Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Ngôi nhà “cổ nhất Hà Nội”: “Tôi đã nghĩ, thế nào cũng có lúc bị cháy!”

Ngôi nhà “cổ nhất Hà Nội”: “Tôi đã nghĩ, thế nào cũng có lúc bị cháy!”

Viết email In

Khi nghe tin cháy ngôi nhà được coi là “cổ nhất Hà Nội” ở số 47- Hàng Bạc, thì hình ảnh đầu tiên tôi nghĩ đến là cụ Nguyễn Văn Ngọc ngồi trên tầng thượng ngôi nhà này, bên cạnh cây si cổ thụ mọc ngay trên… nóc nhà. Chẳng hiểu tất cả sẽ ra sao?
 
1. Cây si ấy như là một “kỳ quan thiên nhiên” ở ngôi nhà cổ nhất Hà Nội, mà nếu nói một cách văn chương thì là một hình ảnh rất chi là… “cổ kính, rêu phong” về phố cổ của chúng ta; nhưng nói một cách thực tế, từ chính góc nhìn của những người trong cuộc, thì đó chỉ là một hình ảnh đáng buồn về căn nhà “mục nát nhất Hà Nội”… Gần 10 năm trước, khi ngôi nhà này được “phát hiện” là cổ nhất, tôi đã chứng kiến khung cảnh ấy, và bây giờ trở lại, trừ phần bị cháy ra, mọi thứ trong ngôi nhà ấy vẫn “khổ… y nguyên”.


Cụ Ngọc bên cây si mọc trên nóc nhà cổ trước đây, và cảnh cây si bị chết cháy bây giờ

2. Đi vào gian nhà chính, nơi trước đây là khu nhà gỗ 2 tầng cổ kính nhất, tôi chỉ gặp những cột gỗ, xà nhà đã đổ sập, cháy thành than đen sì. Đám cháy đã được dập tắt đã lâu, nhưng quan sát đống gỗ, tôi vẫn thấy một tia khói bốc lên. Nghe lời cảnh báo của tôi, một người đàn ông chạy tới dội ào lên mấy xô nước, khói lại bốc lên thành cột. Chứng tỏ thứ gỗ quý này được “tôi luyện” qua thời gian hàng trăm năm, dù có cháy đến thế nào vẫn không chịu tan thành tro bụi, mà vẫn còn nguyên cả “cột than”, và lửa trong đó vẫn âm ỉ cháy  suốt 2 ngày qua…

3. Qua gầm cầu thang gỗ bị cháy nham nhở, thấy cái biển “Khu vực nguy hiểm cấm vào” do UBND Phường mới đặt, tôi phải cẩn thận đội mũ bảo hiểm lên đầu cho an toàn. Nhớ lại 10 năm trước, cụ Ngọc đã dẫn tôi lên cây cầu thang gỗ này để thăm gian thờ ở tầng trên. Đây chính là gian “lõi” của ngôi nhà cổ, với sàn nhà được làm bằng gỗ, mái ngói cổ, bàn thờ cổ... Theo lời ông Ngọc, đây còn là điện thờ Thánh, thỉnh thoảng vẫn có người đến “ngồi đồng” (tức làm lễ hầu đồng). Và điều bất ngờ nhất đối với tôi hồi đó là trên tường nhà trổ ra một túm rễ cây tua tủa như cái chổi sể. Thì ra đó là rễ của một cây si đã mọc trên tường nhà không biết từ bao giờ. Rễ cây “ăn chằng chịt” vào bức tường như những “mạch máu”, còn thân thì trùm lên nóc ngôi nhà cổ.

Ông Ngọc bảo, mái nhà đã dột nát lắm, có cây si lại hóa hay, tán nó che cho căn nhà khỏi bị dột. Ông Ngọc đưa tôi lên nóc ngôi nhà cùng tôi chụp ảnh toàn cảnh  cây si – “kỳ quan” của phố cổ - nhà cổ.


Sau hai ngày, người dân vẫn phải dội nước vì khói vẫn bốc lên từ đống cột nhà, xà nhà bị cháy / Cụ Ngọc buồn rầu đứng trước mặt tiền ngôi nhà 47 – Hàng Bạc

4. Giờ đây, ông Ngọc bơ phờ ngồi trong căn phòng liền kề gian nhà bị cháy. Theo lời ông, hơn chục năm trước, các ông có được mời lên họp ở 38 - Hàng Đào và có thông tin rằng Nhà nước sẽ tu sửa cái nhà này như thể nhà 87 - Mã Mây để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nhưng sau đó lại chả thấy nói gì nữa.

 “Tôi ở đây khổ lắm, nhà cổ dột nát, tôi cũng phải chống đỡ bao nhiêu lần, nếu không đã đổ từ lâu rồi. Tôi biết rằng thế nào cũng có lúc cháy, và y như rằng – ông ngậm ngùi  - Lúc ấy tôi đang ở nhà dưới, thấy khói khét lẹt, mới nghĩ bụng rằng, quái sao lại đốt vàng mã ở trong nhà thế này, sao không đem ra ngoài đường? Khi tôi nhìn lên gác thì lửa đã cháy to, tôi hô hào dập lửa, nhưng không kịp. Lúc đó 10h đêm 21/2. Xe cứu hỏa đến mới dập tắt được.

5. Một mình tôi lên nóc khu nhà. Cả cây si cũng bị cháy rụi, Những cành gẫy lộ ra cái lõi trắng hếu. Phen này, “kỳ quan phố cổ” khó mà sống được.

6. Người nhà giục cụ lên phường, chắc là để bàn bạc về vụ cháy. Tôi cùng cụ đi ra đường. Mặt tiền ngôi nhà 47- Hàng Bạc vẫn còn nguyên vẹn, nhìn thoáng qua thì như chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Vì thế, khách tham quan ở “vành ngoài’ vẫn chụp ảnh lia lịa. Nhưng chỉ những người sống trong nhà cổ mới biết bên trong nhà như thế nào, và khuôn mặt cụ Ngọc trước ngôi nhà cổ sao mà đầy lo âu đến vậy? Cái lo chắc không chỉ vì năm nay, cụ bước sang tuổi 88 – là tuổi hạn như cụ nói - nên gặp nạn cháy nhà, thiệt hại của cải. Còn có cái lo khác, là  cho tương lai của ngôi nhà được “phong” là cổ nhất Hà Nội này.


Phố cổ Hàng Bạc (chụp năm 1863)

Ngôi nhà được xem là cổ nhất Hà Nội  bởi khi quan sát bức ảnh chụp Phố cổ Hà Nội  từ hơn 100 năm trước, người ta nhận thấy phố cổ xưa gồm những ngôi nhà có kiến trúc khá điển hình với cấu trúc lớp lang nhô ra hè đường. Cho đến nay những ngôi nhà kiểu đó hầu như không còn nữa, ngoài nhà 47 Hàng Bạc. Đây được cho là kiến trúc thuần Việt điển hình của Phố cổ xưa. 

Nguyễn Mỹ

>> Áp lực bảo tồn di sản 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo