Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Evergrande – đừng nhìn thấy cây mà không thấy rừng

Evergrande – đừng nhìn thấy cây mà không thấy rừng

Viết email In

Xen lẫn những dòng thông tin thời sự về nguy cơ vỡ nợ của Evergrande trên các diễn đàn trong những ngày này là các câu chuyện so sánh tập đoàn đa ngành hàng đầu của Trung Quốc với các công ty ở Việt Nam, đặc biệt khi cũng có sự tương đồng trong quá trình phát triển như Evergrande – đó là ngày càng mở rộng và bao trùm rất nhiều lĩnh vực, trái tay so với mảng kinh doanh cốt lõi là xây dựng.

Ở góc nhìn phân tích tài chính, người viết cho rằng nên nhìn cục diện một cách bao quát hơn là chỉ nhìn vào câu chuyện Evergrande và thị trường tài chính. Nói cách khác là đừng “thấy cây mà không thấy rừng”.


Chính sách cứng rắn với ngành bất động sản của Trung Quốc gặp thách thức khi một trong những nhà phát triển lớn nhất nước này là Evergrande có nguy cơ vỡ nợ. (Ảnh: AFP)

Trước hết là câu chuyện siết lại thị trường bất động sản của Trung Quốc. Đây trước hết là hệ quả của việc chính quyền muốn đẩy mạnh lành mạnh hóa và hạ nhiệt thị trường bất động sản, bao gồm đưa ra chính sách ba lằn ranh đỏ để buộc các công ty Trung Quốc giảm vay nợ và tăng tỷ số vốn tự có trên nợ vay.

Những thông tin từ truyền thông Trung Quốc và nước ngoài hôm 20/9 phản ánh động thái của chính quyền trong việc tiếp tục vững bước trong chính sách hạ nhiệt thị trường nhà đất. Có thể nhận thấy thị trường bất động sản và các tỉ phú bất động sản là một trong các mục tiêu của chiến dịch “chia sẻ thịnh vượng với cộng đồng” (common prosperity) của Trung Quốc.

Những nguồn tin từ của bạn của người viết sống tại Trung Quốc đã chia sẻ góc nhìn của nhiều người dân bình thường, qua đó bộc bạch rằng những gì diễn ra với thị trường bất động sản tại đây trong mấy ngày qua chưa hẳn là điều xấu đối với họ mà còn là tín hiệu tốt để họ có cơ hội mua nhà, để những cá nhân làm giàu, “tay không bắt giặc” từ bất động sản không thể ngày một giàu có hơn. Cho nên, ở góc nhìn của một bộ phận công chúng, chiến dịch “chia sẻ thịnh vượng với cộng đồng” có thể được ủng hộ để tiếp tục.

Tuy nhiên, nhà điều hành vẫn có thể mắc sai lầm là cách chữa bệnh theo kiểu “làm nguội lạnh” thị trường bất động sản vào lúc này có thể vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế, và có thể vấn đề nợ xấu liên quan là điều khó dự đoán.

Nợ xấu không chỉ liên quan Evergrande mà sẽ lây lan cả cho nhà cung ứng vật liệu xây dựng, nhà thầu, công ty cung cấp dịch vụ nhà đất, kiến trúc, nhà đầu tư, công ty tài chính và ngân hàng cho nhà đầu tư và nhà cung ứng vay, cũng như chính bản thân nợ xấu bất động sản.

Giới tài chính quốc tế cho rằng việc chính phủ Trung Quốc im lặng vào ngày 20/9 khiến thị trường lo sợ. Thị trường muốn biết là chính phủ sẽ đặt giới hạn ở đâu? Theo phân tích của Citigroup, chính phủ có thể mắc sai lầm vì siết thị trường bất động sản quá chặt và quá nhanh. Việc để bong bóng bất động sản phình lớn quá rồi sau đó phải chích cho bóng xẹp xuống là cả một thách thức, vì khó có thể dự đoán được hết ma trận cho vay qua lại, “tay không bắt giặc” nó thật sự như thế nào.

Hệ quả của sự thất bại của Evergrande cũng có thể tác động tiêu cực đến các ngành công nghiệp khác nếu các nhà cung cấp không được trả tiền. Theo đánh giá của S&P Global Ratings, Evergrande đang cố gắng thuyết phục các nhà cung cấp và nhà thầu chấp nhận việc thanh toán bằng các tài sản vật chất nhằm nỗ lực duy trì tiền mặt để hoàn trả các khoản vay.

Trong một báo cáo hồi tháng 8, S&P ước tính trong 12 tháng tới, Evergrande sẽ phải thanh toán các khoản nợ ngắn hạn vào khoảng 240 tỉ nhân dân tệ (gần 37,2 tỉ đô la Mỹ) từ các nhà thầu. Khoảng 100 tỉ nhân dân tệ trong số đó sẽ đến hạn thanh toán trong năm nay.

Theo quan điểm của người viết, từ những gì đang diễn ra, chính phủ Trung Quốc có lẽ sẽ tập trung khống chế để tình hình nợ xấu không lây lan rộng trong nền kinh tế, chứ vẫn tiếp tục để bất động sản “hạ nhiệt”.

Tờ báo có lập trường ủng hộ chính phủ và chống đối phương Tây của Trung Quốc là Global Times đã trích đăng các ý kiến chuyên gia của Trung Quốc khẳng định Evergrande không gây rủi ro hệ thống và do đó không cần thay đổi các quy định đối với thị trường nhà ở.

Vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ tập trung vào việc tăng tính thanh khoản cho thị trường tài chính và tìm cách giải quyết nợ xấu cho hệ thống ngân hàng và công ty tài chính, hơn là cứu các công ty bất động sản.

Chính quyền sẽ không muốn mở một đợt mua lại tài sản và châm vốn vào các công ty bất động sản, bởi điều này đi ngược lại chủ trương “chia sẻ thịnh vượng với cộng đồng”.
Vậy thì, câu chuyện của Evergrande liên hệ tới Việt Nam như thế nào, và ảnh hưởng gì tới Việt Nam?

Đến thời điểm hiện tại, theo quan điểm cá nhân, người viết chưa thấy có sự liên hệ nào rõ ràng.

Thứ nhất, theo ghi nhận, các chính sách hạ nhiệt thị trường bất động sản tại Việt Nam khác với Trung Quốc.

Thứ hai, thị trường Việt Nam không do các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc thúc đẩy mạnh như một số thị trường khác.

Thứ ba, mối liên hệ giữa bất động sản và hệ thống ngân hàng ở Việt Nam khá chặt chẽ, chính phủ có sự linh hoạt trong vấn đề giải cứu hay không cứu doanh nghiệp và thị trường. Vì vậy, cho đến lúc này, quá sớm để liên hệ giữa câu chuyện của Evergrande với các công ty tại Việt Nam.

Đánh giá về tác động lây lan của Evergrande, Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cho biết: “Tôi không nghĩ rằng cuộc khủng hoảng Evergrande và các vấn đề tài chính của các công ty bất động sản Trung Quốc nói chung sẽ ảnh hưởng ngược lại thị trường Mỹ”.

Trong chương trình “Mad Money” của CNBC hôm 20/9, MC nổi tiếng Jim Cramer khi phân tích việc giá cổ phiếu của Evergrande giảm mạnh, gây ảnh hưởng xấu tới phần còn lại của lĩnh vực bất động sản, tài chính và một số ngân hàng nước ngoài có vốn đầu tư tại quốc gia đông dân nhất thế giới cũng cho rằng cuộc khủng hoảng tại Evergrande không phải một rủi ro lớn đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế Mỹ.

Mặc dù vậy, một vài công ty nhất định có thể sẽ phải hứng chịu hệ quả, và ông bày tỏ sự lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande và khả năng lan rộng các ảnh hưởng đến thị trường tài chính là một trong những yếu tố gây nên đà giảm giá trên Phố Wall. Nếu như vụ việc này gây ra một cuộc suy thoái kinh tế tại Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ có liên hệ với Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Cramer kể ra những cái tên như Starbucks, Estee Lauder, Nike, Caterpillar, thậm chí làn sóng ảnh hưởng có thể lan tới Tesla và Apple. Tuy nhiên, ảnh hưởng này chủ yếu sẽ làm sụt giảm lợi nhuận hơn là dẫn đến đổ vỡ thị trường tài chính.

Quay trở lại với Việt Nam, sự việc Evergrande gây ảnh hưởng xấu đến Phố Wall có thể là một tin không tốt cho tâm lý nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán trong nước. Tuy nhiên, trong lộ trình mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế, tâm lý chung vẫn sẽ là theo dõi và chờ đợi, và hoạt động sản xuất cũng phải mất vài tháng để thật sự quay lại mức 50-60%.

Như vậy, theo người viết, dòng tiền chưa thể rút ra khỏi chứng khoán để đổ vào kinh tế thực một cách nhanh chóng được. Theo đó mà nói, những đợt sụt giảm chứng khoán có thể diễn ra ở quy mô của những đợt điều chỉnh, hơn là tháo chạy hoảng loạn hay sụp đổ.

Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên, Đại học Bristol, Anh

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo