Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Sống chung với di sản

Sống chung với di sản

Viết email In

Tìm được tiếng nói chung giữa nhu cầu của người dân và mục tiêu bảo vệ di sản, ấy là đã tìm ra được con đường để di sản sống trong dân. Ở một số nơi, tuy chưa nhiều, điều này đã trở thành thực tế.

Bảo vệ để hưởng lợi

Khi đến tham quan khu di sản thiên nhiên Tràng An, điều đầu tiên khiến mọi du khách vô cùng dễ chịu là sự sạch sẽ. Khắp dọc con đường sông xanh ngắt chạy chung quanh những đầm lau, lách đẹp tuyệt không gợn một bóng rác, không hề thấy rác nhựa và túi nilon. Mái chèo cứ khỏa róc rách trên mặt nước trong không gian tĩnh lặng như tờ, chỉ có tiếng chim và tiếng cười nói xôn xao của các du khách trên thuyền. Chị Nguyễn Thị Hoa, một trong những người chèo đò lâu năm ở đây cho biết, trên thuyền của chị lúc nào cũng sẵn sàng những vật dụng để du khách có thể bỏ rác vào, khi về đến bến thì gom lại một chỗ để đi xử lý. Nếu thuyền nào để khách xả rác ra sông, thuyền đó sẽ bị phạt nặng. Cứ một đoạn lại có một chiếc thuyền neo lại bên vách đá, có một nhân viên bảo vệ ngồi lại, vừa để kiểm tra an toàn cho du khách trên toàn tuyến, vừa để giám sát, giữ trật tự vệ sinh cho khu danh thắng.


Du khách tham quan khu di sản thiên nhiên Tràng An (Ninh Bình).
(Ảnh: Mạnh Trường)

Chính những quy định chặt chẽ và nghiêm khắc như vậy đã góp phần quan trọng khiến cho Tràng An trở thành nơi “phải đến” đối với nhiều du khách nước ngoài. Số lượng du khách đến với Tràng An, Ninh Bình ngày càng tăng, cũng có nghĩa là những người dân sinh sống chung quanh vùng di sản càng được hưởng lợi từ những sinh kế mà di sản đem lại. Không chỉ những người trực tiếp phục vụ tại các dịch vụ trong khu vực di sản như chèo đò, bán vé, dịch vụ..., mà cả những hộ dân làm dịch vụ lưu trú, ăn uống, bán hàng tiện ích, massage, cho thuê xe đạp, xe máy... cũng đang có thu nhập ổn định nhờ khai thác du lịch từ Tràng An.

Nói đến hưởng lợi từ di sản, không thể không nhắc đến Hội An. Hội An lâu nay đã trở thành một điển hình tại Việt Nam về việc bảo tồn di sản thành công từ khai thác du lịch. Du khách từ khắp nơi đổ đến Hội An có khi đã khiến cho thành phố nhỏ này trở nên quá tải. Vô vàn các loại dịch vụ, các loại hình du lịch được người dân tạo ra để thu lợi từ nguồn du khách mà di sản này mang lại, đã góp phần thay đổi cuộc sống của họ, không chỉ về thu nhập, mà còn về tư duy bảo vệ di sản.

Tư duy “bảo vệ để hưởng lợi” như vậy đã lan từ Hội An sang An Bàng, một bãi biển nhỏ nằm cách Hội An khoảng 5 km. An Bàng mới được khai thác gần đây khi Cửa Đại bị sạt lở, quá tải và cũng chưa hề có danh hiệu nào liên quan đến di sản. Tuy nhiên, khi đến An Bàng, ấn tượng đầu tiên của du khách là nơi này được người dân bảo vệ và khai thác theo đúng hình mẫu của một di sản. Đó là những bãi biển sạch, vắng bóng rác, những con đường xi-măng nho nhỏ cũng sạch sẽ phong quang, hai bên đường dù là nhà dân hay khách sạn, villa đều trồng những hàng rào hoa mát mắt. Đó là những căn villa, restaurant không ai bảo ai đều cùng thiết kế theo phong cách gần gũi với thiên nhiên, sử dụng vật liệu tre nứa lá, hạn chế bê tông. Đó là ý thức hạn chế rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa của mỗi người làm dịch vụ tại nơi này. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt như vậy, nhưng đã khiến An Bàng không một ngày vắng khách khi vào mùa và phần lớn khách đến An Bàng đều là khách nước ngoài, từ những thị trường có thu nhập cao như Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đó là một trong số những thí dụ tiêu biểu nhất của việc di sản tồn tại và “sống khỏe” trong dân hiện nay.

Hạnh phúc trong chính ngôi nhà di sản của mình

Không phải ngẫu nhiên mà một ngôi nhà mọc lên trên đỉnh Mã Pì Lèng lại “dậy sóng” thời gian qua. Cũng không ngạc nhiên là bên cạnh quan điểm cho rằng đó là ngôi nhà “xấu xí” làm phá vỡ cảnh quan và cần phải được dỡ bỏ ngay, thì cũng không ít ý kiến cho rằng chỉ cần sửa chữa và cho tồn tại. Bởi, di sản quý giá và đẹp đẽ cỡ nào, thì trước hết vẫn phải mang lại lợi ích cho người dân bản địa ở chính nơi đó. Tôi nhớ, khi trò chuyện với cô gái làm vườn ở ngôi làng Triêm Tây (Điện Bàn, Quảng Nam), cô ấy nói, du khách sẽ không thể cảm thấy hạnh phúc nếu như không nhìn thấy điều đó trên gương mặt mỗi người dân bản địa. Và du khách chỉ có thể đến một lần rồi đi, để di sản được giữ gìn bền vững, thì chính là phải tạo ra một không gian sống tốt đẹp lâu dài cho những người sống trong vùng di sản đó. Họ phải cảm nhận được sự bình an, được nâng cao tiêu chuẩn sống, được hạnh phúc trong chính ngôi nhà di sản của mình, thì mới thấy được giá trị của nó và chăm sóc, bảo vệ nó như vốn có. Vì thế, thay vì để một ngôi nhà tự phát mọc lên trên đỉnh Mã Pì Lèng rồi tất cả mọi búa rìu dư luận đổ xuống người chủ của nó, nếu chúng ta có tính toán, có quy hoạch, có thiết kế bài bản, để xây nên những ngôi nhà là điểm dừng chân ở vùng đệm, phù hợp cảnh quan thì có lẽ sẽ tốt hơn là “bảo tồn nguyên dạng”.


Đỉnh Mã Pì Lèng (Hà Giang).
(Ảnh: Duy Thanh) 

Trở lại với Hội An, có nhiều yếu tố làm cho di sản “sống cùng” với người dân được như hiện nay. Vai trò của những “chủ nhân di sản”, mà quan trọng là tư duy của người đứng đầu là hết sức quan trọng. Nhưng điều cốt lõi, chính là một sự hiểu biết cặn kẽ về di sản. Hiểu biết để có thái độ ứng xử phù hợp và lâu dài. Và điều này, có lẽ không ai hết, chính là trách nhiệm của cộng đồng cư dân nơi sở hữu di sản. Cách khai thác di sản để làm du lịch là coi di sản như một chiếc thuyền, người dân sở tại đi trên chiếc thuyền đó. Nếu thuyền chao đảo thì người trên thuyền cũng bị ảnh hưởng. Vì thế, chỉ có làm cho người dân hiểu được, từ đó gắn bó, bảo vệ tốt di sản của mình thì mới giữ được di sản đó lâu dài. Và những người ở phía ngoài thuyền, có lẽ vì thế, nên tôn trọng cộng đồng cư dân bản địa. Họ mới là chủ nhân thực thụ của di sản.

Với Tràng An, đặc điểm của khu danh thắng này khiến cho nơi này khá tách biệt với khu dân cư và Tràng An lựa chọn một cách quản lý khác. Đó là thực hiện mô hình “hợp tác công tư”, hay nói cách khác là xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản, hay xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp cư dân trong xã hội, khiến họ tự nguyện tham gia vào việc tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế cũng như bảo tồn di sản. Tràng An xác định biến di sản thành tài sản, biến nguồn lực thành động lực, biến môi trường thành thị trường và từ đó khuyến khích người dân bảo vệ “tài sản”, “thị trường” và có “động lực” làm việc. Chung tay vào việc bảo tồn di sản trong mô hình hợp tác công tư của Tràng An là hệ thống các cơ quan nhà nước về di sản văn hóa đồng bộ và có trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp mạnh (cả Nhà nước lẫn tư nhân) có chiến lược phát triển bền vững, lâu dài, một cộng đồng cư dân địa phương nhiệt tình, hiểu biết, và đối tác trung gian là các nhà khoa học có tâm, có tầm làm nhiệm vụ kết nối.

Và cũng như Hội An, du lịch đã trở thành ngành kinh tế phát triển mạnh của Ninh Bình. Năm 2018, Tràng An đón gần 6,2 triệu lượt du khách, tăng gần gấp đôi so với năm 2014 (3,5 triệu lượt). Ở những nơi sở hữu di sản khác, nhà quản lý và người dân đều đang tích cực tìm cách khai thác, sinh lợi từ “khối tài sản” vô giá mà mình đang có trong tay. Có nơi, di sản trở thành “mối xung đột” với chính sự phát triển. Hầu hết, thành công đem lại đều do nắm được chiếc “chìa khóa” quan trọng, đó là giúp người dân hiểu được giá trị di sản và tìm cách để di sản đó đem lại giá trị cho cộng đồng, địa phương. Di sản, rõ ràng không phải là miếng bánh để bẻ ăn dần, những sự khai thác trực tiếp đều có nguy cơ làm di sản lụi tàn và mất mát trước hết là của người dân bản địa.

Hồng Minh - Tuyết Loan

(Nhân Dân hàng tháng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo