Ashui.com

Thursday
Sep 19th
Home Tương tác Góc nhìn Thời của cao ốc xanh?

Thời của cao ốc xanh?

Viết email In

Các cao ốc xanh tại Việt Nam vẫn chưa được hình thành bài bản mà chỉ mới ở dạng sơ khai.

Các cao ốc văn phòng vốn được biết đến là những cỗ máy khổng lồ tiêu tốn năng lượng. Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần phải phát triển cao ốc xanh bởi vai trò và hiệu quả của loại công trình này đối với môi trường và xã hội”, Ông Yannick Millet, Giám đốc điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (Vietnam Green Building Council - VGBC), nói. Hệ thống đánh giá công trình xanh Lotus sẽ không chỉ tập trung vào các cao ốc văn phòng, mà sẽ trải rộng ra các phân khúc khác như dự án căn hộ, trường học và nhà xưởng...

  • Ảnh bên : Tòa nhà Centre Point tại TPHCM là cao ốc xanh đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Doanh nghiệp dè dặt

Theo nhận định của các chuyên gia nghiên cứu thị trường, thực tế các cao ốc xanh tại Việt Nam vẫn chưa được hình thành bài bản mà chỉ mới ở dạng sơ khai. Cái khó của Việt Nam là các doanh nghiệp (DN) địa ốc, khách hàng chưa quen với khái niệm này khi con số dự án xanh đạt chuẩn quốc tế chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Nguyên nhân chính là do giới kinh doanh chỉ chú trọng đến lợi nhuận trước mắt, còn khách hàng vì không đủ khả năng tài chính cũng chưa quan tâm yếu tố thân thiện môi trường. Thêm vào đó, sau một thời gian phát triển quá nóng, thị trường cho thuê văn phòng giờ đây đang rơi vào khủng hoảng thừa. Do đó, trước mắt, các chủ đầu tư vẫn đang chủ yếu tìm mọi biện pháp để nhằm giảm thiểu khoản lỗ của mình hơn là vấn đề môi trường. Mặt khác, kinh phí đầu tư trước mắt vào các cao ốc xanh này quá lớn nên DN trong nước còn dè dặt.

Chuẩn xanh mới phù hợp với VN

Theo ông Yannick Millet, cũng giống như các hệ thống chứng nhận công trình xanh trên thế giới như LEED, BREEAM của Vương quốc Anh, Green Star của Úc hay Green Mark của Singapore, hệ thống Lotus được xây dựng dựa trên hệ thống quốc tế, áp dụng phù hợp cho các dự án của Việt Nam. Ưu điểm của việc xây dựng các cao ốc theo chuẩn Lotus là ứng dụng giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm tiết giảm tối đa chi phí hoạt động của các DN. Trung bình các công trình xanh sẽ tiết kiệm được 30% năng lượng sử dụng, giảm 35% lượng khí thải các-bon, tiết kiệm từ 30% – 50% lượng nước sử dụng và từ 50% – 90% chi phí xử lý chất thải.

Cũng theo VGBC, nếu đầu tư xây dựng dự án theo chuẩn xanh Lotus, chủ đầu tư sẽ có hai chiến lược để lựa chọn. Đó là chiến lược chi phí trung bình và chiến lược chi phí cao. Ngoài ra, chủ đầu tư còn có được nhiều lợi ích kinh tế. Về ngắn hạn, bên cạnh việc thực hiện tiết kiệm trong xây dựng, các công trình còn có chất lượng cao hơn và từ đó tác động đến giá trị trước khi bán sản phẩm dự án và giá trị cho thuê. Ở góc độ kinh tế lâu dài, các công trình xanh sẽ tiết kiệm nhiều loại chi phí như chi phí điện thấp hơn, tiết kiệm nước, chi phí bảo trì, nâng cấp sẽ thấp hơn so với những cao ốc bình thường và kết quả là khách hàng thuê cũng sẽ được hưởng lợi với việc trả mức phí quản lý thấp hơn.

Một số chuyên gia nhận định với xu thế hiện nay, DN nào mạnh dạn đi đầu xây cao ốc xanh nhất định sẽ thắng lớn. Tuy nhiên, để thực hiện tốt lý tưởng này, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ bằng cách đưa vấn đề phát triển cao ốc xanh vào Luật Bảo vệ môi trường.

Hệ thống đánh giá công trình xanh Lotus sẽ đánh giá dự án qua 5 hạng mục gồm các tiêu chí như: tiết kiệm năng lượng, nước, nguyên liệu, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu chất thải, môi trường sống của cộng đồng cũng như tác động của dự án đến môi trường xã hội xung quanh. Hiện tại, VGBC đang tiến hành mô hình thí điểm một số dự án. Trong đó, tòa nhà xanh của Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội là dự án xanh Lotus đầu tiên, tiếp theo sẽ là các dự án như khu nghỉ mát Six Senses Hideaway tại Nha Trang, khu nghỉ mát IndochinaCapital tại Côn Đảo và cao ốc văn phòng Centre Point tại TPHCM. 

Nguyễn Phúc

>> Nhà “xanh” - sản phẩm thời thượng của châu Á 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo