Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Ấn tượng triển lãm "Người trong thành phố"

Ấn tượng triển lãm "Người trong thành phố"

Viết email In

Với 12 bức tranh sơn dầu và hai tác phẩm tượng, “Người trong thành phố” là cách tái hiện cuộc sống theo cách riêng của họa sỹ Phạm Ngọc Dương. Triển lãm đã được khai mạc vào 18h tối 8/1 tại Viện Goeth, 56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

  • Ảnh bên : Họa sỹ Phạm Ngọc Dương (thứ 2 từ trái sang)
Cuộc sống càng phát triển, con người ngày càng phải đối mặt và chịu nhiều áp lực. Xuất phát từ ý tưởng đó, Phạm Ngọc Dương đã mang đến cho người xem một cái nhìn đời  khá thú vị qua lăng kính của nghệ thuật. Tất cả sự ồn ào, náo nhiệt với những gấp gáp và lo toan đời thường đều được tái hiện một cách sinh động qua các tác phẩm. Tuy nhiên, những con người trong các bức tranh này đều là những hình khối, nhăn nhúm, dúm dó... Trên khuôn mặt của họ đều ẩn giấu và chứa đựng  những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.

Đó là hình ảnh em bé và hoa với cặp mắt ngây thơ nhìn thẳng vào đời, là hình ảnh cụ già hai tay bó gối, đặc biệt là đôi mắt nhìn xuống nhăn nhúm mang một nỗi buồn khó lý giải... Các trạng thái của con người cũng được thể hiện một cách  khá rõ nét: “yêu nhau”, "thiếu nữ ngủ”...Điều đáng nói là chúng  không còn  là những trạng thái đơn thuần của con người bình thường mà đều phảng phất một sự u uẩn, đè nén đến ngột ngạt.

Ấn tượng và thu hút được người xem nhất, có lẽ phải kể đến hai bức tranh tượng: “Lớp học phổ thông” và “người máy”. Hình ảnh người máy khổng lồ được làm dựa trên những chất liệu hết sức đời thường: đó là quần áo, giày dép... nhưng lại tạo nên một tác phẩm nghệ thuật có sức lay động mạnh đến tâm lý người xem. Một người máy được nhào nặn và là sản phẩm của xã hội. Phải chăng con người chúng ta cũng đang dần biến mình thành những cỗ máy của cuộc sống?
  • Ảnh bên : Tranh tượng “Lớp học phổ thông”
Hay đến với lớp học phổ thông, 30 em học sinh bỗng nhiên trở nên sinh động đối với người xem. Áp lực của cuộc sống hiện đại cuốn lấy tất cả mọi lứa tuổi, lấy đi cả những nét hồn nhiên trong sáng của lứa tuổi trăng non. Gương mặt các em cũng méo mó đến tội nghiệp.

Tất cả  dường như đang oằn mình lên kêu cứu? Đó phải  chăng là những mặt trái mà cuộc sống hiện đại mang lại cho chúng ta.

Mang rất nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, chính vì thế “Người trong thành phố” thu hút khá đông người xem ngay từ lúc khai mạc. Điều đặc biệt, triển lãm không chỉ nhận được sự quan tâm của giới nghệ sỹ mà còn của tất cả những người yêu cái đẹp. Bác Dương Huy Phước - 70 tuổi có mặt ở đây từ rất sớm. Theo dõi các tác phẩm một cách khá say sưa, bác tâm sự: "Có một cái gì đó rất triết lý, một sự chiêm nghiệm thú vị về cuộc sống. Tôi chưa hiểu nhiều lắm về giá trị của các tác phẩm này song tôi thật sự ấn tượng”.

Phạm Ngọc Dương còn khá trẻ đã từng có thời gian sống và làm việc ở nước ngoài nên cách nhìn đời, nhìn người của anh khá tinh tế và mới lạ. Cuộc triển lãm nghệ thuật hôm nay là cả một quá trình lao động và sáng tạo không mệt mỏi của người họa sỹ này. Tâm sự với người xem, chất say nghề và đam mê nghề như muốn truyền cho cả người đối diện: “Bức tranh về cuộc sống hiện đại với tôi là hình ảnh các thế hệ khác nhau được sinh ra và lớn lên trong khó khăn, chịu nhiều áp lực. Những áp lực đến từ xã hội đang phát triển, với sự thiếu hụt về tinh thần, vật chất và cả những di chứng của cuộc chiến tranh... Chúng vô hình nhưng vẫn thể hiện rất rõ trên khuôn mặt mọi người...Vì vậy tôi muốn tưởng tượng ra trạng thái con người đang bị áp bức.”

Đó cũng chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến với người xem- những con người của cuộc sống hiện đại hôm nay? Tất cả chúng ta phải chăng cũng đang tự biến mình thành những người máy trước những guồng quay của cuộc sống?

Triển lãm “Người trong thành phố” kéo dài đến hết ngày 18/01/2010.

Một số hình ảnh tại buổi triển lãm:

 

Hà Trang - Hương Trà
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 2105 khách Trực tuyến

Quảng cáo