Ashui.com

Monday
Apr 29th
Home Tương tác Góc nhìn Bảo tồn di tích ô Quan Chưởng: Người dân náo nức, giới nghiên cứu thờ ơ

Bảo tồn di tích ô Quan Chưởng: Người dân náo nức, giới nghiên cứu thờ ơ

Viết email In

Sau hai năm triển khai, dự án tu bổ di tích ô Quan Chưởng đã tiến hành nghiệm thu đợt một sáng 4/1/2011. Những tranh luận trái chiều về cách thức ứng xử với cửa ô duy nhất còn lại của thủ đô ngàn năm tuổi phải chăng cũng khép lại?

Diện mạo mới của ô Quan Chưởng

Từ sáng sớm 4/1, mặc dù trời rét đậm, đông đảo người dân vẫn đổ về khu vực di tích ô Quan Chưởng để tham dự lễ nghiệm thu. Điều này chứng tỏ vị trí quan trọng của ô Quan Chưởng trong tâm thức người Hà Nội. Và cũng dễ hiểu vì sao vấn đề nên hay không nên “động chạm” đến lớp áo rêu phong được bồi đắp qua bao thế kỷ của cửa ô này lại khiến các diễn đàn dậy sóng.


Ô Quan Chưởng sau tu bổ (Ảnh: Trường Sơn)

Cảm nhận đầu tiên là diện mạo ô Quan Chưởng sau tu bổ không đến nỗi mới toanh và bị biến dạng như nhiều nhà nghiên cứu lo ngại. Tuy lớp rong rêu đã được bóc sạch nhưng lớp màu ghi sẫm quét trên bề mặt công trình cũng giữ lại phần nào nét thâm trầm cho di tích 300 năm tuổi. “Tác dụng phụ” của lớp màu ghi sẫm (thực chất là màu ximăng nguyên chất) này, theo nhận định của một số hoạ sĩ là khiến cho sắc thái ô Quan Chưởng trở nên lạnh và cứng hơn trước. Ngắm nghía kỹ lưỡng ô Quan Chưởng (sau tu bổ) qua ảnh, họa sĩ Bùi Hoài Mai bày tỏ sự tiếc nuối: “Tại sao đơn vị thi công không sử dụng lớp vữa trát bên ngoài bằng hỗn hợp vôi, cát, mật mía như các cụ ta ngày trước, biết đâu, có thể giữ lại nhiều hơn vẻ cổ kính, độ biểu cảm và nét thân thuộc của cửa ô quan trọng này”. Màu sắc của ô Quan Chưởng cũng chính là vấn đề gây tranh cãi. Còn nhớ, đầu tháng 11/2010, không ít người dân và giới nghiên cứu đã choáng váng với “chiếc áo mới” có màu nâu vàng của ô Quan Chưởng. Ngay sau đó, kiến trúc sư Lê Thành Vinh, viện trưởng viện Bảo tồn di tích, đơn vị thi công phát biểu “trấn an” trên một tờ báo, đại ý: lớp màu nâu vàng chỉ là lớp “lót”. Bức tường (nguyên bản) có hai lớp màu: màu nâu nhạt bên trong và màu ghi trắng bên ngoài. Khi phục chế, đơn vị thi công quét lần lượt hai lớp màu y như vậy, để lớp ghi bên ngoài có ánh vàng bên trong sẽ gần hơn với hình ảnh tường cũ. Tuy nhiên, đến ngày nghiệm thu, người ta lại thấy một lớp màu ximăng xám bao phủ ô Quan Chưởng, và quả thực, không được “hấp dẫn” như ông Vinh từng miêu tả.

Điều khó hiểu là trong lễ nghiệm thu, ngoài sự hiện diện của lãnh đạo thành phố Hà Nội và đại diện đơn vị thi công, hầu như không thấy các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khảo cổ, mỹ thuật, lịch sử, văn hoá…


Hình ảnh ô Quan Chưởng ngày xưa (Ảnh do họa sĩ Bùi Hoài Mai cung cấp)

Hậu tu bổ mới quan trọng

Không phải ngẫu nhiên, ngay trong ngày nghiệm thu dự án tu bổ di tích ô Quan Chưởng, kiến trúc sư Đoàn Đức Thành (phó tổng biên tập tạp chí Kiến trúc – hội Kiến trúc sư Việt Nam) nhắc đi nhắc lại: “Hậu tu bổ quan trọng không kém tu bổ”. Bức ảnh chụp từ trên cao xuống trong sáng 4.1 cho thấy ô Quan Chưởng gần như không có chỗ để “thở” giữa một biển dây điện chằng chịt và những ngôi nhà cao tầng nhấp nhô tứ phía. Trong một cuộc hội thảo về bảo tồn phố cổ Hà Nội, một đại biểu quốc tế phát biểu, ông náo nức đến Việt Nam là vì một bức ảnh chụp ô Quan Chưởng cổ kính. Nhưng khi tận mắt ngắm nhìn ô Quan Chưởng, ông hụt hẫng vì vẻ đẹp kia hoá ra là nhờ… photoshop xoá bớt nhà cao tầng, dây điện. Mới thấy, cái làm cho ô Quan Chưởng mau xuống cấp không hẳn là cây dại, rong rêu bám phủ mà còn là sự can thiệp thô bạo của những công trình kiến trúc mới. Kiến trúc sư Đoàn Đức Thành cảnh báo, nếu không sớm khống chế mật độ xây dựng và đưa ra quy định về chiều cao nhà, di tích ô Quan Chưởng có nguy cơ lạc lõng giữa khu phố sầm uất hiện đại. Bên cạnh đó, mật độ giao thông dày đặc quanh cửa ô cùng những chuyến xe chở hàng “lách luật”, chạy trộm lúc nửa đêm khiến lớp đất nền phía dưới di tích đã yếu nay càng yếu thêm, tác động xấu đến cấu kiện của kiến trúc.

Tất cả những vấn đề này đều được nhấn mạnh trong bài phát biểu của bà Ngô Thị Thanh Hằng, phó chủ tịch UBND thành phố tại lễ nghiệm thu dự án tu bổ di tích ô Quan Chưởng. Vấn đề là, khi tiến trình tu bổ đã hoàn thành, khi khoản kinh phí hỗ trợ tu bổ từ đại sứ quán Mỹ đã được sử dụng thì liệu hậu tu bổ có bị xem nhẹ hơn tu bổ?

Hương Lan
 

>> Hoàn thành trùng tu Ô Quan Chưởng 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo