Ashui.com

Wednesday
Sep 18th
Home Tương tác Góc nhìn Đô thị ứng phó với thiên tai và dịch bệnh

Đô thị ứng phó với thiên tai và dịch bệnh

Viết email In

Các đô thị là nơi dễ bị tổn thương bởi thiên tai và dịch bệnh. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, bởi thế, cũng không là ngoại lệ.

Trung bình mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu từ 6 - 8 cơn bão. Thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH) đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra những tác động khó lường đến hệ thống đô thị Việt Nam và làm gia tăng mức độ khắc nghiệt của các vấn đề môi trường đô thị.


(Ảnh minh họa)

Theo kịch bản BĐKH của Bộ TN&MT năm 2016, các khu vực tiềm ẩn chịu tác động mạnh từ BĐKH lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị cao trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục đô thị hóa mạnh. Số liệu của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay có khoảng 300 đô thị ven biển chịu sự tác động rất lớn của BĐKH như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường. Khoảng 140 - 150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán. Với xu thế đô thị hóa và phân bố hệ thống đô thị hiện nay, BĐKH, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan thực sự là thách thức đối với công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị ở Việt Nam.

Một thách thức lớn khác đang đe dọa đến toàn nhân loại trong thập kỷ thứ 3 của thế kỷ XXI, đó là đại dịch Covid-19. Những gì đã trải qua đối với tất cả các quốc gia có dịch bệnh, đã buộc các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học phải xem xét một cách nghiêm túc về những yếu tố liên quan đến công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Lấy ví dụ, thành phố New York với 25 triệu dân, vốn được biết đến như một đô thị thịnh vượng, nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến, số người chết chiếm đến 50% so với cả nước Mỹ. Nhiều đô thị lớn trên khắp thế giới đều lâm vào tình trạng tương tự. Những quốc gia lớn mạnh như: Anh, Ý, Nga… cũng phải chao đảo. Thảm họa đô thị ngày càng lớn và đa dạng. Đặc biệt với những vùng đô thị cực lớn về dân số có nền kinh tế toàn cầu hóa. Những thảm họa đô thị không chỉ dừng lại khi đại dịch Covid-19 lây lan, nó được dự báo dịch bệnh sẽ nhiều hơn và nặng nề hơn tại các siêu đô thị, vốn đã bị tổn thương sâu sắc trước đó.

Ở Việt Nam, thử lấy ví dụ là hệ thống giao thông công cộng, một phương tiện thiết yếu với sự vận hành của đô thị lớn: Nguy cơ sức khỏe bị tấn công ngay trên các phương tiện tham gia giao thông (xe buýt, taxi, tàu điện…) rất lớn bởi những tác nhân gây bệnh lan tỏa vào mạng lưới giao thông. Rồi những đợt mưa - nắng với chu kỳ dài và biểu hiện dị thường cũng đang đe dọa môi trường sống của người dân, đặc biệt là người dân các đô thị. Đợt dịch Covid-19 ở TP.HCM là một trong những biểu hiện cho thấy rõ điều đó.

Không chỉ có vậy, bắt đầu chuyển mùa, thời tiết tại các đô thị thất thường. Những mối đe dọa đối với sức khỏe của người dân đô thị lại hiện hữu. Khi mà mối nguy từ đại dịch Covid-19 vẫn cận kề thì những mối lo phát tán các mầm bệnh khác cũng không thể xem nhẹ như dị ứng đường hô hấp ở các vùng đô thị, các bệnh truyền nhiễm… Sự lan truyền của một số loại bệnh có tính lây nhiễm cao đang trở thành mối lo ngại với các nhà chức trách đô thị lớn.

Việt Nam là nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á, hàng năm có trên 1 triệu dân trở thành dân cư đô thị, dự báo đến năm 2025 dân số đô thị của Việt Nam khoảng 52 triệu người, chiếm khoảng 50% dân số cả nước. Với sự gia tăng dân số đột biến như vậy, nếu cứ phát triển theo kỳ vọng, thì sẽ không thể có giải pháp đáp ứng đủ nhà ở, hạ tầng, việc làm. Đặc biệt, sẽ bế tắc về vấn đề giảm ô nhiễm và ứng phó thảm họa, dịch bệnh.

Chính những điều đó, trong tầm nhìn tổng thể nhằm hoàn thiện hệ thống đô thị của cả nước, các chiến lược phát triển của Việt Nam phải giải quyết được các điểm chưa nhất quán giữa những gì của hiện tại và những gì cần làm trong tương lai. Đây là thách thức lớn đặt ra trong quá trình đô thị hóa và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

Trên thế giới, ngoài cơ chế và giám sát bệnh dịch, thuộc thẩm quyền của Nhà nước, chính quyền nhiều thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đối với nhóm dân cư dễ bị tác động bởi các nguy cơ. Tại Việt Nam, cũng đã có những qui định để ứng phó với các mối nguy do sự thay đổi của thời tiết (nóng quá hay lạnh quá người dân sẽ được nghỉ). Tuy nhiên, điều này mới chỉ là các giải pháp tình thế, những ứng phó cụ thể với các phương tiện hiện đại hỗ trợ cho con người còn rất thiếu vắng. Đã đến lúc, cần đưa những nguy cơ trên vào các kế hoạch khẩn cấp.

Ngọc Lý

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo