Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Luật có giúp giảm lãng phí năng lượng?

Luật có giúp giảm lãng phí năng lượng?

Viết email In

Dù đang là nước xuất khẩu dầu thô và than, nhưng sự mất cân đối giữa cung và cầu năng lượng trong nước sẽ xuất hiện trong giai đoạn 2010-2020. Có thể khẳng định, Việt Nam là nước không giàu về nguồn tài nguyên năng lượng, nhưng sử dụng thì lãng phí hàng đầu ở khu vực.

Chính vì vậy, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dự kiến được Quốc hội thông qua trong kỳ họp sắp tới, được kỳ vọng sẽ giúp khắc phục dần tình trạng này.

Theo ước tính của Bộ Công Thương, với đà khai thác như hiện nay thì đến cuối thế kỷ này, các nguồn năng lượng của Việt Nam sẽ trở thành khan hiếm, trong đó các mỏ dầu và khí đốt sẽ dần cạn kiệt chỉ trong vài chục năm tới. Dự báo trên có thể đến chậm hơn nếu vấn đề hiệu quả sử dụng năng lượng sớm được cải thiện.

  • Ảnh bên : Đèn bật sáng vào ban ngày gây lãnh phí năng lượng (Ảnh: Lê Toàn)

Tất cả cùng lãng phí

Tình trạng sử dụng năng lượng lãng phí diễn ra ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, từ công nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ đến dân dụng, chiếu sáng công cộng và các công sở.

Trong lĩnh vực công nghiệp, số liệu tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, mức tiêu thụ năng lượng của Việt Nam cao gấp 1,5-1,7 lần so với Thái Lan và Malaysia, nghĩa là cùng một giá sản phẩm làm ra như nhau, các doanh nghiệp Việt Nam phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5-1,7 lần.

Cụ thể hơn, hiệu suất trung bình của lò hơi công nghiệp Việt Nam thấp hơn trung bình của thế giới khoảng 20%; năng lượng cần thiết để sản xuất một tấn thép từ quặng sắt cao hơn ba lần so với các nước công nghiệp phát triển; còn sản xuất từ thép phế liệu cũng gấp gần 1,5 lần.

Tính chung, tiềm năng tiết kiệm bình quân trong ngành công nghiệp đến hơn 20%. Mức độ lãng phí trong ngành giao thông vận tải, xây dựng dân dụng còn nặng nề hơn, nên nếu thực hành tiết kiệm tốt, có thể giảm trên 30% mức sử dụng năng lượng.

Việc sử dụng quá mức không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và tăng nguy cơ mất an ninh năng lượng, mà còn gây ra những tác động xấu đến môi trường. Ở nhiều nước trên thế giới, vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm đã được quy định thành luật và có hiệu lực pháp lý cao.

Còn tại Việt Nam, dù đã có một nghị định của Chính phủ điều chỉnh vấn đề này từ năm 2003, nhưng nội dung của nó chủ yếu chỉ mang tính khuyến khích, chưa có chế tài đủ mạnh và chính sách hỗ trợ thích hợp để thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả.

Chính vì vậy, hành lang pháp lý đã không ngăn ngừa được tình trạng nhập khẩu, sản xuất những thiết bị, sản phẩm rẻ tiền nhưng có mức tiêu tốn năng lượng lớn. Điều này, cộng với chính sách giá bán điện mang tính chất cào bằng, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thói quen sử dụng năng lượng lãng phí.

  • Ảnh bên : Người dân tham quan sản phẩm tiết kiệm năng lượng tại một triễn lãm ở TPHCM (Ảnh: T. Vân / báo Đất Việt)

Kỳ vọng gì ở luật?

Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có phạm vi điều chỉnh rộng, bao quát hầu như mọi lĩnh vực, từ công nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải tới xây dựng dân dụng và cơ quan công cộng, ngoại trừ lĩnh vực sản xuất năng lượng, như khai thác than, sản xuất điện năng… được tách ra và chịu điều chỉnh theo các luật chuyên ngành.

Điểm đặc biệt của dự thảo luật là bắt buộc tất cả các cơ sở sử dụng năng lượng phải thực hiện chế độ kiểm toán năng lượng. Đây là nội dung cần thiết, giúp người sử dụng phát hiện ra những bất cập để từ đó có giải pháp khắc phục. Đơn vị sử dụng năng lượng cũng phải áp dụng chế độ báo cáo, thống kê tình hình tiêu thụ để phục vụ cho công tác kiểm toán.

Bên cạnh đó, dự luật cũng không dừng lại ở việc khuyến khích tiết kiệm, mà đưa ra những biện pháp kiểm soát mang tính bắt buộc thông qua việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đối với các loại phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu, và quy định loại bỏ những loại thiết bị, phương tiện có mức tiêu thụ năng lượng cao.

Bộ Khoa học - Công nghệ và các bộ quản lý chuyên ngành được giao nhiệm vụ xây dựng và ban hành các loại tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia.

Riêng trong lĩnh vực xây dựng, dự luật buộc các tổ chức tư vấn, thiết kế và chủ sở hữu công trình phải áp dụng các giải pháp quy hoạch, thiết kế kiến trúc phù hợp nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng và phải tuân thủ các quy định của “Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”; sử dụng các loại vật liệu cách nhiệt tốt và trang thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng thấp theo tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài tương đương.

  • Ảnh bên : Mọi thứ đồ trong ngôi nhà của bạn cần được cân nhắc trong sử dụng để tiết kiệm tối đa năng lượng (Ảnh: digeniehost.co.uk)

Nhà nước cũng sẽ tiến hành dán nhãn năng lượng và nhãn tiết kiệm năng lượng đối với các sản phẩm theo lộ trình từ tự nguyện tới bắt buộc.

Riêng với những cơ sở sản xuất công nghiệp, vận tải và công trình xây dựng lớn, có mức tiêu thụ một năm tương đương từ 1.000 tấn dầu trở lên hoặc diện tích sàn từ 2.500 mét vuông trở lên, sẽ áp dụng biện pháp quản lý và công nghệ bắt buộc nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Dự luật còn quy định các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, bao gồm: miễn, giảm thuế nhập khẩu, hỗ trợ kinh phí, các ưu đãi về đất đai và thuế thu nhập doanh nghiệp… Cùng với sự hỗ trợ, dự luật còn đưa ra các biện pháp chế tài, từ xử phạt hành chính cho tới truy tố trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, dự luật cũng còn một số vấn đề cần bổ sung. Ông Trần Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, cho rằng cần đưa vào luật quy định về định mức tiêu hao nhiên liệu đối với phương tiện vận tải và không cho phép đưa những phương tiện không đạt tiêu chuẩn vào lưu hành.

Đồng thời, dự luật chưa đưa ra được cơ chế quản lý đặc biệt đối với những cơ sở hiện có suất tiêu hao năng lượng lớn, chẳng hạn như ngành thép, sản xuất nước đá, chế biến thực phẩm… Có thể mức tiêu thụ năng lượng của đa số sơ sở sản xuất trong những ngành này chưa đạt ngưỡng 1.000 tấn dầu quy đổi/năm, nhưng hậu quả của nhóm này gây ra thì không nhỏ.

Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách cũng khiến cho nhiều người băn khoăn. Tiến sĩ Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM, cho biết việc áp dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hiện nay rất khó khăn mà một trong những nguyên nhân là việc hướng dẫn thi hành các quy định của Chính phủ không kịp thời và chưa rõ ràng.

Ngoài ra, tình trạng sử dụng năng lượng kém hiệu quả của Việt Nam không chỉ do trang thiết bị, công nghệ lạc hậu và ý thức của người sử dụng kém, mà còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Chẳng hạn như với hệ thống đường bộ thiếu và xuống cấp nặng nề như hiện nay, dù có phương tiện vận tải đạt hiệu quả năng lượng cao đến đâu, mức tiêu hao nhiên liệu sẽ vẫn rất lớn.

Tóm lại, muốn giải quyết triệt để tình trạng lãng phí năng lượng, không thể không tính tới việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, như mạng lưới đường sá, hệ thống truyền tải và phân phối điện… Đây là lĩnh vực mà dự luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa đề cập đến.

Đức Hoàng 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo