Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Ngõ nhỏ phố nhỏ mai này

Ngõ nhỏ phố nhỏ mai này

Viết email In

Các bạn có một thành phố đẹp như thế này, sao không giữ lấy nó?” - Tại Diễn đàn “UNESCO - trường đại học và di sản” hai năm trước với gần 400 nhà nghiên cứu, có những ý kiến thốt lên như vậy.

TS Michael Digregorio, gương mặt quen trong các dự án về Hà Nội, hiện làm việc cùng nhiều kiến trúc sư với đề tài “Hà Nội - thành phố công cộng” kể câu chuyện: Hơn 10 năm trước ông lần đầu tới Hà Nội, một phụ nữ hỏi trong lần gặp đầu tiên: “Anh sẽ giúp chúng tôi cứu Hà Nội chứ?”. Người phụ nữ đó sau này là vợ ông.

Hà Nội - thành phố công cộng” là thông điệp giản dị được hiểu là nơi mọi người có thể tự do đi lại và gặp gỡ. Người Ấn, người Hoa, người Pháp… từng sống rất đông trên các con phố Hà Nội một cách hòa nhập. Người kẻ chợ, người tỉnh lẻ, buôn chuyến đều tìm được vị trí của mình trong lòng Hà Nội.

Hà Nội có những không gian công cộng chứa đầy các mối quan hệ gắn kết. Chợ truyền thống là ví dụ điển hình. Đó không đơn thuần là nơi để mua và bán, mà còn là nơi nảy sinh, hàn gắn và duy trì các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng nhỏ. Người mua và người bán thường biết nhau rất rõ, họ còn là bạn bè, hàng xóm. Đó là nơi để người ta thăm hỏi, trao đổi thông tin. Và bằng cách này, cộng đồng địa phương trở nên rất vững chãi.

  • Ảnh bên :  Chợ Đồng Xuân còn lưu lại nét kiến trúc đặc sắc của Hà Nội xưa (Ảnh: Trung Kiên)

Khi những khu chợ truyền thống bị dẹp đi, thay thế bởi những khu trung tâm thương mại, thì các mối quan hệ truyền thống cũng bị mai một đi.

Cái mất đi không đơn giản là cửa hàng thực phẩm. Cái xây mới cũng không đơn giản là siêu thị. Sự thay thế đó là việc phá hủy nhiều mối liên hệ bền chặt.

Trung tâm thương mại hẳn nhiên không mang tính cộng đồng và giao tiếp kiểu xã hội truyền thống. Trái lại, nó thu hút lớp người giàu và trung lưu mới nổi, dạt người nghèo sang một bên. Tuy người nghèo vẫn có thể đến đó để “xem” và chắc chắn đó không thể là không gian để họ gắn kết và chia sẻ.

Hơn trăm năm trước, sự xuất hiện của người Pháp gây ra rất nhiều biến đổi. Họ dựng lên nhiều tòa nhà và phá hủy nhiều thứ. Nhưng ít nhất, có một điều họ không làm, đó là dựng các bức tường ngăn cách giữa các bộ phận dân cư.

Gần đây, nhiều người say sưa nói về việc xây dựng thành phố đạt “đẳng cấp quốc tế” như một mục tiêu sang trọng.

Trong khu vực “đẳng cấp quốc tế”, tất cả đều là dịch vụ tư nhân, khép kín, phục vụ riêng một nhóm người. Cánh cổng sắt lớn, bức tường cao, và các chốt bảo vệ canh gác chặn đứng sự tò mò bên ngoài.

Nói một cách khác, Hà Nội - thành phố công cộng đang chia dần thành những ô riêng khu biệt cho nhiều giai tầng và sự gắn kết gần như không thể.

Sự biến mất các không gian công cộng - nơi mọi người được tạo điều kiện để tự do gặp gỡ - sẽ kéo theo sự biến mất của những mối quan hệ xã hội nhất định. Trước khi nhận ra sự rạn vỡ của các mối quan hệ đó, con người sẽ tự gánh chịu áp lực cuộc sống một cách cô độc và nặng nề.

TS Michael Digregorio đặt câu hỏi: “Khi Hà Nội nâng cao vị thế thành một siêu đô thị, liệu sẽ trở thành một thành phố có điều kiện sống tốt hơn, mang bản sắc riêng và cả tâm thế sẵn sàng tiếp nhận, hội nhập với sự khác biệt hay không?

Hay những khu vực rộng lớn của Hà Nội sẽ trở thành một phần của “globopolis” (thuật ngữ của GS. Mike Douglass, Đại học Hawaii) - là một thành phố quốc tế được kết nối toàn cầu, quản lý bởi các tập đoàn và được xây dựng trên nguyên lý xóa bỏ bản sắc địa phương?”.

Linh Thủy

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo