Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Quy hoạch giao thông và bài toán an toàn cho xã hội

Quy hoạch giao thông và bài toán an toàn cho xã hội

Viết email In

Hậu quả của tai nạn giao thông là cực kỳ lớn, nó không chỉ làm giảm ít nhất từ 0,7 – 1% tăng trưởng kinh tế, gây thiệt hại nhiều ngàn tỉ đồng của xã hội mà đằng sau mỗi nhân mạng chết đi là gánh nặng và nỗi đau của cha mẹ, vợ chồng, con cái, nhiều số phận bị đổi chiều theo hướng xấu.

Trong một cuộc hội thảo quốc tế về giao thông ở Việt Nam, chuyên gia giao thông hàng đầu của Singapore, ông Chin Hoong Chor, giáo sư trường đại học Tổng hợp Quốc gia Singapore (NUS) kêu lên rằng người Việt Nam chết vì tai nạn giao thông nhiều quá sức tưởng tượng. Điều này hoàn toàn chính xác khi mỗi ngày có khoảng 35 người bị chết vì tai nạn giao thông, mỗi năm con số đó lên gần 12.000 người.


Từ khi đường Điện Biên Phủ, đoạn từ cầu Điện Biên Phủ đến ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TP.HCM được mở rộng, phân luồng đâu ra đó thì tai nạn giao thông giảm hẳn. (Ảnh: Từ An)

Không chỉ là giao thông

Tại sao nhiều năm qua các cơ quan chức năng đã tìm mọi cách để kéo giảm tai nạn xuống mà không thành công? Với sự nỗ lực của nhiều bộ phận trong cơ quan công quyền và kể cả thông tin tuyên truyền, đã có những thay đổi tích cực như chặt chẽ hơn trong việc cấp giấy phép lái xe, treo thêm biển báo, tăng cường mức xử phạt,… nhưng kết quả cuối cùng thì số vụ tai nạn giao thông năm sau vẫn thường cao hơn năm trước. Vậy bản chất vấn đề là ở đâu?

Nếu nghiên cứu kỹ thì chúng ta thấy được một vài điều bộc lộ sau đây: thứ nhất, số vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nặng nề chủ yếu diễn ra bên ngoài thành phố, ở các cửa ngõ và trên các trục đường giao thông nhanh ra vào các thành phố lớn; thứ hai, các vụ tai nạn nghiêm trọng thường diễn ra ở những đoạn quốc lộ đi xuyên qua khu dân cư đông đúc, có nhiều đường giao cắt, có nhiều xe có tải trọng lớn, xe chở hành khách với mật độ cao và di chuyển với tốc độ nhanh. Chính vì điều này mà tai nạn giao thông xảy ra nhiều nhất là ở miền Trung đất nước.

Qua hai điều này cho thấy rõ ràng ở đất nước chúng ta hiện nay quy hoạch giao thông và quy hoạch dân cư thực sự có vấn đề. Bài toán quy hoạch giao thông không chỉ đơn thuần là công nghệ kỹ thuật, không phải là quy hoạch những con đường sao cho ngắn nhất, được xây dựng bằng vật liệu tốt nhằm đảm bảo cho các phương tiện di chuyển nhanh mang lại hiệu quả kinh tế mà nó thực sự còn là bài toán mang tính xã hội.

Trên thế giới, các tiểu khu ở (khái niệm chỉ các khu dân cư được thiết kế hoàn chỉnh với đầy đủ các dịch vụ như nhà trẻ, trường học, cửa hàng thực phẩm, trạm y tế, bưu điện, ngân hàng… đảm bảo cho người dân có thể sống một cách bình thường mà không phải đi xa) bao giờ cũng được bố trí cách xa đường giao thông trục. Nếu có nhà dân ở gần đường giao thông thì chí ít cũng phải cách từ 70 – 100m, hai bên đường có một dải phân cách mềm bằng cây xanh rộng khoảng 2 – 3m, loại cây này không quá cứng và không quá mềm, cứng quá làm cho xe lạc tay lái đâm vào sẽ bị thương vong, mềm quá sẽ không cản xe lại được. Sau dải cây xanh còn có thêm các cọc tiêu bằng ximăng hoặc hàng rào lưới sắt. Hình ảnh này du khách có thể thấy rất phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.

Phải quyết liệt hơn

Một vài nhà quản lý nói rằng việc người dân cứ tràn ra mặt đường sinh sống để bị tai nạn giao thông là việc ngoài ý muốn không sao cấm cản được. Đúng là bà con muốn như thế, nhưng là cơ quan quản lý nhà nước lẽ nào bó tay? Chính vì bà con nhận thức chưa tới, hoặc nhận thức được nhưng do tham chút mặt tiền nên mới cần đến vai trò của quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát, chế tài để hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng các chuyên gia quy hoạch của chúng ta không kiên quyết trong việc quy hoạch giao thông theo chuẩn quốc tế. Cho dù là cải tạo, mở rộng mặt đường qua khu dân cư hay làm mới thì hoàn toàn có thể giải toả để mở rộng thêm biên độ để tạo ra hành lang an toàn dọc theo hai trục lộ. Rất tiếc các trục lộ mới mở trong vài năm gần đây đã không chú ý điều này cho nên đường vừa mở xong là nhà ở của người dân đã lấp đầy dọc theo hai vệ đường. Chẳng hạn trục đường từ cầu Rạch Miễu vào thành phố Bến Tre, trục đường từ Biên Hoà xuống Vũng Tàu, đường từ Hà Nội lên Việt Trì là một vài ví dụ trong số hàng trăm ngàn trường hợp như thế mà ta có thể gặp bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam.

Bức tranh giao thông Việt Nam sẽ bớt đi màu xám, nếu các nhà quy hoạch giao thông nhận thức được ra và hành động quyết liệt để tách rời được không gian sống dân sinh và đường giao thông nhanh, còn nếu không thì con số các vụ tai nạn sẽ tiếp tục dài thêm ra.

TS Nguyễn Minh Hoà

>> Chữ “an” trong quy hoạch và phát triển đô thị 

>> Đường phố dành cho con người hay cho ô tô? 

 

Lời bình  

 
0 # Trần Vinh Hiển 06/06/2011 10:07
Chúng ta hãy cùng nhau ( bằng tất cả khả năng của quốc gia) đế xây dựng cung đường bộ Việt Nam thật sự an toàn, sẽ không được dùng câu nói : " Số vụ tai nạn giao thông năm nay tăng hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước". vì câu nói này mất nhân tính, không nhân đạo , coi việc sống chết của con người là số lượng.. . .
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo