Ashui.com

Thursday
Sep 19th
Home Tương tác Góc nhìn Khoảng lặng trong thành phố

Khoảng lặng trong thành phố

Viết email In

Nếu hay đi trên các con đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh một người đàn ông với khuôn mặt gầy guộc, đen đúa và khắc khổ ngồi cắm cúi chuốt từng cọng lá dừa tết những con thú ngộ nghĩnh bên cạnh dòng người xe hối hả lưu thông.

Hàng ngày, cứ tầm 3 giờ chiều là anh Nguyễn Minh Tuấn (40 tuổi) lại đạp xe từ nhà ở phường 21, quận Bình Thạnh, đến đây ngồi tới tận 10 giờ đêm để tước lá dừa tết những con thú ngộ nghĩnh: châu chấu, công, phượng, kỳ lân, én, gà... bán cho khách bộ hành: 20.000 đồng/con với người Việt Nam, 2-3 đô la Mỹ/con với khách nước ngoài.

Trước đây, anh Tuấn làm nghề sửa đồng hồ. Một bận, ế khách, đang ngồi mơ màng nhìn dòng xe cộ qua lại như mắc cửi thì có người bán con thú lá dừa đi ngang, chắc thấy mắt anh chàng này ướt át nên tưởng gã lãng mạn lắm, liền dừng lại mời chào. Cũng hay đấy nhỉ, ngó thử coi. Làm xấu vậy mà vẫn bán được à? Đã thế, ta đây làm đẹp hơn cho biết mặt.

Mua lại mấy lá dừa và một con gà, dỡ tung ra, mày mò cả tiếng đồng hồ, Tuấn tết được một con gà trống oai vệ, tự thấy đẹp hơn con người ta bán cho mình. Tự thưởng một nụ cười thầm rồi Tuấn quyết từ mai chuyển nghề làm con thú lá dừa.

Loáng cái đã 10 năm trôi qua!

Để có nguyên liệu làm nghệ thuật, sáng sáng Tuấn phải chạy xe về ngoại thành, thậm chí xuống tận Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương, để tìm mua lá dừa non với giá 100.000-200.000 đồng/ngọn, leo lên cây chặt rồi xuống róc, lựa mỗi ngọn được chừng 100 lá về làm nguyên liệu cho buổi tối hành nghề.

Để hoàn thành một sản phẩm, anh mất từ 15-30 phút. Tết xong, Tuấn cho con thú đậu trên hai chiếc lá lí đôi cắm trên một thanh tre. Đám cào cào, châu chấu, gà qué, chim muông... đong đưa trong gió trông cũng dịu mắt đáo để!

Ngày thường, trung bình Tuấn bán được 50-60 con, ngày lễ, Tết có khi bán cả trăm con thú lá dừa. Bàn tay tài hoa và lối nói chuyện vui tươi, dí dỏm cùng những con thú ngộ nghĩnh tết bằng lá dừa của Tuấn đã trở thành một món quà quê lý thú, tuồng như cũng làm dịu đi ít nhiều cái nhịp sống ồn ã của thành phố.

Khuya. Tuấn vẫn ngồi chồm hổm cặm cụi đan. Tôi bó gối ngồi xem. Cuộc trò chuyện nhát gừng. Một đám choai choai đua nhau chưng diện, bóng loáng trên những chiếc xe SH, Dylan... tuồng như vừa nốc rượu mạnh và quay cuồng trong tiếng nhạc ở một bar huyên náo về, dừng xe chờ đèn đỏ. “Khùng!”, câu nói ấy từ miệng một cô bé trông rất xinh, có làn da trắng nõn nà ngồi sau lưng một cậu cũng “mô đen” không kém. “Mấy thứ dở hơi này ai thèm mua!” - cô nàng còn kịp quăng thêm một câu phũ phàng trước khi cả bọn rồ ga lao xe đi. Tuấn ngẩng lên nhìn tôi, câu nói nén trong tiếng thở dài: “Kệ đi anh”.

Thời buổi này người ta thích sống gấp nên dè bỉu những thứ rề rà; muốn tiến nhanh, tiến mạnh lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên những cái quê kiểng cần phải loại trừ? Chả thế mà “họ đuổi hoài, bảo mất mỹ quan đô thị” - Tuấn trả lời thắc mắc của tôi là sao cứ chạy hết từ ngã tư này đến vỉa hè khác, có bữa lại còn mất dạng. Tôi chạnh nghĩ, sao ở cái thành phố này, hiếm hoi những khoảng lặng thế không biết!


1 hoạ sĩ mải mê sáng tác tranh phong cảnh trong công viên; Người nhạc sĩ cứ mỗi cuối tuần lại ra đây dạo lên bản nhạc vui tươi rộn rã (Ảnh trong ý tưởng "Điểm hẹn nghệ thuật / Art point" tham gia cuộc thi Đánh thức không gian năm 2008)

Trước cửa Nhà hát lớn TPHCM có một công viên thoáng đãng, sạch sẽ vốn vẫn được dùng làm nơi triển lãm ảnh, tối tối đây là nơi thu hút rất nhiều người dân và du khách nhưng vì người ta đang quản lý cứng nhắc nên nơi đây vẫn chưa thể trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng. Các đơn vị chức năng của ngành văn hóa, du lịch thì không tổ chức hoạt động gì, người dân khi ra đây tụ tập đàn hát, bán hàng lưu niệm... thì bị đuổi vì gây mất mỹ quan đô thị(?!).

Buổi tối, chợ Bến Thành có khu chợ đêm bán hàng lưu niệm, ẩm thực, giày dép, balô, túi xách... thu hút rất nhiều người đến mua sắm, ăn uống, vui chơi. Nhưng không hiểu sao người ta chưa nghĩ đến việc dành đất cho các gánh hát rong, các nghệ sĩ đường phố đến góp vui bằng lời ca tiếng hát, các họa sĩ cắt hình bóng, vẽ ký họa, viết thư pháp... đến bày chén rượu cuộc cờ? Sao lại đánh đồng những người bán hoa tươi, châu chấu lá dừa, mặt nạ, những người nặn tò he... với những thứ hàng rong khác để cấm vì “lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, gây mất mỹ quan đô thị”?

Một thành phố thiếu những khoảng lặng thì càng hào nhoáng càng trông kệch cỡm.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo