Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Người dân thành phố đối mặt với nghèo phi truyền thống

Người dân thành phố đối mặt với nghèo phi truyền thống

Viết email In

Các con số thống kê ở Việt Nam, cho dù là của các tổ chức nghiên cứu trong hay ngoài nước thì độ tin cậy không cao bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu thường cho chúng ta thấy những xu hướng vận động của xã hội đáng lưu ý, nhất là đối với những người lập chính sách.


Nghèo đói không chỉ thuần tuý dựa vào thu nhập hay cơm gạo mà còn là điều kiện sống và môi trường xã hội (Ảnh minh hoạ: TL SGTT)

Ở TP.HCM hiện nay nghèo đói lương thực (nghèo tuyệt đối) hầu như không còn nữa, thu nhập bình quân đầu người chắc là cao nhất nhì cả nước, nhưng có một điều là khoảng cách thu nhập và mức sống thì đang dãn ra khá nhanh, phân hoá hai cực ngày một lớn. Ở thành phố đang hình thành một tầng lớp đông đảo những người cực kỳ giàu có (chiếm khoảng 10 – 12%), có nhiều nhà nhất, sở hữu nhiều cổ phiếu, có tài khoản ngân hàng, xe hơi, sống trong các khu vực sang trọng được khu biệt với cộng đồng xung quanh, con cái học ở các trường trả học phí bằng nhiều ngàn đô. Còn ở một cực khác là một tầng lớp thu nhập thấp (chiếm khoảng 30 – 40%), họ có thể là những người nghèo, cận nghèo, và đặc biệt là những người thuộc nhóm dễ tổn thương (người già cô đơn, người tật nguyền, đau yếu, người phụ nữ đơn thân đông con, người ít học, người nhập cư,...) Họ là những người luôn sống trong tình trạng bếp bênh (thu nhập, việc làm). Ở thành phố lớn có rất nhiều cơ hội sống (việc làm, học hành, thăng tiến, hưởng thụ), nhưng do là người yếu thế cho nên cơ hội cứ đi qua bên cạnh mà không đậu lại.

Trong bối cảnh mới, nghèo đói không chỉ thuần tuý dựa vào thu nhập hay cơm gạo mà còn là điều kiện sống và môi trường xã hội. Một gia đình thu nhập không thấp, nhưng nếu sống bên cạnh bãi rác, hay một nhà máy gây ô nhiễm thì thu nhập cao không có ý nghĩa khi mà con cái và mọi người trong gia đình phải chi trả nhiều tiền hơn cho chữa bệnh.

Trong nghiên cứu chúng ta còn thấy được một điều (không mới với thế giới) là chỉ số đánh giá nghèo còn liên quan đến khả năng tiếp cận thấp đến các dịch vụ công như y tế, giáo dục, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo hiểm các loại và sự thụ hưởng các dịch vụ của Nhà nước, cũng như khả năng tiếp cận yếu đến các nguồn vốn từ bất kể nguồn nào (nhà nước, phi chính phủ, tư nhân). Có một thực tế là khi so với Hà Nội khi chưa mở rộng (924km2) thì số lượng người dân tiếp cận với dịch vụ công thấp hơn. Khoảng 1,7 triệu người dân nhập cư không được hưởng dịch vụ một cách bình đẳng như người dân có hộ khẩu thành phố. Họ phải trả tiền điện, nước cao hơn, con cái phải đóng tiền cao hơn khi học trong các trường dân lập, rất ít người trong số họ được hưởng bảo hiểm y tế cho nên mỗi lần ốm là cố cắn răng vượt qua hoặc tự mua thuốc chữa chạy nhì nhằng, tất cả trông đợi vào khả năng tự đề kháng. Người nghèo nhập cư phải thuê nhà để sống, nhưng số người dân thành phố sống chen chúc cả chục người trong các nhà tạm chỉ trên dưới 10m2 dọc theo kênh rạch không phải là ít. Người dân thành phố khi cần tiền có thể vay ngân hàng bằng thế chấp hay tín chấp, còn người nhập cư thì không ai dám bảo lãnh để ngân hàng cho họ vay. Và chính vì thế mà họ dễ dàng trở thành con mồi của đám cho vay nóng. Tuy nhiên, chính bản thân những người được gọi là “thị dân Sài Gòn chính hiệu” thì cũng không phải ai cũng được hưởng những thành quả của phát triển một cách bình đẳng. Ở thành phố xuất hiện nhiều nơi rất hào nhoáng, sang trọng nhưng ở thành phố này có biết bao nhiêu người chưa bao giờ dám bước chân vào Megastar, Nhà hát thành phố, trung tâm cao cấp Vincom, nhà hàng, quán càphê sân vườn, thậm chí là những nơi có vẻ bình dân hơn một chút như Suối Tiên, Đầm Sen, nơi mà một gia đình bốn người muốn đến cũng phải mất không dưới 200.000 đồng cho một lần.

Từ nghiên cứu này cơ quan công quyền của Việt Nam và TP.HCM cần nhận thức rõ hơn những điều sau đây:

• Việt Nam đã ra khỏi các nước nghèo, nhưng rất có thể sẽ rơi vào bẫy “thu nhập trung bình”, có nghĩa là thu nhập trung bình cứ giậm chân mãi một chỗ không tìm chính sách đột phá cho nên không nhích lên được, nhưng cùng với thu nhập trung bình thì các chỉ số khác cũng quanh quẩn mãi không cải thiện được như nước sạch, cây xanh, diện tích đường sá, bác sĩ, giường bệnh và thầy giáo trên một vạn dân.

• TP.HCM đã hết nghèo lương thực, do vậy phải mở rộng các chỉ số nghèo ra khỏi rổ lương thực cơ bản, hướng đến các chỉ số đánh giá nghèo về giáo dục, văn hoá, mức độ thụ hưởng các dịch vụ công và an sinh xã hội. Nếu không thấy được điều này sẽ rơi vào thoả mãn với các thành tích xoá đói giảm nghèo mang tính truyền thống, trong khi yêu cầu của xã hội đã khác xa so với tư duy “đường rầy”. Quỹ phúc lợi xã hội đối với người nghèo chính là túi hơi đặt dưới nhà cao tầng khi bị cháy, nhằm làm giảm thiểu các loại rủi ro khiến con người ta rơi vào cùng quẫn, nhằm làm cho không có ai bị rơi vào tình cảnh bỏ thuốc chuột vào nồi cháo cho cả nhà ăn cùng ra đi.

• Một điều nữa nên biết, chỉ số và thang đo nghèo đói thay đổi theo từng thời kỳ. Trong các cuộc nghiên cứu về chất lượng sống gần đây ở các hộ gia đình ở các nước phát triển thì những câu hỏi có hay không trong gia đình các tiện nghi sinh hoạt như tivi, tủ lạnh, máy giặt, xe hơi bị loại bỏ mà thế vào đó là những câu hỏi đại loại như năm nay gia đình đi du lịch những đâu? Đọc được bao nhiêu cuốn sách? Tự sáng tạo được những gì (làm thơ, viết văn, nặn tượng, vẽ tranh,…)? Học thêm được điều gì mới? Khi còn đương chức, ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore cho rằng, một gia đình được coi là sống tốt thì trong nhà phải có một giá sách, thậm chí ông còn nhấn mạnh một giá sách còn giá trị hơn cả một chiếc xe hơi đắt tiền, không phải không có lý khi ông Lý cho như vậy.

Nguyễn Minh Hoà

>> Dự án của người nghèo 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo