Các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang phải đối mặt với tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Do vậy, cần đưa ra được giải pháp căn cơ mang tính bền vững, đồng bộ và lâu dài cho các vùng dân cư ĐBSCL một môi trường sống ổn định và phát triển bền vững.
Sạt lở đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long (Trong ảnh: Công nhân thi công khắc phục sạt lở Quốc lộ 91 qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang hồi tháng 6/2023)
1. Mở đầu
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất thấp ven biển của Việt Nam sẽ là khu vực bị tác hại nặng nề nhất do BĐKH gây ra. Trong các tháng mùa khô, nhiều tỉnh vùng ĐBSCL bị nước biển xâm nhập mặn sâu làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, nhiều khu vực thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, còn vào mùa mưa lũ thì thường xảy ra hiện tượng sạt lở làm trôi sập nhà cửa, biến những dãy nhà, ô phố ngập trong biển nước... Trước tình hình trên, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đã đề ra các giải pháp để ứng phó và thích nghi do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Ứng phó với mực nước biển dâng và hiện tượng sạt lở, xâm nhập mặn… là một nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu về nhiều mặt: kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng... của ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung.
Các địa phương cần thực hiện công tác điều tra, nghiên cứu trên từng địa bàn bị đe dọa để chuẩn bị phương án ứng phó tốt nhất. Các nhà chuyên môn gợi ý các nhiệm vụ cần triển khai như: nâng cao nhận thức của người dân về ứng phó với BĐKH; xác định và tiến hành sớm những nội dung nghiên cứu cần thiết; Nhà nước cần chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện các đề tài khoa học cụ thể cho từng lĩnh vực, từng biểu hiện cực đoan của thiên nhiên nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể và chi tiết... để giảm nhẹ khả năng bị tổn hại do BĐKH gây ra, cần có sự điều chỉnh ở các hoạt động kinh tế, xã hội... Các hoạt động ứng phó với BĐKH phải được triển khai ngay từ bây giờ và phải được lồng ghép với kế hoạch của các ngành, lĩnh vực, địa phương...
Đồng bằng Tây Nam Bộ là vùng hạ lưu cuối cùng của lưu vực sông Mekong trước khi chảy ra biển. Đây là vùng đất thấp, được xem là vùng đất ngập nước lớn nhất của Việt Nam.
Hằng năm, từ tháng 8 đến tháng 10, vùng Đồng bằng Tây Nam Bộ bị ngập lũ từ Sông Mekong đặc biệt là các vùng Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng giữa sông Tiền và sông Hậu. Vùng đồng bằng này đã được nhiều nhà khoa học cảnh báo là một trong những nơi chịu tác động mạnh mẽ nhất của hiện tượng BĐKH và nước biển dâng đang và sẽ xảy ra.
Đồng bằng Tây Nam Bộ là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất của Đông Nam Á, thậm chí của cả thế giới. Đó là vùng sản xuất - xuất khẩu lương thực và cũng là vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam.
Đồng bằng Tây Nam Bộ đồng thời cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong bảo vệ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, từ trước đến nay việc quy hoạch - kiến trúc và xây dựng các khu dân cư tại Đồng bằng Tây Nam Bộ được thực hiện như một “thói quen”. Có lẽ cũng vì trước đây, yếu tố lũ lụt, BĐKH và nước biển dâng chưa thật rõ nét trong những hoạt động đời sống tại vùng đất đặc thù này. Hiện nay trước yếu tố BĐKH phức tạp, khó lường thì vùng Đồng bằng Tây Nam Bộ có nhiều vấn đề bức thiết cần phải quan tâm giải quyết, đó là:
- Vấn đề về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng các khu dân cư thích ứng với lũ lụt và triều biển dâng trong bối cảnh BĐKH;
- Vấn đề về đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất khi nơi đây thường xuyên bị xâm nhập mặn và ngày càng trầm trọng hơn;
- Vấn đề trong hoạt động sống, mà đặc biệt là vấn đề mưu sinh khi lũ lụt và triều biển dâng trong bối cảnh BĐKH;
- Vấn đề sống chung với lũ cũng như sống chung với “biến đổi khí hậu” của cư dân,…;
- Vấn đề sụt lún đất và sạt lỡ bờ sông, bờ biển,...gây ra những tổn thất rất lớn cho môi trường, nhà cửa và tài sản của cư dân;
- Về hạ tầng xã hội và kỹ thuật; về giáo dục và đào tạo.
Hình ảnh những căn nhà bị sập xuống dòng sông ở khu vực ĐBSCL.
2. Hướng nghiên cứu và các vấn đề về quy hoạch, kiến trúc vùng ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu
Trong bối cảnh BĐKH, nhiều diện tích của vùng Đồng bằng Tây Nam Bộ sẽ bị ngập khoảng 1m vào năm 2070. Đây là dự báo được Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đưa ra tại hội thảo:“Đánh giá quy hoạch thủy lợi vùng Đồng bằng Tây Nam Bộ trong điều kiện thích ứng với BĐKH, nước biển dâng”. Các kết quả của hội thảo đã chỉ ra: Khi nước biển dâng cao gần 1m, thì khoảng hơn 40% diện tích toàn vùng Đồng bằng Tây Nam Bộ sẽ ngập trong nước.
Sự biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng hơn, cần phải có các giải pháp toàn diện (kể cả giải pháp quy hoạch - kiến trúc các khu dân cư) để “Sống chung với lũ” và “Sống chung với biến đổi khí hậu” như cư dân ở vùng Đồng bằng này đã sống hơn 300 năm qua. Có nghĩa là mọi hoạt động sống và lao động sản xuất nơi đây có thể thích ứng được với mọi diễn biến của BĐKH.
Trong thực tế giải pháp về quy hoạch - kiến trúc các khu dân cư trong điều kiện của vùng Đồng bằng Tây Nam Bộ không phải mới. Nhưng để giải quyết được những vấn đề: “Tổ chức quy hoạch và tổ hợp kiến trúc những công trình trong các khu dân cư thích ứng với BĐKH và những điều kiện kinh tế - xã hội nhằm góp phần để Đồng bằng Tây Nam Bộ phát triển theo hướng bền vững” là những vấn đề phức tạp rất cần được nghiên cứu thấu đáo hơn trong bối cảnh BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp.
2.1 Luận giải về mục tiêu và những nội dung cần nghiên cứu
Từ trước đến nay, việc khai thác những lợi thế về phát triển kinh tế các vùng Đồng bằng Tây Nam Bộ luôn nằm trong chiến lược quốc gia. Các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho vùng Đồng bằng Tây Nam Bộ luôn nhằm tạo cho cư dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc,… Các chính sách đó được các cấp chính quyền và nhân dân thực hiện theo chiến lược biến vùng Đồng bằng này cùng với TP.HCM trở thành cực phát triển của toàn vùng Nam Bộ.
Trong chiến lược, vấn đề xây dựng và phát triển không gian sống của cư dân phù hợp những điều kiện của vùng sông nước cũng như những đặc thù về những điều kiện tự nhiên - khí hậu, kinh tế - xã hội của vùng đất này là vô cùng cần thiết (đặc biệt không gian sống - khu cư trú của người dân phải thích ứng được với biến đổi khí hậu).
“Tổ chức quy hoạch và tổ hợp kiến trúc các khu dân cư thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng Tây Nam Bộ” nhằm góp phần để Đồng bằng Tây Nam Bộ phát triển theo hướng bền vững là vấn đề rất khó khăn do những đặc thù về điều kiện tự nhiên - khí hậu cũng như sự “đỏng đảnh” của thời tiết trong vùng sông nước này.
Như vậy, ở vùng Đồng bằng Tây Nam Bộ có nhiều vấn đề bức thiết cần phải quan tâm giải quyết. Nhưng trong phạm vi bài báo, tác giả đưa một số vấn đề cốt lõi để giải quyết được một cách thấu đáo hơn về “Tổ chức quy hoạch và tổ hợp kiến trúc các khu dân cư thích ứng với BĐKH tại Đồng bằng Tây Nam Bộ” nhằm góp phần để Đồng bằng Tây Nam Bộ phát triển theo hướng bền vững.
Các đề xuất về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng các khu dân cư trong bối cảnh BĐKH:
- Đề xuất giải pháp quy hoạch, kiến trúc các khu dân cư thích ứng với BĐKH và những điều kiện kinh tế - xã hội tại địa bàn nghiên cứu. Những vấn đề trong hoạt động sống, mà đặc biệt là vấn đề mưu sinh khi lũ lụt và triều biển dâng trong bối cảnh BĐKH;
- Đề xuất giải pháp quy hoạch - kiến trúc các khu dân cư nhưng nhất thiết phải đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất cho cư dân;
Những khó khăn và thuận lợi trong quá trình hoạt động sống cũng như sản xuất của người dân. Do tính chất “đỏng đảnh” của thời tiết và các nguyên nhân gây ra sụt lở bờ sông, bờ biển,...nơi tập trung các khu dân cư truyền thống của cư dân vùng Đồng bằng này.
Các đề xuất của tác giả với mong muốn giải quyết được những mô hình dành cho các khu dân cư thích ứng BĐKH và thích ứng với những điều kiện kinh tế - xã hội trong tiến trình phát triển tại các vùng đặc thù:
- Mô hình dành cho các khu dân cư gắn liền với hệ thống kênh rạch góp phần hạn chế lũ lụt, không ảnh hưởng đến điều kiện sản xuất, điều tiết thoát nước sông ngòi chống ngập úng cục bộ,...
- Mô hình dành cho các khu dân cư gắn liền với hệ thống tích nước ngọt để đảm bảo đời sống và sản xuất khi bị tác động của xâm nhập mặn hay trong mùa hạn hán.
- Mô hình dành cho các khu dân cư tại các vùng hay bị ngập sâu khi lũ lụt, triều cường hay nước biển dâng do hệ quả của BĐKH,....
- Mô hình dành cho các khu dân cư gắn với sông, biển và kênh rạch tại những nơi có nguy cơ hay “khả năng” sạt lở;
Như vậy, những giải pháp về mô hình tổ chức quy hoạch và tổ hợp không gian kiến trúc của những thể loại công trình trong các khu dân cư trên vùng Đồng bằng Tây Nam Bộ có thể áp dụng trên toàn vùng, nhằm góp phần để đồng bằng châu thổ đặc thù và đầy tiềm năng này sẽ phát triển theo hướng bền vững.
Hiện trường vụ sạt lở sáng 22/4/2019 (ở An Giang). (Ảnh: Minh Anh)
2.2 Nội dung nghiên cứu khoa học và triển khai thực nghiệm
Nội dung 1: Tìm hiểu kinh nghiệm quy hoạch - kiến trúc các khu dân cư thích ứng với BĐKH và những điều kiện kinh tế - xã hội nhằm góp phần để Đồng bằng Tây Nam Bộ phát triển theo hướng bền vững.
- Tìm hiểu kinh nghiệm về tổ chức quy hoạch và tổ hợp không gian kiến trúc các khu dân cư thích ứng với BĐKH và thích ứng với những điều kiện kinh tế - xã hội;
- Phân tích, nhận xét và đánh giá kinh nghiệm về tổ chức quy hoạch và tổ hợp không gian kiến trúc các khu dân cư thích ứng với BĐKH và thích ứng với những điều kiện kinh tế - xã hội;
- Xác định những vấn đề còn tồn tại về tổ chức quy hoạch và tổ hợp không gian kiến trúc các khu dân cư thích ứng với BĐKH và thích ứng với những yếu tố kinh tế - xã hội;
- Xác định nhiệm vụ nghiên cứu.
Nội dung 2: Xây dựng cơ sở khoa học, phân tích những cơ sở khoa học và xác định những nguyên tắc cơ bản đề làm tiền để cho việc đề xuất một số giải pháp tổ chức quy hoạch và tổ hợp không gian kiến trúc các khu dân cư thích ứng với BĐKH và thích ứng với những điều kiện kinh tế - xã hội nhằm góp phần để Đồng bằng Tây Nam Bộ phát triển theo hướng bền vững.
Nội dung 3: Giải pháp quy hoạch - kiến trúc các khu dân cư thích ứng với BĐKH và những điều kiện kinh tế - xã hội nhằm góp phần để Đồng bằng Tây Nam Bộ phát triển theo hướng bền vững.
- Đề xuất giải pháp tổ chức quy hoạch các khu dân cư thích ứng với BĐKH và thích ứng với những điều kiện kinh tế - xã hội nhằm góp phần để Đồng bằng Tây Nam Bộ phát triển theo hướng bền vững;
- Đề xuất giải pháp tổ hợp không gian kiến trúc các khu dân cư thích ứng với biến đổi khí hậu và thích ứng với những điều kiện kinh tế - xã hội nhằm góp phần để Đồng bằng Tây Nam Bộ phát triển theo hướng bền vững;
- Đề xuất giải pháp tổ hợp không gian kiến trúc một số công trình dân sinh cơ bản (Ví dụ như nhà ở, trạm y tế, các cơ sở giáo dục) phù hợp với những mô hình dành cho các khu dân cư khác nhau , tại một số vị trí mang tính đại diện, có địa hình và bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khác nhau.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Tác động đến xã hội - kinh tế và môi trường (đóng góp cho việc hoạch định và thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật hoặc có tác động làm chuyển biến nhận thức của xã hội) và tác động đối với ngành, lĩnh vực KH (đóng góp mới, mở ra hướng nghiên cứu mới thông qua các công trình công bố ở trong và ngoài nước):
- Kết quả nghiên cứu của bài báo có thể là tư liệu tham khảo cho các cơ quan chuyên ngành quy hoạch - kiến trúc và những đơn vị quản lý xây dựng từ Trung ương đến địa phương của các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng Tây Nam Bộ cũng như ở các vùng có điều kiện tự nhiên - khí hậu và những yếu tố kinh tế - xã hội tương tự.
- Là tư liệu tham khảo cho các cơ quan chuyên ngành quy hoạch - kiến trúc và những đơn vị quản lý hoạch định chính sách di dân, bố trí định cư, điều chuyển và phát triển dân cư thuộc vùng Đồng bằng Tây Nam Bộ.
- Làm cơ sở cho việc xây dựng tiêu chuẩn quy hoạch và kiến trúc các khu dân cư thích ứng với BĐKH và thích ứng với những điều kiện kinh tế - xã hội nhằm góp phần để Đồng bằng Tây Nam Bộ phát triển theo hướng bền vững.
3.2. Tác động đối với lĩnh vực có liên quan
- Kết quả nghiên cứu của bài báo là tư liệu làm cơ sở cho chiến lược phát triển nông thôn và kinh tế nông nghiệp tại vùng Đồng bằng Tây Nam Bộ. Là tư liệu làm cơ sở cho chiến lược phát triển thủy nông tại một số vùng thuộc Đồng bằng Tây Nam Bộ. Đồng thời là tư liệu giúp cho việc hoạch định chính sách về đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ đời sống và sản xuất khi bị tác động của xâm nhập mặn hay trong mùa hạn hán.
- Kết quả nghiên cứu của bài báo cũng có thể góp thêm tư liệu làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách về sử dụng các loại cấu kiện xây dựng đúc sẵn với trọng lượng nhẹ và chất lượng cao, dễ lắp ghép, thảo dỡ và di chuyển.
Điều đó, có thể huy động được mọi lực lượng tại chỗ tham gia vào tất cả các quá trình xây dựng, tháo dỡ, di chuyển, trong điều kiện thiên nhiên bất thường. Điều này có nghĩa cần nghiên cứu tính “cơ động” của những thể loại công trình trong các khu dân cư tại những nơi có nguy cơ hay “khả năng” sụt lở...
3.3. Tác động đối với tổ chức chủ trì và các cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu
- Kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu sẽ góp phần cung cấp những biện pháp và giải pháp cụ thể mang tính khoa học, thông minh, đáp ứng cho các cơ quan quản lý trong thời đại CN 4.0, thực hiện đồng bộ, nhanh, hiệu quả, kinh tế và thiết thực.
- Kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu sẽ cung cấp các số liệu, dữ liệu giúp cơ quan quản lý có căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển các khu dân cư thích ứng với BĐKH và thích ứng với những điều kiện kinh tế - xã hội nhằm góp phần để Đồng bằng Tây Nam Bộ phát triển theo hướng bền vững.
- Các đơn vị quản lý và tư vấn có thêm gợi ý để lựa chọn phương án quy hoạch và kiến trúc các khu dân cư thích ứng với BĐKH và thích ứng với những điều kiện kinh tế - xã hội nhằm góp phần để Đồng bằng Tây Nam Bộ phát triển theo hướng bền vững.
4. Kết luận
Giải pháp quy hoạch - kiến trúc các khu dân cư thích ứng với BĐKH tại Đồng bằng Tây Nam Bộ là giải pháp phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, sạt lở, ngập, nước lợ, nước mặn; có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do BĐKH và phát triển thượng nguồn sông Mekong; xác định BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội; lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực.
TS.KTS Lê Kim Thư - Học viện Kỹ thuật quân sự
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Biến đổi khí hậu ở Việt Nam và các giải pháp ứng phó- ICEM (Hội thảo Khoa học)
2. Lịch sử kiến trúc Việt Nam (Ngô Huy Quỳnh)
3. Kiến trúc nhà ở miền Tây Nam Bộ thể hiện bản sắc riêng của Vùng sông nước.
(Tạp chí Xây dựng)
- 10 nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển đô thị
- Tìm chiến lược sống cho đô thị núi
- Hạ tầng cảnh quan - giải pháp phát triển hạ tầng nông thôn bền vững
- Ninh Bình: Định hướng phát triển không gian đô thị lấy Di sản Tràng An là trung tâm
- Phát triển đô thị bền vững ứng phó biến đổi khí hậu
- Hoàn thiện Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội: Bảo đảm yêu cầu chất lượng
- Thành phố Hồ Chí Minh: Phấn đấu thành đô thị toàn cầu
- Quy hoạch không gian biển quốc gia mang tầm nhìn chiến lược
- Quản lý hệ thống không gian xanh trên địa bàn TP Hà Nội