Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Khoảng thở thị dân

Khoảng thở thị dân

Viết email In

Thở theo nghĩa đen là qua đường hô hấp, hít không khí bằng mũi, thở ra cũng qua đường mũi, hay có lúc nhè nhẹ thổi không khí ra bằng mồm. Như thế chỉ cần một chút khe hở, một lỗ thủng nhỏ, dù trong một không gian bưng bít người ta vẫn có thể sống.

Nhưng đôi khi người ta lại chết ngạt ở nơi đầy không khí. Những cư dân đô thị “thở” không chỉ bằng sự hô hấp, mà còn thở bằng thị giác, thính giác và cả khứu giác nữa. Những giác quan ấy đón nhận từ môi trường, không gian sống những hình ảnh, âm thanh và mùi vị, qua đó người ta cảm nhận được sự thoáng đãng hay ngột ngạt, cái áp suất của môi trường đô thị mà họ đang sống, đang hít thở. Từ đó nó chi phối mọi cảm xúc và trạng thái tinh thần con người.


Khoảng xanh còn một chút này... (Ảnh: Lê Hồng Thái)

Trong thành phố của chúng ta, như những dòng nước bị tắc nghẽn, những luồng giao thông nhích từng phút một mỗi buổi sáng, buổi chiều như một nồi nung cao áp, hầm tất cả những ai có mặt trong đó, kể cả vài ông chủ ngồi Bentley hay đông đảo dân chạy xe hai bánh đang tranh cướp từng centimet đường.

Chưa kể đến chuyện có vài cái không gian “gia bảo” từ thời ông bà để lại cho thành phố như một số công viên, nơi lâu nay người ta có thể đến không chỉ để thở, mà còn để nhìn, để đi và thậm chí là để nhắm mắt mà nghĩ trên một băng ghế đá nào đó, cũng đã và sẽ bị đào lên, bổ sung chức năng.

Đã đành là chỉ sử dụng không gian ngầm thôi, nhưng làm sao mà nguyên vẹn được. Cái mất quan trọng nhất là mất đi không gian tự nhiên muôn thuở, cái không khí thân thiện và lịch sử. Chưa kể tới việc phải dành biết bao nhiêu diện tích cho những lối lên xuống, vệt xe, và những “phần trăm” diện tích cho dịch vụ thương mại để nhà đầu tư có lời.

Người ta đang đốt tiền và hành nhau bằng những việc rất hình thức. Những con đường được mở rộng vài mét với hàng nghìn tỉ chỉ cho thấy cái dòng sông đang nghẽn lại phình to ra. Vài cây cau trên đường như là sự xa xỉ bị héo khô và đầy bụi bặm chả đóng góp được bao nhiêu cho sự quang hợp hay tí ti màu xanh cho mắt nhìn. Ông cấp phép hành ông chủ nhà vài tấc vuông diện tích cho đủ quy định của cái giếng trời trên bản vẽ thì người ta đối phó, cứ vẽ thế nhưng xây lại là chuyện khác. Một khe hở bé tí của một không gian nhỏ mọn nào có là gì so với cái tổng thể đô thị đang bị bóp nghẹt kia.

Những căn biệt thự không cho xây cao thì người ta “tôn hoá” và phủ kín khuôn viên bằng những phần mái chắp vá, những nhà hàng, quán nhậu và hát với nhau để “mật phục” chờ thời.

Cho nên chuyện “đi tìm một nơi để thở” trong đô thị không phải là chuyện chỉ cho người ta một chỗ để mua nhà như ở Phú Mỹ Hưng, “đảo thiên đường” bên bờ sông Sài Gòn, hay ra công viên Tao Đàn mà đi bộ. Bắt người ta đập bớt nhà (ngay ở những chỗ bình thường chứ chưa nói đến những nơi đất là vàng) để làm công viên hay lối đi chỉ là ảo tưởng (và có khi lãng phí).

Chỉ có giải pháp quy hoạch ở tầm vĩ mô, sự phân bổ hợp lý, khoa học dân cư và các khu đô thị trên bình diện tổng thể, vì cái chung chứ không vì những lợi ích cục bộ của doanh nghiệp hay của những giới thế lực nào đó, thì vấn đề mới được trả lời một cách căn cốt.

KTS Tạ Mỹ Dương

Ý kiến bạn đọc:

Thành phố chúng ta không thiếu khoảng không, diện tích thành phố cũng không nhỏ, nhưng do quy hoạch không tính cho tương lai nên mới dẫn đến tình trạng người dân ở trung tâm thành phố ngày càng "khó thở". Mảng xanh, cây xanh ở thành phố bị thu hẹp hoặc bị cắt tỉa, chết... do bê tông hóa các con đường, vỉa hè. Thực tế, những vùng lân cận trung tâm, cây xanh còn nhiều, chẳng hạn Củ Chi hay Cần Giờ... những nơi này vẫn rất mát mẻ, cuối tuần chúng tôi hay về đây để thư giãn. Việc quy hoạch bừa bãi không chỉ làm cho mỹ quan thành phố nham nhở, mà sự tăng số lượng nhà ở, nhà máy, phương tiện giao thông ngày càng ồ ạt, trong khi không chú ý đến mảng xanh cho thành phố thì chết ngạt là điều dễ hiểu. Mong rằng cơ quan nhà nước khi giao nhiệm vụ quy hoạch cho một đơn vị, tổ chức nào đó thì nên quy hoạch đồng đều sự phát triển của đô thị và chú ý khoảng không gian xanh. Đừng quy hoạch kiểu ngày một, ngày hai rồi lại đập phá và xây lại, lãng phí tiền của dân, mà còn làm người dân chết mòn vì khói, bụi...

Phan Nguyễn Quốc Linh  

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo