Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Người có thu nhập thấp ở đô thị: Khó có nhà để ở

Người có thu nhập thấp ở đô thị: Khó có nhà để ở

Viết email In

Với tình hình như hiện nay thì rất nhiều người dân đô thị không thể mua nổi căn hộ để ở!” - Tiến sĩ Nguyễn Đình Dương, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, nói tại hội thảo về nhà ở xã hội cho sinh viên, công nhân và người thu nhập thấp do Hội Xây dựng Hà Nội tổ chức hôm qua 28-8.

  • Ảnh bên : Nhiều công nhân tại Hà Nội sống trong những căn nhà trọ tạm bợ (Ảnh: TRỌNG PHÚ)

Chưa đáp ứng nhu cầu

Theo phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đỗ Quốc Tuấn, Hà Nội hiện có 16 khu công nghiệp, 39 khu cụm công nghiệp và hầu hết chưa có nhà ở cho công nhân thuê. Thống kê mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy chỉ có 30% số cán bộ, công nhân viên được phân phối nhà ở, tỉ lệ gia đình trẻ chưa có nhà ở còn rất lớn.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, Hà Nội hiện có 800.000 sinh viên nhưng hệ thống ký túc xá tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn có quy mô rất nhỏ, chỉ có khả năng đáp ứng 15-20% nhu cầu. Để phấn đấu đến năm 2015 có 60% số sinh viên được ở ký túc xá và 50% tổng số công nhân, 5% số người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị có nhà ở thì cần tổng mức đầu tư khoảng 43.470 tỉ đồng.

Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Anh - giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết quá trình triển khai xây dựng nhà ở cho sinh viên, công nhân khu công nghiệp thuê và nhà ở cho cán bộ, công nhân viên, người thu nhập thấp đang phát sinh một số vấn đề bất cập như cơ chế chính sách để phát triển quỹ nhà, các chế tài nhằm giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn thu hồi vốn cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, vấn đề quản lý khai thác vận hành, tổ chức hoạt động các sinh hoạt văn hóa thể thao của sinh viên, công nhân, sự phối hợp của nhà trường, chủ doanh nghiệp sử dụng lao động với đơn vị quản lý nhà... vẫn chưa thống nhất nên việc triển khai các dự án nhà ở vẫn trong tình trạng phát triển chậm chạp, chưa được như yêu cầu đề ra. Năm 2009, Hà Nội mới khởi công xây dựng 800 căn hộ nhà ở xã hội tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên và dự kiến xây dựng nhà ở cho sinh viên tại khu đô thị mới Pháp Vân, Tứ Hiệp với diện tích 4,27ha, khu đô thị Mỹ Đình II với diện tích 1,7ha.

Ông Đỗ Xuân Anh cũng thừa nhận kết quả phát triển nhà ở cho cán bộ công nhân viên, người thu nhập thấp vẫn chỉ dừng ở các mô hình thí điểm, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của các đối tượng lao động trẻ, vợ chồng trẻ.

Căn hộ nhỏ không phải là “ổ chuột trên cao”

Nhiều người cho rằng xây dựng những căn hộ diện tích nhỏ ở chung cư sẽ tạo thành những “khu ổ chuột trên cao” là hoàn toàn không đúng, bởi “ổ chuột” hay không là do các yếu tố chất lượng thiết kế, xây dựng, vật liệu, chất lượng quản lý khu chung cư và sự tuân thủ quy định của người sử dụng căn hộ, chứ không phải diện tích căn hộ quyết định”- tiến sĩ Nguyễn Đình Dương nói. 

25-30 năm không tiêu dùng mới mua được nhà

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, thu nhập bình quân của người dân Hà Nội hiện là 10-15 triệu đồng/năm. Trong khi đó, giá nhà ở trung bình thấp nhất hiện khoảng 300-400 triệu đồng/căn với diện tích khoảng 6-8 triệu đồng/m2. Tiến sĩ Nguyễn Đình Dương phân tích: “Như vậy, nhà ở tại Hà Nội có giá bình quân gấp khoảng 25-30 lần thu nhập/người/năm. Có nghĩa là một người làm việc ở Hà Nội phải 25-30 năm mới mua được một căn hộ để ở với điều kiện không tiêu dùng!”.

Do vậy, theo tiến sĩ Dương, cần có sự thống nhất trong nhận thức về quan niệm, mô hình và cách giải quyết vấn đề nhà ở xã hội. Theo đó, người có nhu cầu về nhà ở cần điều chỉnh dần nhận thức phải được sở hữu nhà là lối ra duy nhất. Nghĩa là còn các hình thức thuê, thuê mua...

Ông Dương cũng cho rằng muốn có căn hộ giá thấp thì cần thỏa mãn các điều kiện: nhà diện tích nhỏ, giá thành xây dựng thấp, được hưởng lãi suất tín dụng ưu đãi. Theo đó, ông ủng hộ quan điểm xây dựng căn hộ dưới 30m2 cho người thu nhập thấp.

Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và bất động sản Nguyễn Trọng Ninh đưa ra nhóm giải pháp dành cho các đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở. Theo đó, việc phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp thuê nên thực hiện theo nguyên tắc kết hợp: Nhà nước trực tiếp đầu tư để cho công nhân thuê hoặc Nhà nước đầu tư từ ngân sách để tạo quỹ đất sạch rồi kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà ở.

Ðối với đối tượng thu nhập thấp là cán bộ, công nhân viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì Nhà nước trực tiếp đầu tư hoặc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội để thuê hoặc mua. Riêng với đối tượng sinh viên, Nhà nước cần ban hành cơ chế khuyến khích các trường đại học, cao đẳng (ngoài các thành phần công lập) và các thành phần kinh tế tham gia xây nhà ở cho sinh viên thuê.

ĐỖ HỮU LỰC

[ Chuyên đề : Nhà ở xã hội

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo