Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Cam Ranh thành phố trẻ

Cam Ranh thành phố trẻ

Viết email In

Nhìn ra biển, bán đảo Cam Ranh ôm kín vịnh Cam Ranh, dựng “pháo đài tự nhiên bình yên lý tưởng”. Tất thảy tài liệu lịch sử đều mô tả Cam Ranh là vùng vịnh “toàn bích, rộng lớn, thâm sâu mà êm đềm như đi trên thảm”.

Xưa và nay…

Đầu thế kỷ XX, các nhà hàng hải quốc tế nhận định: “Cam Ranh mở rộng ra cả vùng biển Đông, nó ở vị trí cách đều Hồng Kông, Manila, Singapore chừng 690 dặm, đó là đồn phòng vệ của Thái Bình Dương…”. Bây giờ, Cam Ranh đang được xây dựng để phục vụ thương mại, du lịch và tàu bè nước ngoài…

Theo Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Tấn Hưng, Cam Ranh ngày nay không chỉ là “đồn phòng vệ” của Thái Bình Dương; từ năm 2004, chủ trương dân sự hoá bắc bán đảo Cam Ranh đã trở thành hiện thực.

Ngày 19.5.2004, chuyến bay thông tuyến dân sự đầu tiên nhẹ nhàng hạ cánh xuống cảng hàng không Cam Ranh. Ai cũng tin đó là “cột mốc lịch sử” - vùng vịnh bắt đầu công cuộc khai mở con đường mới, “cất cánh” tới tương lai! Sau 5 năm “chuyển động”, ngày 17.9.2009, Cam Ranh được công nhận là đô thị loại 3 và phấn đấu đến cuối năm 2010 sẽ được nâng cấp lên thành phố.

Tiến sĩ Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhận định: “Nhìn ra biển… quy hoạch phát triển đến năm 2020, thành phố trẻ sẽ vươn mình, trở thành cực phát triển mới ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên”.

Thành phố trẻ

Đại lộ Nguyễn Tất Thành men theo bờ biển, nối Nha Trang với cảng hàng không Cam Ranh, tạo nên “con đường hoa” dẫn đại dương “đi qua” mặt tiền thành phố. Suốt hơn 3.200 cây số đường bờ biển của nước ta, duy nhất ở Cam Ranh tàu thuyền có thể cập bờ bất cứ vị trí nào để giao thương, trao đổi.

Theo TS Nguyễn Chiến Thắng: “Thành phố trẻ có nhiều ưu thế nổi bật: Cách đường hàng hải quốc tế chỉ 1 giờ tàu biển và nằm giữa hệ thống giao thông thuận lợi – quốc lộ 1A chạy dọc qua phố xá, quốc lộ 27 kết nối làng xã với phía tây Ninh Thuận và cửa ngõ Lâm Đồng, ga xe lửa sát cạnh tuyến đường sắt Bắc Nam, sân bay quốc tế đang mở rộng, cảng Ba Ngòi cũng đã được Vinalines đầu tư nâng cấp…”.

Ngắm Cam Ranh từ ô cửa máy bay, thành phố chạy song song giữa quốc lộ 1A và mép biển, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 30km, chỗ hẹp nhất chỉ hơn 3km; tôi có cảm giác người dân nơi dây, sống ở đâu, dù trên núi cũng được nghe sóng biển vỗ về!



Kiến trúc sư Lê Hội - người trực tiếp phụ trách các dự án có liên quan đến quy hoạch Cam Ranh, cho tôi xem quy hoạch chung xây dựng khu vực vịnh Cam Ranh do Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn thực hiện từ năm 2007, còn… dang dở!

Lẽ thường, để đô thị Cam Ranh phát triển ổn định, bền vững, quy hoạch chung phải “đi trước một bước”. Đáng tiếc, trước thềm năm 2010, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 đã phê duyệt, không gian Cam Ranh đã mở mang để chuẩn bị nâng cấp lên thành phố, nhưng quy hoạch chung còn… bỏ ngỏ.

Phát biểu về dự cảm tương lai, tất thảy công dân Cam Ranh tôi đã gặp không giấu mừng vui nhưng trăn trở: Cam Ranh không chỉ nổi tiếng “1 trong 3 cảng nước sâu tự nhiên tốt nhất của thế giới” mà còn được các nhiếp ảnh gia và chuyên gia du lịch quốc tế thừa nhận là “vịnh biển nguyên sơ, lộng lẫy còn sót lại trên hành tinh”.

Mục tiêu “đánh thức” tiềm năng luôn “căng thẳng” với quan điểm bảo tồn giá trị thiên nhiên bền vững. Lực bất tòng tâm, nhà đầu tư đến Cam Ranh “hướng ra biển”, nhưng để tìm chọn… đất!

Điều chỉnh quy hoạch vùng vịnh cần tầm nhìn hướng biển lẫn cảm hứng đại dương và tâm thế sẵn sàng vượt lên sóng cả! Nếu được làm quy hoạch, tôi vẽ đường chân trời nối cảng Ba Ngòi với những tuyến đường xanh xôn xao trên biển.

Cam Ranh, thành phố cảng trong tương lai! Lặng lẽ hình dung không gian Cam Ranh từ bờ ra biển... “Đánh thức” Cam Ranh, mở ra “con đường” hiện thực hoá giấc mơ nối đất mẹ với Hoàng Sa-Trường Sa thân ruột!

Bảo Chân - ảnh minh họa : Ashui.com

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo