Ashui.com

Monday
Apr 29th
Home Tin tức Thế giới Dấu chấm hết cho hy vọng hồi sinh Evergrande

Dấu chấm hết cho hy vọng hồi sinh Evergrande

Viết email In

Sáng hôm nay (29/1), tòa án tối cao ở Hồng Kông ra phán quyết yêu cầu Tập đoàn bất động sản China Evergrande Group thanh lý tài sản để trả nợ sau khi không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc với một nhóm chủ nợ nước ngoài. Phán quyết đặt dấu chấm hết cho hy vọng hồi sinh Evergrande, đang có tổng nợ lên đến 328 tỉ đô la Mỹ, và là tâm điểm của cuộc khủng hoảng nhà ở Trung Quốc hiện nay.


Tòa án tối cao Hồng Kông yêu cầu Evergrande thanh lý tài sản để trả nợ sau do không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc với các chủ nợ sau hơn một năm rưỡi đàm phán. (Ảnh: DW)

Tờ South China Morning Post đưa tin, khi đưa ra phán quyết trên, chánh án Linda Chan của tòa án tối cao Hồng Kông nói: “Vụ kiện này đã kéo dài hơn một năm rưỡi nhưng Evergrande vẫn chưa thể đưa ra đề xuất cụ thể để tái cấu trúc các nghĩa vụ nợ trị giá 328 tỉ đô la. Tôi nghĩ đã đến lúc tòa không thể chấp nhận được nữa”.

Theo phán quyết, các quản tài viên tạm thời sẽ được bổ nhiệm để xử lý các vấn đề của Evergrande, bao gồm đàm phán tái cấu trúc với các chủ nợ, tiếp quản tài sản, sổ sách của Evergrande.

Các chủ nợ sẽ nộp cho quản tài viên tài liệu chứng minh những khoản tiền mà Evergrande đang nợ họ. Họ cũng có thể yêu cầu các quản tài viên tổ chức những cuộc họp để cập nhật tiến độ tái cấu trúc nợ của Evergrande.

Tuy nhiên, phán quyết của tòa án tối cao Hồng Kông có thể đối mặt với thách thức về quyền tài phán xuyên biên giới vì hầu hết tài sản của Evergrande nằm ở Trung Quốc đại lục. Theo báo cáo thường niên năm 2022, Evergrande có hơn 1.200 dự án ở các giai đoạn phát triển khác nhau, từ đang xây dựng dở dang cho đến gần hoàn thành.

“Thị trường sẽ chú ý đến những gì các quản tài viên có thể làm sau khi được bổ nhiệm, đặc biệt là liệu họ có thể được sự công nhận từ bất kỳ tòa án nào trong số ba tòa án được chỉ định ở Trung Quốc theo Thỏa thuận năm 2021 về hợp tác trong các vụ việc phá sản xuyên biên giới giữa đại lục và Hồng Kông hay không. Các quản tài viên có quyền hạn thực thi rất hạn chế đối với tài sản ở Trung Quốc đại lục nếu họ không thể nhận được sự công nhận như vậy”, Lance Jiang, đối tác của Ashurst LLP, bình luận

Vụ kiện yêu cầu Evergrande thanh lý tài sản để trả nợ được khởi xướng hồi tháng 6/2022 bởi Công ty Top Shine Global, có trụ sở tại Samoa , nhằm thu hồi 862,5 triệu đô la Hồng Kông (110,4 triệu đô la Mỹ) từ khoản đầu tư thất bại vào Evergrande vào tháng 3/2021. Công ty này mua cổ phần của Fangchebao, nền tảng giao dịch bất động sản và ô tô của Evergrande trong một thỏa thuận mà theo đó, Evergrande phải mua lại số cổ phần này với mức chênh lệch 15% nếu Fangchebao không thể hoàn tất việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong một năm sau khi giao dịch. Thực tế, kế hoạch IPO đã không thể triển khai như dự kiến nhưng Evergrande không mua lại cổ phần như cam kết.

Evergrande, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, đã châm ngòi cơn suy thoái của thị trường nhà ở Trung Quốc, khi vỡ nợ vào năm 2021.

Evergrande đã đàm phán kế hoạch tái cấu trúc khoản nợ trị giá 23 tỉ đô la với một nhóm trái chủ nước ngoài trong gần hai năm qua. Kế hoạch tái cấu trúc sụp đổ vào cuối tháng 9 khi tỉ phú Hứa Gia Kiệt, người sáng lập Evergrande, bị giới chức trách ở Trung Quốc điều tra về nghi vấn chuyển nhượng tài sản ở nước ngoài.

Lệnh thanh lý tài sản hôm nay chấm dứt hy vọng hồi sinh của Evergrande sau khi tập đoàn nhiều lần thuyết phục được giới chức trách cho thêm thời gian để giải quyết vấn đề nợ nần. Hồi đầu tháng 12/2023, Evergrande được tòa án ở Hồng Kông trì hoãn lần thứ bảy về phán quyết về việc thanh lý tài sản. Ngay sau đó, một nhóm chủ nợ nước ngoài nắm giữ tổng cộng hơn 6 tỉ đô la trái phiếu đô la Mỹ của Evergrande đã tham gia đơn kiện của Top Shine Global.

Cổ phiếu của Evergrande và các công ty con niêm yết ở Hồng Kông đã bị đình chỉ giao dịch sau phán quyết trên. Tuy nhiên, phán quyết dự kiến không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Evergrande, bao gồm cả các dự án xây dựng nhà ở trong thời gian tới, vì có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm để chủ nợ nước ngoài chỉ định quản tài viên nắm quyền kiểm soát các công ty con của Evergrande trên khắp Trung Quốc đại lục, một khu vực pháp lý khác với Hồng Kông.

Chánh Tài

(KTSG Online /Theo SCMP, Reuters)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo