Ngày 2.12, Hội Nông dân VN đã cùng các Hội Nông dân TP.HCM, tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương mở hội thảo về chính sách hỗ trợ nông dân sau khi bị thu hồi đất để xây dựng các khu, cụm công nghiệp, đô thị.
Tại TP.HCM, theo thống kê của Hội Nông dân TP, trong vòng 5 năm trở lại đây đã có 12.774 hộ nông dân bị thu hồi đất. Theo kết quả điều tra mới nhất ở một huyện ngoại thành, trong 100 hộ nông dân sau khi bị giải tỏa, thu hồi đất có 20 hộ khá, 35 hộ trung bình và 50 hộ có cuộc sống không bằng nơi ở cũ. Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng đã triển khai khảo sát ý kiến của nông dân sau khi bị thu hồi đất, tuy nhiên trong khi có 50.000 phiếu phát đi thì số phiếu thu lại chỉ là 16.000 phiếu.
Lý do là đa số nông dân đã mất liên lạc, không tiếp cận được. Ông Lê Quang Khải, Hội Nông dân Q.9 (TP.HCM), chua xót: “Người nông dân đang phải chịu quá nhiều thiệt thòi từ các dự án thu hồi đất. Giá đền bù thấp, lại không công bằng. Áp dụng chính sách một giá nhưng lại không nhất quán, hộ nào kỳ kèo dây dưa thì lại được đề nghị một mức giá khác, gây ra thắc mắc, bức xúc cho những người đã chấp nhận mức giá trước”.
Theo Hội Nông dân TP.HCM, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã được UBND TP bổ sung 70 tỉ đồng để giúp vốn cho nông dân, chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm cho đối tượng có đất bị thu hồi (gọi tắt là chương trình 156) cũng đã được hình thành với nguồn vốn ban đầu 50 tỉ đồng. Đến nay 2 nguồn vốn này đã hỗ trợ 5.155 lượt nông dân có nhu cầu. Tuy nhiên, trong thời gian tới tốc độ phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư tại nông thôn sẽ tiếp tục tăng lên, vì vậy để đảm bảo được quyền lợi chính đáng của nông dân, chính quyền và các chủ dự án phải làm tốt công tác khảo sát điều tra thực tế tập quán sinh sống, lường trước hậu quả xảy ra khi nông dân mất phương án sản xuất.
Về chính sách hỗ trợ cho nông dân bị thu hồi đất, ông Nguyễn Thiết Hòa, đại diện Sở NN-PTNT TP.HCM, đề xuất: “Nhà nước cần phải đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ phù hợp và để cho nông dân lựa chọn. Ví dụ như có hộ muốn tiếp tục làm nghề nông, có hộ muốn đổi nghề khác. Phải tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con để có hướng giải quyết chính xác, chứ không phải cứ bắt nông dân phải học những nghề mà họ không mong muốn như hiện nay”.
Bà Dương Thị Ruộng, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, đưa ra một ý kiến đáng lưu ý: “Nhà nước phải quy hoạch vùng nông thôn để nông dân tự chọn chỗ ở cho mình chứ không nhất thiết phải ép dân vào các khu tái định cư cao tầng”. Một ý kiến khác đề nghị nên để nông dân đóng góp một phần đất vào khu công nghiệp hoặc khu dân cư, xem như là cổ phần đóng góp và được khoản lợi tức hằng năm.
Tin mới hơn:
- Nguy cơ tái hiện các đô thị với thành luỹ vây quanh
- Những câu chuyện "quái đản" trong bảo tồn di tích hiện nay! - Phần 2
- Những câu chuyện "quái đản" trong bảo tồn di tích hiện nay! - Phần 1
- Thênh thang đường lên hiện đại
- Xưa, nay trong kiến trúc
Tin cũ hơn:
- Chân dung đô thị và nỗi buồn của tôi
- Kiến trúc sư và xã hội toàn cầu hóa
- Quảng cáo đô thị từ góc nhìn văn hóa
- Khi báo chí... "đối đầu"
- Xếp hạng điểm đến có giá trị lịch sử năm 2008: Những tín hiệu báo động cho Việt Nam