Dự án "Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ” được đồng tài trợ bởi một khoản viện trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 5 triệu EUR và 1 khoản vay ưu đãi do Cơ quan Phát triển Pháp cung cấp trị giá 123 triệu EUR; khoản vốn đối ứng từ Chính phủ và các tỉnh trị giá 28 triệu EUR…
Phái đoàn EU tại Việt Nam và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) vừa phối hợp với UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) tổ chức hội thảo khởi động chương trình tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, gồm Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Đây là hội thảo đầu tiên trong số 4 hội thảo sẽ được tổ chức ở 4 tỉnh thuộc khuôn khổ “Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ” (Dự án CRUIV).
Quang cảnh hội thảo.
Trọng tâm là đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực
Ông Jesús Laviña, Phó Trưởng Ban Hợp tác, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết với trọng tâm là đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực và tính bền vững lâu dài, dự án CRUIV sẽ đóng vai trò là bản lề cho các sáng kiến phát triển trong tương lai ở Việt Nam và các quốc gia khác đang đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu. AFD và EU mong muốn được tiếp tục hợp tác với chính phủ Việt Nam để xây dựng một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người.
Dự án CRUIV sẽ hỗ trợ các tiểu dự án tại 5 huyện/thị xã thuộc 4 tỉnh Bắc Trung Bộ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các tiểu dự án đang thực hiện các hoạt động đầu tư với tổng số vốn 123 triệu EUR từ khoản vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và khoảng 28 triệu EUR vốn đối ứng. Khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu EUR do Liên minh Châu Âu cung cấp, ủy quyền quản lý cho AFD, dành cho hoạt động hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện dự án và tăng cường năng lực
“Không thể phòng chống biến đổi khí hậu chỉ nhờ cơ sở hạ tầng. Sự hỗ trợ do EU cung cấp trong Dự án CRUIV được thiết kế để thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ kiến thức giữa các bên liên quan chính, hướng tới cải thiện các dịch vụ đô thị nhằm tăng cường khả năng phục hồi trước những tác động do thiên tai, liên quan đến biến đổi khí hậu mà các tỉnh này ngày càng phải hứng chịu nhiều hơn”, ông Jesús Laviña nhấn mạnh.
Ông Jesús Laviña: "Không thể phòng chống biến đổi khí hậu chỉ nhờ cơ sở hạ tầng".
"Chúng tôi tin tưởng rằng dự án sẽ không chỉ cải thiện cuộc sống của người dân ở các tỉnh này mà còn đóng vai trò là hình mẫu cho sáng kiến tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong tương lai trên toàn khu vực.” -Ông Hervé Conan, Giám đốc Quốc gia, Cơ quan Phát triển Pháp – AFD. |
Ông Hervé Conan, Giám đốc Quốc gia AFD cho hay Dự án CRUIV là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Pháp và Việt Nam. Đóng góp đáng kể của AFD qua khoản vay trị giá 123 triệu euro phản ánh cam kết vững chắc của Pháp trong việc hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Khoản tài trợ này, kết hợp với vốn đối ứng từ Việt Nam và khoản viện trợ không hoàn lại từ EU, sẽ cho phép thực hiện một cách tiếp cận toàn diện và mang tính hợp tác nhằm tăng cường khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu ở các tỉnh thụ hưởng của dự án.
Dự án hướng đến 4 mục tiêu
Tại hội thảo, đại biểu đã nghe chuyên gia giới thiệu về bối cảnh dự án CRUIV, kế hoạch tăng cường năng lực về quản lý rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu tích hợp với quy hoạch đô thị; kỹ thuật quản lý nước thải; cách triển khai các hoạt động truyền thông...Theo đó, Dự án hướng đến 4 mục tiêu cụ thể.
Thứ nhất: Tăng cường an toàn và an ninh cho người dân và giảm thiệt hại vật chất do lũ lụt gây ra thông qua một hệ thống bảo vệ và thoát nước được củng cố.
Thứ hai: Nâng cấp các tuyến đường công vụ, đặc biệt là các tuyến đường phục vụ hiệu quả công tác sơ tán, cứu hộ người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt.
Thứ ba: Tổ chức thu gom, xử lý nước thải nhằm cải thiện môi trường tại địa phương.
Thứ tư: Tăng cường năng lực của chính quyền đô thị và các cơ quan trong việc đảm bảo tính bền vững của đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý và dịch vụ, đồng thời đảm bảo phát triển đô thị có tính đến những hạn chế về xã hội và môi trường và từ đó đáp ứng yêu cầu của dân số gia tăng và mức sống ngày càng tăng.
“Chúng tôi mong đợi dự án sẽ phát triển được hệ thống xử lý chất thải rắn, tăng công suất xử lý nước và nước thải, đồng thời tăng số lượng hộ gia đình được tiếp cận mạng lưới thoát nước và cấp nước tốt hơn. Dự án cũng sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề bình đẳng giới trong các hợp phần thực hiện khác nhau. Tác động tổng thể dự kiến là nâng cao khả năng chống chịu của 5 huyện trước biến đổi khí hậu, đặc biệt là lũ lụt”, chuyên gia tư vấn dự án chia sẻ.
Cải thiện hạ tầng đô thị ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Khẳng định cam kết kiên định đảm bảo triển khai dự án thành công, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch huyện Thạch Hà cho rằng sự hỗ trợ và đồng hành của các các nhà tài trợ sẽ địa phương đạt được tầm nhìn về một huyện Thạch Hà bền vững, đáng sống, thích ứng với khí hậu và thịnh vượng.
"Tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Thạch Hà, huyện Thạch Hà được UBND tỉnh phê duyệt, tổng mức đầu tư trên 851 tỷ đồng, trong đó vốn vay của cơ quan phát triển Pháp hỗ trợ trên 648 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại của EU trên 25 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh, huyện trên 178 tỷ đồng" -ông Hà thông tin.
Đại diện thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An cho biết Tiểu dự án 3 cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Hoàng Mai được thiết kế với tổng mức đầu tư là hơn 826 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay hơn 633 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại hơn 26 tỷ đồng; vốn đối ứng của địa phương hơn 167 tỷ đồng. Gồm các hạng mục: tuyến đường tránh ngập đoạn qua xã Quỳnh Vinh, đoạn qua xã Quỳnh Trang; nâng cấp QL48E; nâng cấp đường cứu hộ nối QL1A đến Hồ Vực Mấu thuộc gói thầu XL1; tuyến đường tránh ngập đoạn Km2+140- Km7+049; tuyến kè số 2, kè chống sạt lở sông Hoàng Mai kết hợp đường cứu hộ bờ tả sông Hoàng Mai, và các gói thầu khác.
Hiện nay, UBND Thị xã đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các phòng, ngành chuyên môn phối kết hợp với các nhà đầu tư bố trí nguồn lực để triển khai hiệu quả dự án. Đồng thời yêu cầu các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các hạng mục dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sớm hoàn thành đưa vào sử dụng qua đó nhằm góp phần giảm thiểu tác động do biến động khí hậu gây ra trên địa bàn thị xã.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được theo dõi trình diễn thực địa sử dụng máy bay không người lái để thu thập dữ liệu, ứng phó lũ lụt và quản lý sử dụng đất. Đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm xây dựng các công trình đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu trên tại các nước Châu Âu.
Chu Khôi
(VnEconomy)
- Đà Nẵng sẽ hoạt động theo mô hình chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024
- Thành phố Hà Tĩnh: Xây dựng thành phố thông minh gắn với chuyển đổi số
- Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có tối thiểu 68ha công viên, 4ha mảng xanh công cộng
- Tây Ninh: Công bố quy hoạch tỉnh sẽ có 16 đô thị vào năm 2030
- Đề xuất lập Quy hoạch chung đô thị Khánh Hòa
- Cần có cơ chế, chính sách mua bán điện mặt trời áp mái trước 30/4
- Khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
- Hà Nội đầu tư cải tạo, xây mới 38 chợ trong giai đoạn 2024-2025
- Hoàn thiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ trong tháng 4