Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư [Recap] Chuỗi hội thảo "Tái thiết di sản công nghiệp 2022 - Đổi mới & Bền vững"

[Recap] Chuỗi hội thảo "Tái thiết di sản công nghiệp 2022 - Đổi mới & Bền vững"

Viết email In

Theo kỳ họp thứ 7 của HĐND TP Hà Nội, 09 cơ sở công nghiệp quy mô lớn tại địa bàn đang đứng trước quyết định buộc phải di dời. Trong khi nghị quyết mở ra cơ hội cho phát triển tái thiết di sản tại Việt Nam, thành phố cũng đang đứng trước các thách thức chuyển đổi khi chưa có chính sách, quy định, phương thức thẩm định di sản công nghiệp (DSCN) và chưa có mô hình tái thiết di sản thành công nào. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế sáng tạo dành cho DSCN cũng chưa thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư do nhận thức về các khu vực công nghiệp cũ được gắn với hình ảnh cũ nát, tồi tàn, kém hấp dẫn. Thực tiễn tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy DSCN nắm giữ tiềm năng lớn để tạo ra hình ảnh tích cực, độc đáo và mang lại các giá trị kinh tế cho khu vực địa phương.

Trên cơ sở đó, để đặt nền tảng cho quá trình tái thiết di sản tại Việt Nam, các đối tác công nghiệp cần phải hợp tác trao đổi, thảo luận cụ thể về chính sách, chiến lược quy hoạch DSCN, đồng thời học hỏi và tích lũy kinh nghiệm tái thiết, vận hành từ các công trình quốc tế phù hợp với bối cảnh DSCN tại Việt Nam.

[Hội thảo khai mạc] Thảo luận kế hoạch chuyển đổi bền vững sáng tạo cho 09 cơ sở công nghiệp tại Hà Nội và cơ hội hợp tác đa bên

Thời gian: 15h00 - 19h00 (VN time) ngày 14/10/2022
Địa điểm: 282 workshop, 156 Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội

Hội thảo quy tụ hơn 120 khách tham dự, bao gồm nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư, các chuyên gia trong lĩnh vực di sản, văn hóa, kiến trúc, xây dựng trong nước và quốc tế.

Chương trình đã cung cấp những đánh giá cụ thể về tiềm năng chuyển đổi của 9 cơ sở công nghiệp cũ buộc phải di dời tại Hà Nội. Đồng thời các chia sẻ về quá trình phát triển và phương pháp tiếp cận di sản công nghiệp cùng kinh nghiệm trong quản lý, thẩm định, chuyển đổi các mô hình DSCN tại Châu Âu góp phần tạo động lực cho sự hình thành và phát triển dự án tái thiết DSCN tại Việt Nam. Tại sự kiện các đại biểu tham dự bày tỏ mối quan tâm về thúc đẩy nhận diện các DSCN và cơ hội triển khai các nghiên cứu chuyên sâu, tìm kiếm các cơ hội hợp tác cho các mô hình di sản công nghiệp thí điểm tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Văn hóa Đức và Ông Thierry Vergon, giám đốc Viện Pháp đồng chia sẻ: “Hội thảo là cơ hội để chúng ta được trao đổi về tương lai của các công trình công nghiệp này và đề xuất các yếu tố đổi mới cho sự tồn tại của các di sản công nghiệp, phù hợp với con người, khí hậu đi cùng với tiến bộ bền vững và đổi mới. Qua đây, chúng tôi đề xuất tới các nhà hoạch định về kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề tái thiết di sản công nghiệp.

Bà Phạm Thị Lan Anh, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, cho biết: “Các nội dung và các hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa là lĩnh vực khá mới mẻ và thành phố chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên thành phố rất quan tâm và hi vọng rằng di sản công nghiệp sẽ trở thành 1 phần di sản đô thị, di sản văn hóa của thành phố Hà Nội.”

Đại diện từ góc nhìn tại Việt Nam, PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan – Đại diện Mạng lưới bảo tồn di sản công nghiệp Châu Á tại Việt Nam đã có những trình bày rất chi tiết về thực trạng, cơ hội và thách thức trong vấn đề tái thiết bền vững các dự án di sản công nghiệp. Bà nhận định: “Chúng ta có các công trình công nghiệp có giá trị di sản nhưng chưa có di sản công nghiệp. Vì khái niệm này chưa được pháp lý hóa, chưa đưa vào các văn bản pháp luật, vậy nên chúng ta không thể dán nhãn và bảo vệ các di sản này. Những nội dung này mới chỉ đưa ra và bàn luận bởi các nhóm chuyên gia và chưa hề được đưa vào các hệ thống giảng dạy. Đó chính là những rào cản lớn nhất cho nỗ lực bảo vệ những di sản công nghiệp tại Việt Nam.

Về phía Châu Âu, Đại diện Ban lãnh đạo, Ủy ban Quốc tế về Bảo tồn Di sản Công nghiệp (TICCIH) - Giáo sư Helmuth Albrecht đã trình bày về quá trình nhận diện và phát triển DSCN tại Châu Âu và kiến nghị cho DSCN tại Việt Nam. Giáo sư Helmuth Albrecht cho biết: “Di sản công nghiệp không chỉ có giá trị và ý nghĩa với riêng thành phố nơi chúng hiện diện, mà di sản công nghiệp cần được đặt trong một bối cảnh rộng lớn hơn, chúng cần được nhìn nhận như một phần của văn hóa, của dân tộc, của lịch sử xã hội. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và tái thiết di sản công nghiệp cần được đặc biệt quan tâm và phải thúc đẩy sự tham gia, sự sáng tạo của xã hội.”

Từ góc nhìn các nhà đầu tư, ông Nguyễn Bùi Vũ đồng sáng lập tổ hợp Complex 01, địa điểm được chuyển đổi từ nhà máy in cũ và KTS Huy Phạm sáng lập 282 design, không gian được chuyển đổi từ nhà máy sản xuất mũ cối, đã có những nhận định về tiềm năng đầu tư trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn triển khai tại Hà Nội.

Bên cạnh đó tại Hội thảo có sự góp mặt đại diện của 2 đơn vị thiết kế công ty Wilmotte & Associés đến từ Pháp và công ty Böll Architekten GmbH đến từ CHLB Đức. Mỗi đơn vị đã trình bày cụ thể một dự án chuyển đổi di sản công nghiệp trình diện trên các khía cạnh về quy trình và các giải pháp thiết kế, chuyển đổi hài hòa vừa tôn vinh giá trị di sản đồng thời tạo điểm nhấn đổi mới phù hợp với bối cảnh hiện đại. Cụ thể là công trình Vườn ươm Startup lớn nhất thế giới Station F tại Pháp được chuyển đổi từ nhà máy ga lửa và trung tâm văn hóa Gempt Halle được chuyển đổi từ nhà máy sản xuất dây điện.

Cùng với sự hiện diện của các nhà nghiên cứu, đầu tư, chương trình còn có sự góp mặt của đại diện cộng đồng văn hóa sáng tạo đến từ ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc nghệ thuật Heritage Space. Với nghiệm học tập, làm việc nhiều năm cùng sự hiểu biết sâu sắc về các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các dự án cộng đồng, ông Nguyễn Anh Tuấn đã nhấn mạnh vai trò của các tổ chức văn hóa, sáng tạo trong việc thúc đẩy các dự án tái thiết di sản công nghiệp của thành phố.

 

[Hội thảo bế mạc] Thiết kế, xây dựng và vận hành bền vững các dự án Tái thiết di sản công nghiệp tại Việt Nam

Thời gian: 15h00 - 19h00 (VN time) ngày 15/10/2022
Địa điểm: 282 workshop, 156 Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội

Hiện nay các công trình xây dựng nói chung và các công trình công nghiệp cũ nói riêng đang đứng trước thách thức thời đại về đảm bảo hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tác động môi trường và bảo tồn giá trị văn hóa. Đặt trong bối cảnh này, Di sản Công nghiệp (DSCN) được coi là tài nguyên cần được khai thác hiệu quả vì nắm giữ các tiềm năng tái sinh khu vực đô thị, tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa và tạo ra giá trị kinh tế thông qua mô hình tái thiết bền vững. Hướng tới mục tiêu phát triển thành phố sáng tạo và tiến tới thành phố “xanh, thông minh, hiện đại” vào 2030, Hà Nội đang nắm giữ các cơ hội thuận lợi cho việc tái thiết 09 công trình sắp di dời. Không chỉ vậy, mô hình tái thiết bền vững góp phần đáp ứng cam kết giảm thải khí thải Carbon khi tái sử dụng DSCN và tích hợp thiết kế bền vững, tối ưu năng lượng. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tái thiết di sản, xây dựng công trình xanh và cần học tập, trao đổi với các quốc gia tiên phong để tích lũy các bài học chuyển đổi đi trước.

Đứng trước bối cảnh đó, Hội thảo bế mạc đã quy tụ hơn 100 khán giả tham dự là chuyên gia về lĩnh vực văn hóa di sản, kiến trúc, xây dựng đến từ Việt Nam, CHLB Đức, CH Pháp và Hà Lan. Chương trình tập trung tham gia thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong thiết kế, xây dựng và vận hành công trình bền vững, hiệu quả năng lượng và tối ưu hoá chi phí.

Phát biểu mở đầu hội thảo, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, TS.KTS. Phan Đăng Sơn chia sẻ: “Từ trước đến nay, trong quá trình phát triển công nghiệp, Việt Nam chưa đề cập tới các yếu tố văn hóa, di sản. Đứng trước kế hoạch di dời 9 nhà máy công trình cũ, sẽ rất đáng tiếc nếu tiếp cận 9 khu đất đó theo hướng khai thác chuyển đổi thành các khu đô thị và chỉ có giá trị về mặt kinh tế. Việt Nam hiện nay chưa có mô hình kiểu mẫu nào trong công tác chuyển đổi các khu công nghiệp cũ, vì vậy chương trình Tái thiết Di sản Công nghiệp là cơ hội để chúng tôi được hỏi hỏi và trao đổi những kinh nghiệm từ Châu Âu. Đồng thời có sự chuẩn bị tốt hơn cho kế hoạch di dời 9 nhà máy cũ.”

Tại hội thảo, ông Alban Corbier-Labasse giám đốc của Friche la Belle de Mai đã có những chia sẻ về câu chuyện thực tế và kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình Ông làm việc và vận hành tại khu phức hợp văn hóa La Friche La Belle de Mai, nơi được chuyển đổi từ nhà máy thuốc lá tại Pháp. Ông trình bày: “Sự thành công của Friche la Belle de Mai là sự kết hợp của 2 ý chí. Một mặt là ý nguyện của chính quyền, mặt kia là sáng kiến của các chủ thể trong xã hội dân sự. Việc sử dụng tổi ưu không gian hiện có và dự trữ các không gian cho các mục đích sáng tạo sau này là cần thiết.”

Đồng thời, phần trình bày đến từ KTS. Emma Westerduin, Trưởng ban thiết kế, Except Integrated Sustainability và Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc khu vực Châu Á, Elithis Group đều bày tỏ sự nhất trí quan điểm DSCN sở hữu tiềm năng cho mục tiêu tái sử dụng tài nguyên và sự tham gia của các chuyên gia từ kiến trúc, kĩ thuật, vật liệu ngay từ giai đoạn thiết kế ban đầu là điều cần thiết nhằm đạt được tối đa hiệu năng của công trình.

Đến từ đại diện của Việt Nam, KTS. Phạm Trung Hiếu, giảng viên bộ môn Lý luận - Bảo tồn di sản Kiến trúc - Đại học Kiến trúc Hà Nội đã có những đề xuất nghiên cứu mô hình chuyển đổi Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ông cho rằng: “Việc di dời 9 nhà máy đã mở ra một quỹ đất rất lớn cho thành phố. Đây là cơ hội để Hà Nội đủ tiềm lực chuyển mình và trở thành 1 thành phố sáng tạo, năng động. Tôi đề xuất Không gian văn hóa - sáng tạo bao gồm các công trình cụ thể, tương ứng với các thành tố : bảo tồn thích ứng di sản giá trị - kiến tạo không gian sáng tạo cộng đồng - không gian khuôn viên cây xanh. 3 thành tố này được gắn kết lại với hệ thống không gian cảnh quan sống động.

Cũng tại Hội thảo, với tầm nhìn chiến lược của một kiến trúc sư và có bề dày kinh nghiệm trong quá trình chuyển hóa đô thị, hệ thống thực phẩm và các mối quan hệ xã hội, bà Emma Westerduin đã có những giới thiệu và chia sẻ thực tế về quá trình thực hiện tái thiết di sản công nghiệp tích hợp thiết kế bền vững tối ưu năng lượng, những kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình tái thiết tòa nhà cũ thành không gian làm việc Utrecht Community (Uco). Điểm đặc biệt của không gian này là được chuyển đổi từ kho tàu cũ nát của Đường sắt Hà Lan. Việc chuyển đổi đã giúp cung cấp cho Uco 1800m2 không gian làm việc, hội họp và trình diễn. Tuy khởi tạo từ một kho tàu cũ được xếp hạng di sản, tòa nhà Uco này vẫn thiết kế và tuân theo các tiêu chuẩn trong suốt quá trình cải tạo để đảm bảo tính trung hòa về năng lượng - một kỳ tích đáng kinh ngạc. Trong quá trình cải tạo và trang bị nội thất, Uco đã xem xét từng chi tiết để tìm ra các giải pháp bền vững, đầy đủ chức năng nhất có thể. Đặc biệt chú ý đến việc cải tạo để đảm bảo khí hậu trong lành, với các vật liệu không độc hại, và đảm bảo có nhiều ánh sáng tự nhiên.

Đến từ 282 design, 2 kiến trúc sư trẻ Trương Phan Anh và Hoa Tuấn Khang, người chịu trách nhiệm thực hiện công tác thiết kế, chuyển đổi và quản lý vận hành không gian 282 workshop đã có bài trình bày chi tiết về những nội dung hoạt động và kinh nghiệm đúc kết cá nhân. Hai kiến trúc sư đồng chia sẻ: “Cải tạo lại một nhà máy cũ là điều tưởng chừng như dễ mà khó, cần làm sao để không bị tách biệt hẳn với bối cảnh xung quanh, vẫn đảm bảo các giá trị kinh tế, bảo tồn văn hóa và giảm thiểu các tác động tới môi trường xung quanh. Điểm đặc biệt của 282 workshop sau khi chuyển đổi đó là khai thác không gian phần lớn là thiên nhiên. Tất cả vật liệu sắt, thép, gỗ cũ đều được đơn vị 282 design chủ động tái sử dụng để tạo ra những khối nhà với chức năng phân tách giữa các hoạt động workshop và sản xuất. Không gian này chính là khoảng thở, làm giảm sự ngột ngạt của vùng trung tâm Hà Nội.

Buổi hội thảo đã cung cấp cho các khán giả tham dự có cách tiếp cận rõ ràng hơn về vấn đề chuyển đổi DSCN. Từ quy trình phát triển thiết kế chuyển đổi cho tới phương pháp chuyển đổi đáp ứng các mục tiêu bảo tồn văn hóa, thân thiện môi trường và hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, sự góp mặt của các cá nhân và đơn vị tham gia trực tiếp các dự án di dời tại Châu Âu đã giúp người tham dự được học hỏi trực tiếp các chiến lược thiết kế, xây dựng và các vận hành công trình bền vững, hiệu quả năng lượng và tối ưu hóa chi phí. Đồng thời Hội thảo trở thành cầu nối hợp tác cho các bên liên quan trong cơ hội chuyển đổi 09 công trình công nghiệp sắp di dời tại Việt Nam.

Chương trình “Tái thiết di sản công nghiệp 2022 - Đổi mới & Bền vững” được tổ chức nhằm đẩy mạnh cơ hội phát triển các dự án tái thiết di sản công nghiệp (DSCN) trong bối cảnh thành phố Hà Nội chính thức quyết định di dời 9 cơ sở công nghiệp cũ ghi dấu nhiều giá trị văn hóa, công nghệ.

Chuỗi hội thảo được hỗ trợ tổ chức bởi Quỹ Văn hóa Pháp Đức, Viện Goethe, Viện Pháp, ĐSQ Vương quốc Hà Lan, Hội đồng Anh Việt Nam, UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp cùng Doanh Nghiệp Xã hội bền vững Việt Nam VSSE, ĐH Kiến trúc Hà Nội và 282 Workshop. Chương trình cũng có sự đồng hành đến từ các tổ chức: Vì Một Hà Nội Đáng Sống, Hanoi Ad Hoc và Heritage Space.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo