dẫn về thực thi ATLĐ đều có đủ, nhưng vấn đề chính vẫn là ý thức tự giác chấp hành các quy định ATLĐ từ nhà thầu cho đến các công nhân. Nhiều nhà thầu không cấp đủ các trang thiết bị bảo hộ ATLĐ cho công nhân. Việc huấn luyện kiến thức về ATLĐ cho lao động đôi khi chỉ làm theo hình thức. Đặc biệt, nhiều Cty khoán trắng cho lao động, thiếu sự kiểm tra.

Vấn đề kiểm tra sức khỏe của công nhân, nhất là những người phải làm việc trên độ cao, cũng thường bị các nhà thầu bỏ qua hoặc có kiểm tra thì cũng làm sơ sài. Trong khi đó, có nhiều người bị bệnh tim hoặc sợ độ cao, khi phải làm việc trên cao sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng
".

Về mức phạt với các doanh nghiệp vi phạm quy định về ATLĐ, ông Vũ Như Văn cho rằng, mức phạt hiện tại vẫn nhẹ và Bộ LĐTBXH đang đề nghị nâng mức xử phạt để đạt mục đích răn đe và ngăn chặn vi phạm.

Ông Văn phân tích: "Hiện nay, chánh thanh tra được phạt tối đa 20 triệu đồng đối với một hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Mức phạt này, theo tôi vẫn còn quá thấp. Nhưng có một cách còn hiệu quả hơn cả phạt, đó là áp dụng điều 32 của NĐ 113 về xử phạt các vi phạm pháp luật lao động, các doanh nghiệp bị xử lý sẽ bị "bêu tên" trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu ta làm tốt điều này thì các doanh nghiệp sẽ thấy sợ mà phải thực hiện tốt các quy định về ATLĐ".

TP. Hồ Chí Minh: Đại công trường đầy rủi ro

Trong tổng số 45 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết 45 người từ đầu năm đến nay, những vụ "rơi tự do", điện giật, bị vật chèn ép... đã chiếm hơn 60%. TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH phụ trách lĩnh vực an toàn lao động (ATLĐ) - nhận định: "TPHCM hiện nay như một đại công trường xây dựng đầy rủi ro. Mức độ rủi ro tăng theo chiều cao công trình và độ sâu của hầm ngầm được thi công".

Hàng nghìn công trình dân dụng và hàng trăm dự án lớn - nhỏ đang được thi công thu hút khoảng 200-300 nghìn lao động (LĐ) trong lĩnh vực này, khi cao điểm lượng LĐ còn cao hơn nữa. Theo Thanh tra Sở LĐTBXH, thực trạng ATLĐ tại các công trường xây dựng đang ở mức đáng báo động. Trên 90% công trình dân dụng nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn, còn với các công trình lớn cũng chưa đến 50% đảm bảo an toàn.

Thực trạng đó được "minh họa" bằng hàng loạt vụ TNLĐ nghiêm trọng tại các công trình xây dựng từ nhỏ đến lớn. Ngày 30.12.2008, 2 công nhân tử vong và 14 người bị thương do sập công trình xây dựng cao ốc tại Phú Mỹ Hưng, quận 7. Ngày 10.3, hai công nhân bị nạn trong vụ gãy dầm bêtông cầu vượt Chợ Đệm, huyện Bình Chánh.

Ngày 29.3, 6 người bị sập giàn giáo tại phường Đa Kao, quận 1. Ngày 10.4, hai công nhân bị thương do bêtông rơi tại công trình xây dựng cao ốc trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3. Ngày 14.5, một lao động bị điện giật chết khi điều khiển máy trộn bêtông tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức...

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNLĐ trong lĩnh vực này là: Vị trí nguy hiểm như mép sàn tầng, hố, cửa thang máy... không được che đậy cẩn thận; dây dẫn điện nhiều mối nối để trên sàn, thiết bị điện không được kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng; không làm lưới chống rơi, lưới đỡ vật rơi trong công trình; người lao động chưa nắm rõ quy tắc an toàn do huấn luyện ATLĐ chỉ mang tính hình thức.

Qua kiểm tra, Thanh tra Sở LĐTBXH phát hiện nhiều công trình lớn sử dụng các nhà thầu phụ hoặc nhóm cai thầu để có thêm lao động phổ thông. Đa phần những lao động này đều có trình độ học vấn thấp, thiếu tính tự giác nên xảy ra TNLĐ là tất yếu - ông Việt nhận định. Thêm vào đó, trong việc đấu thầu đơn giá thường thay đổi chậm so với thị trường, vì vậy dễ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của nhà thầu. Để tiết kiệm chi phí, cách đầu tiên nhà thầu thường nghĩ đến là cắt giảm chi phí phục vụ ATLĐ.

Trong khi đó, lực lượng thanh tra lao động trong lĩnh vực ATLĐ chỉ có 11 người, gần như "muối bỏ bể" khi phải bao quát hàng chục nghìn DN, cơ sở sản xuất và các công trình xây dựng. Chế tài xử phạt tối đa khi phát hiện sai phạm cũng chỉ lên đến 20 triệu đồng, chỉ như "phủi bụi" đối với nhiều chủ thầu. 

* Thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 51 vụ TNLĐ trong hoạt động xây dựng, làm chết 13 người, bị thương 60 người. TNLĐ trong xây dựng luôn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số các vụ TNLĐ xảy ra với khoảng 55%-60% và nguyên nhân dẫn đến TNLĐ trong ngành xây dựng (điện, ngã cao, vật rơi, vật ép) đến 75% do điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn. H.P

* Hà Nội: 80% số công trình xây dựng cao tầng vi phạm an toàn lao động. Ngày 29.7, ông Bạch Quốc Việt- Trưởng phòng An toàn lao động, Sở LĐTBXH Hà Nội - khẳng định: Nếu công tác thanh - kiểm tra được thực hiện chặt chẽ, sẽ có không dưới 80% số công trình xây dựng cao tầng đang bỏ quên việc đảm bảo an toàn cho công nhân (CN). Theo báo cáo của Sở LĐTBXH Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2009, toàn thành phố đã có 13 người chết do TNLĐ, trong đó có tới 5 vụ xảy ra tai nạn khi thi công công trình trên cao. Mới đây nhất là những vụ TNLĐ xảy ra tại khu vực xây dựng tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark trên đường Phạm Hùng.

Ông Việt cho biết, 6 tháng tới sở sẽ tập trung thanh - kiểm tra những công trình trọng điểm, trong đó đặc biệt chú trọng đến các công trình cao tầng. Trước những băn khoăn về mức xử phạt hành chính hiện nay còn quá nhẹ,  ông Việt thừa nhận: Xử phạt hiện nay mới dừng lại ở mức "cảnh cáo" nên chưa đủ sức răn đe.

Cụ thể, thanh tra viên khi phát hiện vi phạm chỉ được lập biên bản với số tiền 200.000 đồng/vụ; còn chánh thanh tra là 20 triệu đồng/vụ. Về những vụ tai nạn liên tiếp xảy ra ở khu vực thi công tòa nhà Keangnam Hà Nội, đại diện Sở LĐTBXH cho biết: Hiện lực lượng liên ngành đã tiến hành thanh tra vụ việc.

Dự kiến, sau 20 ngày (không tính thứ bảy và chủ nhật), kết luận chính thức sẽ được đưa ra. Do tính chất nghiêm trọng đặc biệt nên vụ việc lần này sẽ không được phép gia hạn thời gian điều tra. N.L 

Hải Phong - Vinh Hải

[ FORUM > "Tai nạn lao động tại các công trình xây dựng cao tầng"

 

Lời bình  

 
0 # Dong 10/11/2011 16:37
các pac oi có pác nào có tài liệu an toàn về điện không ? em dang rat can nhung tai lieu nhu vay
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo