Ashui.com

Wednesday
Sep 18th
Home Tương tác Góc nhìn Kiến trúc sư và xã hội toàn cầu hóa

Kiến trúc sư và xã hội toàn cầu hóa

Viết email In

1 - Khủng hoảng tài chính

Các bạn nghĩ gì về sự khủng hoảng tài chính hiện nay đang từ Mỹ lan ra khắp toàn cầu?

Không phải là chuyên gia kinh tế nên tôi chẳng dám phân tích lăng nhăng. Thật ra rất may tôi không là một chuyên gia gì cả. Vì chuyên gia thì dĩ nhiên có kiến thức nhiều về một lĩnh vực đặc biệt nào đó. Nhưng phần khác các vị ấy thường hay cho rằng lĩnh vực của mình quan trọng nhất thế giới. Cũng như đối với trâu bò - loài ăn cỏ - thì cỏ là quan trọng nhất trên đời!

Tuy vậy tôi cũng hiểu được nó có tác động rất lớn đối với nước Mỹ nói riêng và với cả toàn cầu nói chung. Mới soạch một cái mà nước Đan Mạch giàu có đã có một hãng máy bay rẻ tiền, rất bình dân (Sterling) phá sản luôn. Còn tại Na-Uy, giầu nhất nhì thế giới, với nền kinh tế vững chắc, người ta đã dự đoán là trong vòng năm tới riêng ngành xây dựng thôi cũng sẽ có 60.000 người mất công ăn việc làm.

Chưa nói gì đến bên Mỹ: con thuyền buôn vàng chở bạc của họ đương nhào xuống vực thẳm, lôi xuống đáy biển nhiều tập đoàn khổng lồ, nhiều ngân hàng đầu tư /tiết kiệm, những công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà Nhà Cầm quyền Mỹ phải ném xuống cái "phao" đáng giá 750+150 tỉ USD để cứu vớt họ (hay cứu vớt chính mình thì đúng hơn!?). Nói tóm lại chúng ta đương chứng kiến sự thất bại của “lối sống kiểu Mỹ” (the American way - tức là cái gì cũng phải có, có nhiều và có ngay; không có tiền thì vay ngân hàng mà mua). Phải hiểu là: Ngân Hàng Thế Giới /Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế /Kinh tế thị trường /Thị trường tự do / WTO -đây là sân chơi của Mỹ, do Mỹ khống chế và điều khiển từ sau Đại chiến Thứ 2.

Tôi không rỏ một giọt nước mắt cá sấu nào đối với số phận của những tập đoàn khổng lồ, những tỉ phú đô la trên khắp thế giới, những nhà buôn chứng khoán, mua Rolls Royce gửi máy bay về nước. Họ sẽ chẳng bao giờ sẽ phải “ăn mì tôm” như những người đã mất hết cả tài sản, nhà cửa, công ăn việc làm của mình vì chết đuối trong con tầu bị đắm của các tập đoàn tài chính.

Tôi quan tâm đến số phận của những người nạn nhân đó. Ở Việt Nam cũng sẽ tác động dĩ nhiên. Đã thành viên của Vê-kép-tê-ô (WTO) thì nó "kẹp" luôn mình không tha đâu! Thực phẩm ngày càng đắt lên, mức tiêu thụ giảm bớt đi (một điều tốt), tăng trưởng kinh tế kém trước v.v... Cứ hỏi mấy người lái taxi sẽ được biết họ thấy đã ít khách hơn. Đối với các nước còn nghèo hơn ta nữa các bạn thử hình dung xem ra sao? Thật vô cùng bất công: vừa bị ôtô chẹt lại vừa bị phải trả tiền bảo hiểm cho người lái xe chẹt mình!

Nhưng có phải rủi ro mà có khủng hoảng đâu. Cách đây mấy năm nhà xã hội học Pháp Emmanuel Todd, trong cuốn sách “Sau chế đế” (Après l’empire) đã phân tích sự yếu /mạnh kinh tế, chính trị và quân sư của nước Mỹ, và đi đến kết luận là Mỹ sẽ sụp đổ từ bên trong, trong tương lai sắp tới. Năm 1976, ông này cũng đã phân tích và dự đoán sự sập đổ của Liên Xô do những khó khăn nội bộ của Liên bang Xô Viết.

2 - Thế giới vật thể và phi vật thể

Đứng trước những sự kiện, những biến động có tác động khủng khiếp đối với cuộc sống của nhân dân toàn cầu ta không thể không ngừng lại và tự đặt ra cho mình những câu hỏi:

- “Ai / ta làm gì sai ?” (What went wrong ?)

- "Ta có thể tiếp tục lối sống như trước ? như không có gì đã xảy ra ?" (Business as usal ?)

Marx và Engels đã phân tích mâu thuẫn thực chất của tư bản chủ nghĩa. Nhưng theo tôi đó chỉ là giải thích cho khía cạnh vật thể của vấn đề thôi: bản chất của chủ nghĩa tư bản nó như thế này, và sẽ có những hậu quả như vậy, như vậy v.v... Rất lô-gíc!

Thật ra mọi sự kiện trên đời đều có yếu tố phi vật thể của nó. Âm có dương / cộng có trừ / material-antimaterial v.v... Đến mực nào đó khoa học gặp triết lý. Nếu đặt vấn đề có cách nhìn phi vật thể ta luôn phải hỏi thêm: làm để làm gì? Có lợi /có hại cho ai đối với mọi việc ta đang làm? Đấy là những câu hỏi triết lý cơ bản của mọi người có lương tri.

Tôi nghĩ kiến trúc sư (KTS) chúng ta – những người có trách nhiệm tạo ra môi trường vật thể cho xã hội - thường tự đặt những câu hỏi làm thế nào (cho nhà /thành phố) đẹp? Với lương tri, đạo đức ta hỏi thêm làm để làm gì? Cho ai? Nói một cách khác mọi hành động của chúng ta đều tác động đến đời sống của người khác. Hạnh phúc của người khác cũng là trách nhiệm phi vật thể của người KTS đối với xã hội.

3 - Một thế giới khác có thể có

Đã nhiều năm tại các nước công nghiệp tiên tiến, kể cả Mỹ có một phong trào quần chúng mang tên "Another world is possible" (Một thế giới khác có thể có), bên cạnh nhiều tổ chức khác như Change Maker, Attac, Alter Mondialism, Alternativ Forum v.v...) được thành lập để chống lại chủ nghĩa tiêu thụ, cách sống bất công vô trách nhiệm của thế giới giầu đối với các nước nghèo. Họ đòi hỏi một trật tự kinh tế thế giới mới công bằng hơn, trong đó các nước đang phát triển (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác của Châu Mỹ la tinh) sẽ có vai trò quyết định hơn. Hiện nay các nước thuộc nhóm G20 đang họp bàn về những vấn đề trên.

Một tổ chức Mỹ đã tuyên bố: “Nếu giầu có là hạnh phúc thì người Mỹ chúng tôi mỗi phút phải sung sướng. Sự thật không vậy”.

Khủng hoảng tài chính chứng minh là trật tự kinh tế theo kiểu cũ, do một cường quốc khống chế không thể tồn tại được. Một thế giới khác có thể, và phải có. Việc ông Barak Obama đắc cử là một bước đầu...

Nếu chúng ta không muốn Đồng bằng sông Cửu Long biến mất vì thay đổi khí hậu, ô nhiễm toàn cầu, nếu chúng ta muốn đến đúng hẹn vì không bị kẹt xe, nếu chúng ta muốn con cháu chúng ta có chất lượng cuộc sống cao hơn, có môi trường sống sạch sẽ, lành mạnh thì mọi người chúng ta - KTS hay không đều nên /phải thay đổi cách sống /tư duy của mình.

Làm thế nào tùy các bạn. Nhưng chớ quên: làm để làm gì? Làm cho ai?

(Nguồn ảnh : internet)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo