Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Áp lực bảo tồn di sản

Áp lực bảo tồn di sản

Viết email In

Chưa bao giờ nguy cơ biến mất của các di sản kiến trúc lại hiện rõ như hôm nay. Không gì khác, chính con người đang tự hủy hoại các giá trị di sản quanh mình dưới đủ hình thức, thậm chí phá hoại một cách vô thức.

Áp lực kinh tế đang phá di sản

Khi Hà Nội bước vào ngày kỷ niệm 1.000 năm thành lập, các chuyên gia về di sản cảnh báo rằng, những nhà quản lý phải có những quyết định dứt khoát nếu không muốn để cho TP này đi vào vết xe của các nước khác ở châu Á khi công cuộc phát triển đã biến những TP của họ trở thành ác mộng.

Ngoài tình trạng kinh tế bùng phát, sự gia tăng dân số nhanh chóng của Hà Nội cũng là một trong những yếu tố góp phần làm tăng thêm áp lực đối với vấn đề bảo tồn di sản. Dân số Hà Nội, theo dự đoán, sẽ gia tăng nhanh chóng, từ 5 triệu lên đến gần 10 triệu người trong những năm sắp tới. Các chuyên gia nói rằng các nhà thiết kế đô thị phải làm thế nào để thực hiện một thế cân bằng tốt đẹp giữa công cuộc HĐH đô thị với công tác bảo tồn những nét độc đáo của TP.

Sự khó khăn trong việc duy trì thế cân bằng này đã được nhận thấy tại khu phố cổ, nơi được xem là linh hồn của Hà Nội với 36 phố phường mà mỗi con đường đều được gọi bằng những cái tên quen thuộc trong nhiều năm qua, và ngày nay vẫn còn là một trung tâm thương mại sầm uất và cũng là nơi thu hút rất nhiều du khách của Hà Nội. Mặc dù có nhiều người muốn bảo tồn khu phố cổ này nhưng thực tế hiện nay cho thấy rằng việc duy trì những nét cổ kính tại đây là một thách thức lớn lao ngay cả với chính những người làm công tác bảo tồn phố cổ Hà Nội. Khu vực chỉ rộng có 3km2 nhưng có đến 15 ngàn gia đình cư ngụ này, đã trở thành một trong những khu vực có đông dân cư nhất trên thế giới.

Sự bành trướng

Những người yêu Hà Nội sau mỗi lần đi xa trở về đều choáng váng vì tốc độ thay đổi của TP. Sự gia tăng dân số cơ học, các phương tiện giao thông, các khối nhà cao tầng chen sâu trong lõi đô thị đang ngày càng đè nặng lên hạ tầng của Hà Nội. Các chuyên gia về di sản đô thị cho rằng, việc xây dựng hạ tầng tại một TP mà trước đây chỉ được trù định cho khoảng 500 ngàn người trong khi bây giờ dân số đã gấp hơn 10 lần, là một nhu cầu cấp thiết, nhưng công tác này phải được thực hiện một cách thận trọng để có thể vừa đáp ứng nhu cầu phát triển nhưng đồng thời cũng có thể bảo tồn các di sản.

Sự bành trướng của đô thị hóa, sự đa dạng đến tạp nham của các kiểu dáng kiến trúc du nhập khắp nơi, đang là mối đe dọa trực tiếp với gần 2.000 di tích (của Hà Nội cũ). Ông Nguyễn Doãn Tuân - BQL Di tích và danh thắng Hà Nội - lo âu: “Liệu rằng dấu hiệu của sự phồn vinh có làm phôi phai những nét văn hiến hào hoa đã tồn tại trong đời sống người dân Thủ đô? Chẳng bao lâu nữa những cầu vượt, đường xe điện ngầm và các tòa nhà chọc trời sẽ là một phần bộ mặt của Thủ đô. Nếu không tìm ra sự hài hòa thì chính chúng sẽ lấn át, thậm chí làm mất vẻ đẹp đặc trưng riêng của Hà Nội”.

Cần thay đổi nhận thức

Các nhà khoa học và chuyên gia về bảo tồn di sản đô thị đều cho rằng, cần thay đổi, chuyển biến trong cách nhìn cách nghĩ và cả sự nhận thức về di sản và bảo tồn di sản. Di sản văn hóa cũng có cuộc sống và chính sự thăng trầm, những dấu ấn của nó qua các thời kỳ càng khẳng định ký ức sống động, hun đúc lên độ dày của di sản. Chúng ta tôn trọng tính nguyên gốc nhưng không phải chỉ tập trung vào dấu ấn thời kỳ khởi dựng, mà tất cả các dấu ấn không phá hoại di sản của các thời kỳ, dù vô tình hay hữu ý được tạo dựng đều đáng trân trọng và cần được bảo tồn. Chúng ta không có quyền can thiệp, tước bỏ những dấu ấn hằn in trên di sản vì đó chính là những câu chuyện sống động kể lại quãng đời của di sản. Điều này đúng trong cả di sản đơn lẻ và quần thể di sản.

Tại phố cổ Hà Nội vì sợ những công trình xây mới có kiểu dáng hiện đại sẽ xa lạ trong không gian kiến trúc của khu vực, nên đã có quy định và trên thực tế người ta đang xây dựng nhiều ngôi nhà giả cổ, phỏng cổ với các chi tiết mái dốc, ban công... không mang hơi thở của cuộc sống đương thời mà cũng không phải truyền thống. Có người đã lo ngại rằng, “đến thế kỷ XXII khi các thế hệ sau chiêm ngưỡng sẽ nhầm tưởng đây là loại hình kiến trúc cổ xưa truyền thống của các thế kỷ trước”.

Rõ ràng, nhiều di sản bị lãng quên biến mất hoàn toàn, có di sản bị “quan tâm” quá mức đến biến dạng hay những di sản sống lay lắt vì còn chưa định được danh tính xác thực, có di sản luôn phản ứng, không tiếp nhận những yếu tố mới trong quá trình phát triển... đều có những lý lẽ riêng của nó, nhưng rõ ràng còn một vấn đề cốt lõi mà chừng nào chúng ta chưa giải quyết được thì di sản văn hóa vẫn phải long đong lận đận. Nói như KTS Hoàng Đạo Kính thì: “Di sản của cha ông để lại không thêm, chỉ vơi đi thôi. Đánh mất là mất hẳn. Chúng ta chỉ nên coi mình là thế hệ tiếp nối của chuỗi lịch sử. Bổn phận của chúng ta trước tiên là chuyền các di sản hiếm hoi từ dĩ vãng sang bàn tay các thế hệ tiếp sau. Trùng tu cần để lại dấu vết của những người xây dựng lên chúng và trùng tu trước ta, để lại dấu vết trùng tu khoa học của thời mình, đồng thời để lại phần việc cho người đến sau làm tiếp, nếu ta chưa đủ cơ sở làm việc đó hôm nay. Không nên quá tự tin để làm thay quá khứ, mải khẳng định mình mà xóa hết đi tất cả”. Đó chính là cốt lõi của vấn đề; là nhận thức về di sản và bảo tồn di sản của nhà quản lý, nhà chuyên môn, cộng đồng dân cư... còn rất vênh nhau, chưa có tiếng nói chung - tiếng nói về di sản, tiếng nói truyền lại cho các thế hệ mai sau một cách chân thực và sống động nhất.

Ngọc Lý

>> Bảo tồn phố cổ Hà Nội: Cần sự chung sức 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo