Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Cộng đồng Sinh viên Giải thưởng Loa Thành 2009

Giải thưởng Loa Thành 2009

Viết email In

Giải thưởng Loa Thành dành do đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên các trường thuộc khối Kiến trúc - Xây dựng do 5 cơ quan gồm Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư VN, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Xây Dựng đồng dưới sự bảo trợ của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN đã được tổ chức 20 năm và phần nào được coi là có tác dụng khuyến khích nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành Kiến trúc – Xây dựng.

Giải thưởng Loa Thành năm 2009 (lần thứ 21) có 14 trường tham gia xét chọn với 123 đồ án. Lĩnh vực Kiến trúc & Quy hoach có 40 đồ án là lĩnh vực có truyền thống, năm nào cũng có nhiều đồ án dự thi nhất, tiếp theo là chuyên ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp – 38; Công trình thuỷ – 17; Kỹ thuật hạ tâng & Môi trường Đô thị – 16 và Công trình giao thông – 12 đồ án.


Các sinh viên đoạt giải Loa Thành 2009 trong Lễ trao giải tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh: Bích Vượng)

Các Hội đồng chuyên ngành đã khẩn trương làm việc trong đầu tháng 11/2009 và đã có kết quả trình lên Hội đồng giải thưởng.
   
Kết quả thảo luận ở các Hội đồng chuyên ngành cũng như Hội đồng giải thưởng  đã đi đến các nhận xét sau đây (cũng là các điểm lưu ý các trường về cuộc thi):

1 - Năm nay trong số đồ án dự thi đã có khoảng 14% đồ án được đánh giá là các đồ án tiêu biểu, xuất sắc, đáp ứng các tiêu chuẩn của cuộc thi. Các đồ án này đã thể hiện đầy đủ, hoàn hảo Tiêu chuẩn thứ nhất là tính tổng hợp và hệ thống kiến thức của một kiến trúc sư / kỹ sư, phù hợp với mục tiêu đào tạo chuyên ngành; và Tiêu chuẩn thứ hai là khả năng ứng dụng các tiến bộ KHKT hiện đại và có nhiều sáng tạo, táo bạo gắn với việc giải quyết tốt dây chuyền công năng và kỹ thuật. Đây là hai Tiêu chuẩn quan trọng mà các đồ án dự thi phải đạt được điểm cao thì mới đoạt giải. Nhiều tác giả đồ án được đánh giá là có khả năng tự học khá tốt để trong thời gian 14-16 tuần đã mở rộng được kiến thức lý thuyết và bám sát được các đòi hỏi sinh động từ thực tiễn làm cho đồ án có được tính thuyết phục cao đối với Hội đồng bảo vệ cũng như Hội đồng chuyên ngành.

2 - Mặc dù trong Quy chế và trong các Thông báo số 1, 2 và 3 về cuộc thi, Hội đồng giải thưởng, Ban tổ chức đã lưu ý các trường cần chọn đồ án dự thi chặt chẽ và đúng quy chế. Nhưng các năm gần đây việc vi phạm các quy định vần còn xảy ra ở một vài trường. Trước hết là vi phạm về tỷ lệ đồ án dự thi trên tổng số sinh viên tốt nghiệp, thứ đến không chỉ một trường đã gửi đồ án là các công trình nghiên cứu khoa học về một đề tài cụ thể (có trường còn gửi cả các đồ án mà thực chất chỉ là các Báo cáo thực tập tốt nghiệp).

3 - Đã có một vài trường gửi đồ án về các đề tài quen thuộc từ những năm trước, trong đó có một số đề tài đã đoạt giải mà trong đồ án dự thi năm nay lại không có gì mới, nhất là ở Tiêu chuẩn thứ hai (sáng tạo, độc đáo) nên các Hội đồng chuyên ngành đã không xếp giải. Vì vậy đề nghị các trường không gửi dự thi các đồ án về các đề tài cũ đã gặp ở các năm trước, mặc dù có thể tại các Hội đồng bảo vệ tốt nghiệp các đồ án đó đạt điểm cao.


Đồ án "Nhóm nhà ở cao tầng thương mại văn phòng Nguyễn Công Trứ - Hà Nội" của Lê Thành Luân - ĐH Xây dựng Hà Nội

4 - Về độ “lỡ nhịp” giữa các trường với thực tế sản xuất & nghiên cứu trong lĩnh vực kiến trúc-xây dựng có thể nêu lên các nhận xét sau:

a) Không chỉ một lần Ban Tổ chức giải đã khuyến cáo các Thầy Cô việc cập nhật các Quy phạm & Tiêu chuẩn mới cho sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng trong việc chuẩn bị hành trang kiến thức cho các tân KTS-KS để bước vào đời. Tuy nhiên năm nay vẫn còn các đồ án dự thi đã sử dụng các Quy phạm & Tiêu chuẩn của những năm 60-70.

b) Về lĩnh vực công trình: hầu hết cả Thầy cả Trò đều ham thích thực hiện các đồ án về  các công trình cao tầng. Nhưng rất tiếc công nghệ thiết kế và thi công trong các đồ án đó đã không có nhiều đổi mới. Mặc dù hiện nay có thể nói đang là thời kỳ đô thị hoá ồ ạt, đòi hỏi phải xây rất nhanh, rất nhiều nhà ở và các loại công trình khác trong các đô thị mới. Nhiều công nghệ mới đã ra đời để đáp ứng tốc độ phát triển đó. Tuy nhiên cho đến tận bây giờ theo đề xuất trong các đồ án dự thi, những toà cao ốc đó vẫn mọc lên bằng cách “cặm cụi nối vô số sợi thép” với nhau rồi đổ bê tông thành các cột khung nhà và xây dựng tường bằng cách “phết vữa” lên từng viên gạch. Trên thực tế các công nghệ về bê tông lỗ rỗng, xi măng lưới thép, bê tông đúc sẵn, kết cấu thép hình v.v… đang là các công nghệ xây dựng mà nhiều nước có cùng một hoàn cảnh khủng hoảng thiếu nhà ở, văn phòng tại các đô thị lớn như nước ta (các nước Châu Phi, Mỹ La tinh , Israel , Thái Lan v.v…) đã dùng gần nửa thế kỷ qua. Đã có chuyên gia nước ngoài nhận xét là “hình như các nhà đầu tư Việt nam đều là tỷ phú cả về thời gian lẫn tiền bạc (vì thời gian thi công càng kéo dài, lãi suất vốn vay ngân hàng càng lớn , còn công nghệ mới giúp thi công nhanh hơn, quay vòng vốn nhanh hơn, vì thế giá công trình sẽ rẻ hơn)”.

c) Về lĩnh vực quy hoạch các khu đô thị : Thầy &Trò trong các đồ án của mình vẫn không thoát khỏi mục tiêu là xây dựng các Tiểu khu nhà ở đơn chức năng, trong khi đó trên thế giới cũng như chính sự tự phát gần đây của cộng đồng dân cư ở các Tiểu khu đó đã hướng đến “phố hoá” các khu đô thị ngày càng nhiều.

d) Đối với các công trình kiến trúc thì còn nhiều đồ án thiên về tạo hình, chạy theo ngôn ngữ biểu đạt của hình khối, giải pháp kỹ thuật cao mà rất ít đồ án có cách tiếp cận nội dung đề tài mang tính nhân văn sâu sắc.  


Đồ án "Trung tâm triển lãm mỹ thuật đương đại Thủ Thiêm" của Nguyễn Phương Thảo - ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh
   
5 - Cũng còn các đồ án có nhiều sai sót không những về kiến thức cơ bản , mà còn cả sai sót về sử dụng số liệu, về việc đưa các kết quả tính toán không khớp với công trình đang nghiên cứu . Đây có phải chỉ là do tác phong làm việc thiếu nghiêm túc hay chính là một cách làm đang là “phổ biến” trong các trường hiện nay, đó là sự sao chép các đồ án đã có của sinh viên và sự dễ dãi của các Thầy Cô hướng dẫn.

6 - Mặc dù trong kinh tế thị trường chúng ta đều nói đến lợi nhuận và hiệu quả, nhưng đã nhiều năm vắng bóng các đồ án về lĩnh vưc kinh tế chuyên ngành . Một câu hỏi đặt ra có phải đây là lĩnh vực khó hay không đáng quan tâm đối với các nhà kỹ thuật họăc là do trong mục tiêu đào tạo các trường đã coi nhẹ các kiến thức kinh tế ngành.

Ngày 10/11/2009, Hội đồng giải thưởng Loa Thành năm 2009 đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch hội đồng – KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam để xét giải với sự tham gia của 05 Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành. Hội đồng đã nhất trí xếp giải như sau :

47 giải chính thức bao gồm (không có giải Đặc biệt): 04 giải Nhất, 13 giải Nhì, 30 giải Ba và 23 giải Khuyến khích.
 
04 giải nhất thuộc về các chuyên ngành Kiến trúc & Quy hoạch (1 đồ án), Kỹ thuật hạ tầng & Môi trường Đô thị (1), Công trình thuỷ (1) và Xây dựng Dân dụng & Công nghiệp (1). Các đồ án đều được đánh giá là hoàn chỉnh, không có sai sót lớn, đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Sinh viên Phạm Hữu Lộc với đồ án “Trung tâm văn hoá cộng đồng người Hà Nhì” (chuyên ngành KT&QH, ĐH Kiến trúc Hà nội) đã dành nhiều công sức đi thực tế, hoà nhập với dân bản nhằm tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống để tạo dựng một công trình đa chức năng phục vụ trực tiếp người dân Hà Nhì, giúp cải thiện, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng, qua đó lưu giữ phát huy các giá trị truyền thống đặc sắc của người dân. Trần Thị Diễn với đồ án “Ứng dụng mô hình Mike-Basin tính toán, đánh giá biến đổi tài nguyên và môi trường nước lưu vực sông Cầu” (chuyên ngành Công trình thuỷ, ĐH Thuỷ Lợi) đã mạnh dạn ứng dụng mô hình Mike&Basin cho cả hai modun cân bằng số lượng nước và chất lượng nước là một cách làm mới, được đánh giá là có đóng góp cho thực tế sản xuất. Mai Viết Chinh với đồ án “Thiết kế và tổ chức thi công trụ sở giao dịch của Công ty cổ phần đầu tư CEO và Công ty VINACONEX 9” (chuyên ngành XD DD&CN, Học viện Kỹ thuật quân sự) có khả năng độc lập cao trong nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu KHKT vào thực tiễn để đưa đến các kết quả chính xác trong tính toán móng cọc đáy mở rộng và tính động đất theo QP&TC hiện hành. Đinh Đỗ Liên Hương với đồ án ”Quy hoạch mạng lưới giao thông TP Hội An, Quảng Nam” (chuyên ngành KTHT&MTĐT,  ĐH Kiến trúc Hà Nội) đã bám sát thực tế lấy số liệu cập nhật, đề xuất các giải pháp hợp lý trong quy hoạch mạng lưới đường, thiết kế tuyến và tổ chức mạng lưới giao thông công cộng phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố...


Đồ án "Trung tâm văn hóa cộng đồng người Hà Nhì (Bát Xát - Lào Cai)" của Phạm Hữu Lộc - ĐH Kiến trúc Hà Nội 

13 giải Nhì cũng là các đồ án tốt, đạt số điểm cao ở Tiêu chuẩn thứ nhất (tính tổng hợp và hệ thông kiến thức), mặc dù chưa thật sự hoàn thiện. Ở Tiêu chuẩn thứ hai tuy khả năng áp dụng các tiến bộ KHKT là tốt, có các chuyên đề nghiên cứu sâu, phù hợp, nhưng lại ít đồ án có được các đề xuất độc đáo, sáng kiến táo bạo. Ngoài ra các đồ án cũng chưa làm rõ được tính khả thi trong điều kiện kinh tế-xã hội và công nghệ của địa phương nơi công trình được xây dựng.

30 giải Ba là các đồ án tuy cũng thể hiện được tính tổng hợp, hệ thống kiến thức,  nhưng ở một số đồ án này còn có khiếm khuyết hoặc là ở các đồ án khác phần ứng dụng các tiến bộ KHKT không nhiều, chưa có đề xuất độc đáo.

Các trường gửi nhiều đồ án dự thi cũng là các trường đoạt nhiều giải cao như ĐH Kiến trúc HN, ĐH Xây dựng, ĐH Thuỷ lợi, ĐH Kiến trúc TPHCM. Trường ĐHDL Phương Đông và ĐH Bách Khoa Đà Nẵng cũng là các trường có tỷ lệ đồ án đoạt giải cao (6/8 và 5/7). Hội đồng giải thưởng hoan nghênh Học viện Kỹ thuật Quân sự trong các năm gần đây đã không chọn được đồ án đủ tiêu chuẩn để xét chọn nhưng năm nay đã đưa 01 đồ án tham gia và đã đoạt giải Nhất.

(Trích Báo cáo tổng kết của Hội đồng giải thưởng)

[ Download : Danh sách xếp loại Giải thưởng Loa Thành 2009

[ FORUM > Giải thưởng Loa Thành 2009 (chi tiết các đồ án đoạt giải)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 1917 khách Trực tuyến

Quảng cáo