Tọa đàm trực tuyến "Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về di sản công nghiệp" vừa diễn ra thu hút sự quan tâm của 300 cử tọa. Có thể chưa nhiều người biết và quan tâm tới những di sản công nghiệp vốn là những nhà máy cũ, cho đến khi chúng hóa thành những công trình văn hóa vì cộng đồng.
Không ít khu đô thị mật độ dân đông ngày nay được xây dựng trên nền của những nhà máy cũ. Chúng giải quyết phần nào nhu cầu ở nhưng cũng tiếp thêm những gánh nặng về an sinh cho nội đô. Khảo sát mới đây của ĐH Kiến trúc Hà Nội trên hơn 1.000 dân Thủ đô cho thấy, đa số quan tâm đến việc chuyển đổi công năng của các khu công nghiệp cũ nhưng chưa biết đến khả năng này. Trong đó, 34% người được hỏi muốn biến những diện tích này thành nhà ở. Nhưng số người muốn thay thế nhà máy cũ bằng vườn hoa, công viên vẫn chiếm tỷ lệ nhiều nhất.
Phác thảo bên trong Bảo tàng ngành đường sắt của nhóm KTS Phạm Trung Hiếu
Phương án được giải bình chọn của công chúng trong cuộc thi Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội của KTS Phạm Trung Hiếu và đồng sự chắc đáp ứng được hình dung của nhiều người khi chỉ giữ một phần kiến trúc của nhà máy xe lửa Gia Lâm - biến thành bảo tàng về ngành đường sắt, một tòa nhà nữa dành cho việc sáng tạo của các nghệ sĩ còn lại là công viên nghệ thuật với cây xanh, hồ nước và khu trưng bày tác phẩm ngoài trời.
KTS Đoàn Kỳ Thanh - “tổng đạo diễn” của Zone 9 trước đây- đưa ra một cách nhìn nhận về ý nghĩa di sản của các khu công nghiệp từ quan điểm truyền thống dựa trên ba yếu tố: hình, lý và khí: “Nếu chỉ có hình thì nó là di tích nhiều hơn, chưa trọn vẹn để thành di sản. Nếu chúng ta cải tạo, trang trí cho nó để phát triển theo hình thức mới hoặc bảo tồn hình thức sử dụng cũ là cho nó cái lý. Cái vô cùng quan trọng để di sản sống được là khí. Khi chuyển đổi mục đích sử dụng của nhà máy hay di sản công nghiệp, ta phải nghiên cứu kỹ các hoạt động sau này, chứ không phải áp đặt mô hình mới và bảo nó phải sống”. Anh cũng cảnh báo đến lúc bất động sản tiện ích bão hòa, người ta sẽ thấy rõ hơn sự cần thiết phải có các bất động sản có nội dung, có hoạt động tạo nên hạ tầng xã hội.
Các nhà máy cũ trước tiên thu hút giới chuyên môn về ngôn ngữ kiến trúc đặc thù trong khi với giới doanh nhân, đó chỉ đơn thuần là các “khu đất vàng”. KTS Lê Phước Anh, giảng viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh: “Hình thức công nghiệp của các nhà máy cũ khiến nó trở nên độc đáo như một di sản sống hoặc cũng có thể bị bỏ rơi, tương tự như các khu tập thể cao tầng cũ. Những tòa nhà kiến trúc thuộc địa hoặc đền chùa mang vẻ đẹp dễ cảm, nhưng những công trình công nghiệp khi được nâng lên tầm đáng lưu giữ không dễ được số đông thừa nhận”.
Anh phân tích quy mô và đường nét của những tòa kiến trúc vốn trước đây là nhà máy thường có hình thức ngoạn mục, bất ngờ- khác với thẩm mỹ dân dụng. Sự khác biệt có thể gây tranh cãi này lại rất phù hợp với tinh thần sáng tạo của nghệ thuật đương đại: “Nhiều di sản công nghiệp có câu chuyện hay, tầm vóc, kể về một thời đáng nhớ, phản ánh trung thực hệ tư tưởng, chính sách xã hội của thời kỳ nó được xây dựng. Những mô hình công trình văn hóa phát triển trên nền di sản công nghiệp trong và ngoài nước chúng ta từng thấy đều thể hiện sự đa dạng, thú vị hơn là việc phá bỏ để làm mới”.
“Việt Nam có một gia tài khổng lồ. Các KTS ở Việt Nam hiện nay phải nghiên cứu và tôn trọng tiếng nói của quá khứ, phải biết yêu thương những vật liệu, những bề mặt và lưu trữ những thông tin về công năng cũ. Thật bất tiện nếu giới thiệu một công năng mới quá khác biệt. Và trong nhiều trường hợp, giữ gìn những vật thể, cầu thang, sàn nhà, rui, kèo và những mặt kính nguyên thủy của cửa sổ là rất quan trọng”. -KTS Massimo Roj (Ý) |
“Rất có thể thời điểm này là cơ hội cuối cùng để Hà Nội có được những không gian sáng tạo, công trình văn hóa công cộng”, ông Lê Quang Bình, điều phối viên mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống nhấn mạnh. Các không gian sáng tạo chuyển đổi từ các khu công nghiệp có diện tích lớn, là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị tầm cỡ khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, ông Bình cho rằng nhà nước cần đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý cho sự chuyển đổi, đầu tư vào việc chuyển đổi, và có chính sách khuyến khích các thành phần khác tham gia vào việc chuyển đổi này.
Hà Nội đang phấn đấu đến 2030 trở thành thành phố xanh- thông minh- hiện đại, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế, hoàn thành công nghiệp hóa... Nhưng KTS Massimo Roj- Đại sứ Kiến trúc Toàn cầu do Bộ Ngoại giao Ý chỉ định đánh giá cao sự an toàn (safe) và thấu cảm (empatic) của thành phố hơn là thông minh tối tân (smart). Trong quá trình cải tạo từ khu công nghiệp cũ thành không gian công cộng, ông luôn chú ý giảm thiểu tác động tới môi trường và thêm rất nhiều mảng xanh vào cả nội và ngoại thất.
Mạnh Hà
(Tiền Phong)
- Công nghiệp, đô thị hóa và vấn đề sau dịch bệnh
- Đô thị ứng phó với thiên tai và dịch bệnh
- Bảo tồn vẻ đẹp Huế
- Nghĩ về chuyện đi xe đạp
- Sống ở Hà Nội rẻ hơn bao nhiêu so với TP.HCM, Bangkok, Phnom Penh, Singapore...?
- Làm thế nào để công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
- Nản lòng với dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
- Do đâu quy hoạch đô thị ven sông Hồng lại được người dân Thủ đô quan tâm như vậy?
- Covid-19 có thức tỉnh được các nhà quản lý quy hoạch đô thị?
- Thành phố thông minh từ câu chuyện bóng đèn