Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Thổi bùng ngọn lửa "thiết kế sáng tạo" ở Hà Nội

Thổi bùng ngọn lửa "thiết kế sáng tạo" ở Hà Nội

Viết email In

LTS: Sự kiện Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) đã truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng. Những khái niệm như “thiết kế sáng tạo”, “không gian sáng tạo”, “thương hiệu văn hóa thành phố” được luận bàn ở khắp mọi nơi… Nhưng để hiểu một cách đầy đủ về “Thành phố sáng tạo” cùng những dấu ấn, những biểu hiện đa dạng trong các hoạt động sáng tạo của nó thì hoàn toàn không đơn giản. Chắc chắn phải đặt nó trong mối liên hệ chặt chẽ với chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Hóa ra, thiết kế sáng tạo hay các không gian sáng tạo vốn không hề xa lạ với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm. Trái lại, nó đã và vẫn đang là “nguồn lực mềm” tác động mạnh vào sự phát triển của Hà Nội. Vấn đề là phải chuyển hóa được “nguồn lực mềm” ấy thành “sức mạnh mềm” văn hóa. Đó cũng là nhiệm vụ đặt ra sau khi Hà Nội được công nhận là “Thành phố sáng tạo”, và với sự quyết tâm của Hà Nội, chắc chắn sẽ có hàng loạt các hoạt động sáng tạo bùng nổ trong thời gian tới. Từ “Thành phố sáng tạo” Hà Nội, nhìn vào Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, ta sẽ thấy rằng “nguồn lực mềm” này không giới hạn ở địa phương nào, mà đã có sự hiện diện rất sâu sắc ở các thành phố kể trên. Đó là sự sáng tạo Việt Nam.


Lễ công bố Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
(Ảnh: Thành Đạt /TTXVN)

PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương (Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia), là người tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Hà Nội là “Thành phố sáng tạo”. Theo bà, sự công nhận này đã đánh dấu và ghi nhận những nỗ lực của thành phố trong việc lấy thiết kế làm động lực chuyển hóa “nguồn lực mềm” thành “sức mạnh mềm” văn hóa trong kết nối quốc tế.

Khi lựa chọn thiết kế là lĩnh vực ứng cử mạng lưới UCCN, Hà Nội đã đặt mình vào một sự lựa chọn khó, nhưng đây chính là cơ hội để thành phố thể hiện quyết tâm trong việc tạo động lực thúc đẩy sự phát triển theo hướng bền vững.

Thiết kế sáng tạo, nguồn lực mạnh mẽ trong lòng Hà Nội ngàn năm

“Mặc dù, thiết kế như một lĩnh vực kinh tế còn là khái niệm tương đối mới tại Việt Nam, nhưng bản thân hoạt động thiết kế đã luôn có sự hiện diện mạnh mẽ trong cuộc sống hàng ngày của người dân Hà Nội từ xưa tới nay” – bà Phương khẳng định.

“Thiết kế sáng tạo có mặt ở mọi ngõ ngách trong thành phố, từ hạ tầng đô thị với kiến trúc “nhiều lớp lịch sử” đến hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên với con người”.

Những dấu ấn đầu tiên của thiết kế tại Hà Nội vẫn có thể được nhìn thấy trong nhiều công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời. Trong đó, nổi tiếng nhất là Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Tiếp đến là các công trình kiến trúc đa dạng thể hiện tài hoa, sức sáng tạo của nhiều thế hệ nhà thiết kế như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... Ngày nay, sự đa dạng đó vẫn hiện diện trong các công trình kiến trúc đương đại tiêu biểu như cầu Nhật Tân với 5 tháp trụ được chiếu sáng tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội.

Thiết kế sáng tạo cũng tạo nên sự đa dạng của các sản phẩm thủ công như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái và những sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong thành phố, từ các tuyến phố nội thành cho đến các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội.

Bên cạnh đó, những áp phích tuyên truyền và biển quảng cáo nổi bật từ suốt nửa thế kỷ qua - từng được dán trên các bức tường khắp thành phố - hiện đang được trưng bày trong nước và trên toàn thế giới, bao gồm cả tại Bảo tàng Anh, London cũng cho thấy nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Hà Nội dựa trên thiết kế sáng tạo. Và, thiết kế sáng tạo cũng là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai.

Ngoài ra, một động lực khác, theo nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương và các đồng nghiệp, Hà Nội còn có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đây chính là thế mạnh của thành phố trong kết nối quốc tế.

“Người Hà Nội” luôn được biết đến như những cá nhân linh hoạt, cởi mở và sẵn sàng đón nhận ý tưởng mới. Trong những năm qua, sự năng động của các ngành công nghiệp văn hóa tại Hà Nội đã và đang thu được kết quả rất đáng tự hào. Hà Nội cũng cung cấp các sự kiện văn hóa và thiết kế quy mô lớn thu hút người dân địa phương cũng như du khách trong nước và quốc tế.


PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương (Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia)

“Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội” sẽ ra sao?

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Hà Nội đang sử dụng thiết kế sáng tạo như là một giải pháp chuyển hóa nguồn lực mềm thành sức mạnh mềm văn hóa khi tham gia vào UCCN. Hà Nội cần triển khai 2 hệ thống giải pháp cụ thể ở cấp độ địa phương và quốc tế để đạt được mục tiêu ấy.

Cụ thể, ở cấp độ địa phương Hà Nội sẽ kiến tạo một Trung tâm thiết kế sáng tạo với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Trung tâm hướng tới tạo dựng một môi trường ươm mầm và nuôi dưỡng các tài năng trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, với các hoạt động giáo dục và đào tạo đa dạng cho thanh thiếu niên, thúc đẩy hợp tác quốc tế, cũng như huy động vốn cho các dự án sáng tạo tiềm năng và hỗ trợ thực thi các quy định về bản quyền sáng tạo có liên quan. Trung tâm cũng sẽ kết nối các cơ hội việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho các sinh viên ngành thiết kế và tổ chức các dự án cộng đồng nhằm hỗ trợ các nhóm yếu thế có khả năng tham gia vào các hoạt động sáng tạo.

Thứ hai là xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội, bởi mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội sẽ cung cấp một nền tảng cho thiết kế, thủ công và văn hóa trong thành phố, thông qua sự cống hiến của các khu vực trung tâm cho các lĩnh vực này.

Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ được điều chỉnh một cách phù hợp để kết nối phố đi bộ hiện có với các địa danh văn hóa gần đó của Hà Nội, bao gồm tranh tường đường Phùng Hưng; khu phố cổ, phố cũ; phố ẩm thực Hà Nội nổi tiếng thế giới và các di tích lịch sử. Tích hợp thiết kế sáng tạo, thủ công và nghệ thuật, các khu vực này sẽ đóng vai trò là không gian để sắp đặt nghệ thuật, biểu diễn và tổ chức các hoạt động sáng tạo khác.


(Ảnh: Sở VH&TT Hà Nội)

Một sáng kiến quan trọng khác của Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội sẽ là xây dựng một khu chuyên dụng dành cho việc thiết kế, thủ công và nghệ thuật, nằm liền kề sông Hồng, có thể đặt dưới sự điều hành chung của Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội.

Khu vực này có thể bao gồm các nhà triển lãm, các khu vực làm việc cho những người thực hành sáng tạo ở nhiều bộ môn khác nhau có liên quan đến thiết kế sáng tạo, cũng như các không gian tổ chức sự kiện lớn về thiết kế sáng tạo.

Được kết nối với khu Phố cổ bằng một con đường giống như một nhánh sông, khu vực thiết kế sáng tạo này sẽ được thiết lập theo phương thức linh hoạt và bền vững, với các mô hình có giá cả phù hợp, chẳng hạn như sử dụng các container. Khu sáng tạo cũng sẽ cung cấp một điểm đến cho du khách quốc tế và người dân địa phương có thể khám phá sự khéo léo của các nghệ nhân, nhà thiết kế và nghệ sĩ giỏi nhất Hà Nội, đồng thời thúc đẩy sự tương tác giữa các cộng đồng sáng tạo, ở Việt Nam và những nơi khác.

Mở rộng ra, theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, các mô-típ sáng tạo được sử dụng trong khu vực sáng tạo này cũng sẽ được sử dụng tại các khu vực khác trong thành phố, tạo thành một hệ sinh thái sáng tạo chung. Tiêu biểu là không gian thông minh tại Bảo tàng Hà Nội, được sắp đặt ứng dụng công nghệ hiện đại, bố trí những thiết bị mang tính tương tác cao (trải nghiệm không gian 3D, thực tế ảo) và thành phố thông minh Đông Anh cung cấp hệ thống công nghệ phục vụ hoạt động thiết kế sáng tạo, tích hợp các yếu tố thiết kế lấy cảm hứng từ các làng nghề thủ công truyền thống. Ngoài ra, mạng lưới này cũng sẽ có sự kết nối chặt chẽ với khoảng 70 không gian sáng tạo nhỏ hiện đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Tổ chức lễ hội, diễn đàn, mạng lưới về thiết kế sáng tạo

Ở cấp độ quốc tế, đó là tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội thường niên, bao gồm một loạt các sự kiện dành cho các chuyên gia trong ngành và công chúng, nêu bật những đổi mới trong thiết kế sáng tạo từ trong Hà Nội và trên toàn cầu.

Các nhà thiết kế đến từ các thành phố thành viên của UCCN sẽ được mời đến Hà Nội để trình bày các tác phẩm của họ trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đồng thời tạo không gian cho các thành viên thảo luận về các cơ hội hợp tác.

Bên cạnh Lễ hội thiết kế, Hà Nội sẽ tổ chức Diễn đàn mạng lưới các thành phố sáng tạo Đông Nam Á để hỗ trợ trao đổi kiến thức, hỗ trợ và hợp tác giữa các thành phố Đông Nam Á. Những người tham gia sẽ bao gồm các bên liên quan khác nhau bao gồm chính quyền thành phố, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo quốc tế, các doanh nghiệp và tổ chức thực hành thiết kế sáng tạo trong cộng đồng UCCN Đông Nam Á, bao gồm những người từ Singapore, Phuket và Chiang Mai - cũng như các thành phố đang phát triển không thuộc UCCN. Diễn đàn cũng sẽ thể hiện tầm quan trọng của UCCN trong khu vực Đông Nam Á, với mục đích khuyến khích các thành phố đang phát triển đăng ký làm thành viên.

Và cuối cùng là Dự án mang tên “Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ” do Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội tổ chức, mang trong mình sứ mệnh tìm ra những tài năng mới trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo - từ đó cung cấp hỗ trợ và cơ hội cho những người có tham vọng tạo ra các thành phố của tương lai.

Huế, Đà Nẵng, TP.HCM có cơ hội là “Thành phố sáng tạo”

Căn cứ vào các tiêu chí của mạng lưới UCCN, theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, ở nước ta, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM là những địa phương có nhiều điều kiện và cơ hội ứng cử vào hệ thống thành phố sáng tạo. Việc lựa chọn lĩnh vực nào, còn tùy thuộc vào bối cảnh, mục tiêu phát triển của thành phố. Ví dụ như, Huế là một thành phố có nhiều điều kiện để lựa chọn lĩnh vực ẩm thực trong mạng lưới UCCN. Tuy nhiên, để đưa ra những phân tích cụ thể hơn về điều này, theo bà Phương chúng ta cần phải có một sự vào cuộc thực sự trong việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng, tiềm năng, cơ hôi, thách thức và mục tiêu gia nhập UCCN của địa phương.

Huy Thông ghi

(Thể thao & Văn hóa)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo