Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Tương tác Góc nhìn Hôm nay đã hết ngập chưa?

Hôm nay đã hết ngập chưa?

Viết email In

Khu vực quanh Big C qua Trung tâm Hội nghị quốc gia ngập tủm trong nước, ô tô trôi lềnh phềnh, hàng trăm người đứng chịu trận trong lúc mưa như trút nước!”. Miêu tả ngắn gọn của một người dân trên diễn đàn mạng không thể nhiều thông tin như những bài báo, bức ảnh về “thảm cảnh phố biến thành sông”, cũng không ấn tượng bằng vô số những câu đùa tình huống được sáng tác 3 ngày qua ở Hà Nội.

Nhưng nó có ưu điểm đã chọn đúng nơi xảy ra quang cảnh bi-hài là khu vực tọa lạc một biểu tượng kiến trúc nhà nước được giải thưởng, trong một quần thể xây dựng mới được quy hoạch để có dáng vóc hiện đại tương xứng với một thủ đô thuộc loại lớn trên thế giới. Đau xót hơn là câu chuyện về một bác sĩ trẻ chết trôi vì “nước lũ” trên đường tới cơ quan đóng tại khu đô thị mới Mỹ Đình. Điều tương phản mà nhiều người phát hiện ra là chính những khu phố cũ, phố cổ được xây dựng từ thời Pháp dành cho một số dân cư trú ít hơn rất nhiều so với hiện nay vẫn chứng tỏ được khả năng thoát nước nhanh chóng hơn cả trong những ngày qua. Dù chưa nói lên toàn bộ mức độ nghiêm trọng của sự kiện được người Hà Nội quan tâm nhất trong vòng 72 tiếng trở lại đây, vài dẫn chứng thực tế nói trên cũng nên khiến các nhà quản lý đô thị có tự trọng phải tự đặt câu hỏi cho mình: những năm qua chúng ta đã làm gì để thành phố này thành một nơi đáng sống hơn? Hàng nghìn tỉ đồng đổ ra những năm qua, cả tiền thuế của dân, cả tiền đi vay nước ngoài, lẽ nào để đổi lấy một kết cấu hạ tầng như vậy?

Trận mưa lịch sử vừa qua chưa phải là một thảm họa đúng nghĩa, nhưng đã gây ra bao phiền toái và thiệt hại chưa tính hết, và đáng để gọi là một “tình trạng khẩn cấp”. Tiếc rằng, các cơ chế ứng phó hiện có trước diễn biến đột xuất như vậy đã tỏ ra chậm, thiếu và yếu, một phần có lẽ vì xưa nay không ai nghĩ Hà Nội có thể trở thành "địa bàn cứu hộ". Ngoài biểu hiện đáng biểu dương nhất là sự có mặt từ rất sớm của công nhân thoát nước trong đồng phục màu cam trên vài tuyến phố ngập úng để mở hố ga, cảnh giới phương tiện giao thông, không thấy sự xuất hiện của lực lượng "phản ứng nhanh" ở chỗ đang rất cần họ, cảnh sát giao thông tăng cường tại những giao lộ kẹt cứng dòng xe cộ, nhân viên công lực và tình nguyện viên dùng phương tiện phù hợp đưa người dân ra khỏi những "ốc đảo" bị nước cô lập - bến xe, bệnh viện, tòa nhà văn phòng, khu dân cư ngập sâu, và tại sao không cung cấp nước uống, thức ăn nhanh cho những người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ có nhu cầu đang bị kẹt?… Nếu được vậy, đã không có những cảnh nhếch nhác điển hình kiểu "thế giới thứ ba, phiên bản Phi châu" được các tay máy nghiệp dư chớp lấy, đưa lên mạng internet cho toàn thế giới bình luận. Một loại thông tin "nóng" mà người dân tối cần thiết là đi đường nào không ngập, không tắc thì chỉ có được bằng cách gọi điện thoại cho người thân, người quen, hỏi… người đi ngược chiều. Còn trên mạng internet, trên sóng phát thanh truyền hình, trên hệ thống loa phường (vốn ngày thường nhiều khi lại ồn ào không cần thiết) thì tuyệt nhiên không thấy các thông báo, hướng dẫn của cơ quan chức năng. Chưa nói đến việc lãnh đạo các ngành chức năng của thành phố lên tiếng khá chậm trễ để giải thích, động viên, cam kết với nhân dân đang lúc gặp khó khăn. 

Giống như cơn bão Katrina năm nào đã cho cả thế giới thấy gót chân Achille của siêu cường Mỹ, cơn mưa kỷ lục ở Hà Nội cho thấy sự phát triển khập khiễng của đô thị này. Việc ăn uống của hàng triệu người dân lâu nay hầu như đều trông chờ vào mấy chợ cóc, chợ xanh góc phố, vỉa hè… Chỉ cần một cơn mưa lớn là nông dân giảm bớt nguồn cung, và cả thành phố lên cơn sốt giá. Đến khi mưa lớn trở thành "mưa lịch sử" khiến các con đường huyết mạch bị phong tỏa, thì một cuộc khủng hoảng thực phẩm rõ ràng là khó tránh khỏi, và đương nhiên đến mức một quan chức đầu ngành chỉ biết khuyên dân chúng chờ thêm 1 tuần nữa thì giá mới bình ổn. Cũng chả trách được ông này, bởi hệ thống siêu thị chỉ mới phát triển vài năm gần đây, trong khi thương mại quốc doanh từ lâu đã rút chân khỏi "chiến trường" bán lẻ. Nhưng nếu đây không phải chỉ là một "tiểu hồng thủy" mà là "đại hồng thủy", hoặc một thảm họa có quy mô nào khác, liệu chúng ta có đủ công cụ và cơ chế để giảm thiểu thiệt hại và các tác động tiêu cực đến dân sinh? Hay đến lúc đó, mỗi người dân lại phải tự lo cho mình, được chừng nào hay chừng ấy? (Ảnh bên: Nước vẫn ngập 60cm tại đường Trần Duy Hưng, đường Phạm Hùng, Láng- Hòa Lạc, cửa ngõ phía Tây!)

"Hôm nay đã hết ngập chưa?" có lẽ là câu hỏi được người dân Hà Nội đặt ra nhiều nhất khi thức dậy vào sáng hôm nay. Mong sao, những người có trách nhiệm sẽ suy nghĩ nhiều hơn về những bài học của trận mưa lịch sử này.

Bài : Trường Khanh (Thanh Niên)
Ảnh : VietNamNet
[ forum ]

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo