Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự định sẽ phân bổ 55% nguồn tài chính cho các dự án chống biến đổi khí hậu vào cuối thập niên này, tăng từ mức dưới 40% hiện nay.
“Các nước đang phát triển đang thiếu trầm trọng ngân sách để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và các thách thức toàn cầu khác”, Tomoyuki Kimura, Tổng Giám đốc bộ phận chiến lược, chính sách và quan hệ đối tác của ADB, trao đổi với Nikkei Asia.
Đại lộ Latprao ở thủ đô Bangkok của Thái Lan biến thành sông sau những cơn mưa lớn. Liên hiệp quốc ước tính đến năm 2050, khoảng 90 triệu người dân châu Á có thể phải di dời do biến đổi khí hậu. (Ảnh: Light Rocket)
Chú trọng vào thích ứng
Tình trạng nóng lên ở châu Á đang vượt xa mức trung bình toàn cầu. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nền nhiệt độ châu Á đã tăng với tốc độ gần gấp đôi trong giai đoạn 1991-2022 so với ba thập niên trước đó 1960-1990. Chỉ riêng năm 2022, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người ở châu Á, gây thiệt hại kinh tế hơn 36 tỉ đô la Mỹ.
Theo báo cáo của Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, nhu cầu tài chính cho biến đổi khí hậu sẽ đạt tổng cộng 600 tỉ đô la mỗi năm cho đến năm 2030. Một nhóm chuyên gia độc lập thuộc khối G20 đã kêu gọi ADB, Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển đa phương khác mở rộng tài trợ để chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nước phương Tây hiện còn rất ít dư địa tài chính và nguồn lực để cho các nước nghèo hơn vay.
Thông thường, ADB dành khoảng 80% nguồn lực để giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhưng tổ chức này đang chuyển mạnh nguồn vốn sang việc thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan ở châu Á.
Năm ngoái, ADB đã cho vay 9,8 tỉ đô la với các dự án chống biến đổi khí hậu. Trong số này, ADB phân bố 5,5 tỉ đô la cho các dự án giảm nhẹ biến đổi khí hậu bằng việc giảm phát thải và 4,3 tỉ đô la cho hoạt động thích ứng, tác động trực tiếp đến sinh kế của người dân.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ chú trọng hơn đối với các dự án thích ứng biến đổi khí hậu, tác động trực tiếp sinh kế người dân. (Ảnh: IRRI)
ADB thay đổi
ADB thường rất thận trọng với các khoản vay nhưng ngân hàng này dự tính là sẽ thay đổi để sử dụng vốn hiệu quả hơn. ADB có thể sẽ xem xét lại các phương thức cho vay truyền thống và dự kiến tăng số tiền tài trợ. Hiện nay, số tiền tài trợ tối đa mỗi năm là 25 tỉ đô la nhưng có thể tăng lên 35 tỉ đô.
“Trong khi duy trì xếp hạng tín dụng AAA cao nhất, chúng tôi đang nỗ lực mở rộng tài chính thông qua việc sử dụng vốn hiệu quả bằng cách đánh giá lại quản lý tổ chức và huy động vốn của khu vực tư nhân”, ông Kimura nói.
Tháng 9/2023, ADB đã đặt mục tiêu đảm bảo nguồn tài trợ mới trị giá 100 tỉ đô la trong thập niên tới. Ngân hàng sẽ dành ba năm để đánh giá lại các hoạt động tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả cho vay.
Ngoài ra, ngân hàng mong muốn giải phóng nguồn vốn mới cho các khoản vay bằng cách nhận bảo lãnh từ các nước đối tác. Khoản đảm bảo 3 tỉ đô la từ các nước đối tác sẽ tương đương với 15 tỉ đô la tài chính bổ sung.
ADB hiện đang tập trung tài trợ cho các dự án biến đổi khí hậu với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế khác và khu vực tư nhân. Theo ông Kimura, ADB có các công cụ để tham gia vào “các dự án từ thượng nguồn đến hạ nguồn”.
Chẳng hạn, trong dự án điện gió ở Uzbekistan, ADB đồng tài trợ cho trang trại gió với các đối tác bao gồm Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRB) và Ngân hàng First Abu Dhabi. Có nguồn khí đốt và than đá dồi dào, nhưng Uzbekistan phụ thuộc vào nhiệt điện để sản xuất hơn 80% lượng điện năng. Dự án nhằm mục đích giúp giảm lượng khí thải CO2.
Các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đang đói năng lượng có xu hướng dựa vào giá rẻ và nguồn cung sẵn có của nhiên liệu hóa thạch. Việc loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than thải ra CO2 sẽ là một thách thức lớn đối với châu Á.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế và xã hội châu Á và Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (ESCAP), các nhà máy điện than chiếm 45% sản lượng điện ở Đông Nam Á và 60% ở Nam Á, so với mức trung bình toàn cầu là 36%. Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam đặc biệt phụ thuộc vào than và cần có khuôn khổ hỗ trợ tài chính để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Biến đổi khí hậu và sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan gia như bão và hạn hán có liên quan chặt chẽ đến nghèo đói – hai thách thức khác mà các tổ chức cho vay đa phương phải đối mặt. Liên hiệp quốc ước tính khoảng 49 triệu người ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và 40 triệu người ở Nam Á có thể di dời do biến đổi khí hậu vào năm 2050.
Ricky Hồ
(KTSG Online /Theo Nikkei Asia, ADB, Reuters)
- Startup Úc thu giữ khí thải carbon làm vật liệu sản xuất xi măng
- Nhiều rào cản ngăn nhà đầu tư châu Á rót tiền vào các giải pháp khí hậu
- Thành phố Paris làm sạch sông Seine
- Trung Quốc thử nghiệm tàu đô thị nhiên liệu hydro đầu tiên với vận tốc 160km/h
- Công ty xây dựng lớn nhất Thái Lan rơi vào khủng hoảng thanh khoản
- Nhật Bản cho phép thương mại hóa công nghệ thu hồi và lưu trữ CO2
- IFC EDGE và Gensler đồng hành thúc đẩy công trình giảm phát thải carbon và tài chính xanh
- Anh: Thành phố Cambridge đặt mục tiêu trở thành “thung lũng Silicon” thứ hai
- Dự án cải tạo kim tự tháp gây tranh cãi
- Australia: Đích đến cường quốc năng lượng tái tạo