Ashui.com

Tuesday
Sep 17th
Home Cộng đồng Kỹ sư Sự cố công trình xây dựng: Nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

Sự cố công trình xây dựng: Nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

Viết email In

Theo số liệu chưa đầy đủ của Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, hàng năm có khoảng 0,28 - 0,56% công trình bị sự cố thì với hàng vạn công trình được triển khai cũng đã có hàng trăm công trình bị sự cố.

Nguyên nhân chủ yếu của sự cố

Có nhiều cách phân loại các nguyên nhân để có thể thống kê, phân tích tổng hợp. Theo tôi, cần phân loại các nguyên nhân theo các giai đoạn hoạt động xây dựng và các yếu tố khách quan và chủ quan như sau:

Nguyên nhân do khảo sát, thiết kế. Không có chứng chỉ khảo sát, thiết kế hoặc vượt cấp chứng chỉ. Chất lượng khảo sát không đạt yêu cầu. Tính toán thiết kế sai, không phù hợp. Bố trí lựa chọn, địa điểm, lựa chọn phương án quy trình công nghệ, quy trình sử dụng không hợp lý phải bổ sung, sửa đổi, thay thế.

  • Ảnh bên : Sự cố thi công dẫn đến sập nhịp cầu Chợ Đệm 

Nguyên nhân do thi công. Năng lực nhà thầu thi công không phù hợp, nhà thầu không có hệ thống quản lý chất lượng, trình độ năng lực đạo đức nghề nghiệp của tư vấn giám sát và nhà thầu kém. Sử dụng vật liệu và chế phẩm xây dựng không phù hợp yêu cầu của thiết kế. Áp dụng công nghệ thi công mới không phù hợp, không tính toán đầy đủ các điều kiện sử dụng. Biện pháp thi công không được quan tâm đúng mức dẫn đến sai phạm, sự cố.

Nguyên nhân do quy trình bảo trì, vận hành, sử dụng. Không thực hiện bảo trì theo quy định (tắc ống thoát nước trên mái, chống rỉ kết cấu thép, theo dõi độ lún...). Sử dụng vượt tải (chất tải trên sàn, cầu vượt khả năng chịu lực...).

Thống kê, điều tra và xử lý khắc phục hậu quả

Các quy định pháp luật của Việt Nam chưa rõ định lượng thế nào là sự cố. Ở Trung Quốc họ quy định tổn thất kinh tế trên 5.000  nhân dân tệ (khoảng 14 triệu đồng Việt Nam) được coi là sự cố. 
Việc thống kê, điều tra về các sự cố có một ý nghĩa rất lớn. Như đã phân tích, sự cố công trình trong xây dựng là điều khó tránh khỏi, nên việc thống kê, điều tra sự cố để tìm ra nguyên nhân, biện pháp khắc phục và đặc biệt đề ra các quy định, biện pháp phòng ngừa có một ý nghĩa rất lớn. Vì vậy cần đưa ra các quy định bổ sung sửa đổi của pháp luật về định nghĩa phân loại sự cố, chế độ báo cáo cũng như điều tra, tìm ra nguyên nhân. Từ đó việc tổng kết kiến nghị các giải pháp ngăn chặn phòng ngừa có một ý nghĩa rất lớn: Đặc biệt qua thống kê, phân tích các sự cố của Việt Nam (và của thế giới) biên soạn thành các giáo trình giảng dạy cho sinh viên và cho các lớp bồi dưỡng hoặc biên soạn các sổ tay sự cố cho từng loại. Qua thống kê phân tích cũng tổng hợp bổ sung vào các quy định của pháp luật liên quan. Từ đó thiết thực góp phần hạn chế phòng ngừa sự cố.

Việc xử lý khắc phục hậu quả của sự cố một cách khoa học, cẩn trọng, có ý nghĩa rất lớn đảm bảo hiệu quả sử dụng và kinh tế. Vì vậy cần thiết phải điều tra nguyên nhân của sự cố chính xác; chọn phương án xử lý sự cố cho phù hợp đặc biệt lưu ý đến đặc điểm kết cấu của công trình xảy ra sự cố; xử lý cá nhân, tổ chức để xảy ra sự cố một cách khách quan, nghiêm minh tránh hình sự hóa các vụ sự cố khi chưa có kết quả điều tra kỹ thuật về sự cố.

Giải pháp phòng ngừa

Sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật liên quan. Cấp chứng chỉ hành nghề cho các DN hoạt động xây dựng (tiền kiểm) theo quy định mới nhất của Luật bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2008 (trong hoàn cảnh của Việt Nam, thị trường xây dựng mới phát triển, chưa định hình các loại DN có thương hiệu trong xã hội. Vì vậy cần áp dụng phương pháp tiền kiểm - cấp chứng chỉ hành nghề cho tổ chức hoạt động xây dựng).

Cần sửa đổi bổ sung những quy định liên quan đến lĩnh vực khảo sát, thiết kế theo hướng tăng phí khảo sát, thiết kế, tăng số lượng vị trí khảo sát, thử tải và các quy định tăng trách nhiệm của khảo sát, thiết kế (kể cả tham gia các giai đoạn quan trọng của quá trình thi công: cọc, khung sườn).

Bổ sung các quy định định lượng các loại sự cố và chế độ báo cáo về sự  cố: Về sự cố nên chia làm 3 loại. Sự cố cấp độ nhẹ (Ví dụ: tổn thất kinh tế từ 30 triệu đồng trở lên, làm trọng thương 1 - 2 người). Dưới mức này coi như là sai sót vi phạm về chất lượng. Sự cố lớn (tổn thất từ 200 triệu trở lên làm trọng thương 3 người trở lên hoặc chết 1 người). Sự cố nghiêm trọng (tổn thất kinh tế trên 1 tỷ hoặc chết từ 2 người trở lên hoặc làm trọng thương từ 5 người trở lên). Đồng thời quy định chế độ bắt buộc báo cáo và có chế tài rất mạnh nếu không chịu báo cáo, cố tình giấu giếm sự cố.

Bổ sung quy định phương thức điều tra sự cố đối với từng loại sự cố. Ví dụ: Loại cấp độ nhẹ: do chủ đầu tư và đơn vị để xảy ra sự cố tự điều tra và do chủ đầu tư chủ trì điều tra báo cáo. Loại lớn: do đại diện sở chuyên ngành (Xây dựng, GTVT, LĐTB&XH... tuỳ loại sự cố thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước) chủ trì điều tra, các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu tham gia, cần thiết mời chuyên gia chuyên ngành tham gia. Loại nghiêm trọng: do UBND hoặc Bộ chuyên ngành chủ trì điều tra và quyết định thành phần tham gia. Trong đó, ngoài việc tìm ra nguyên nhân cần kiến nghị các giải pháp phòng ngừa, kinh phí điều tra do đơn vị để xảy ra sự cố chịu trách nhiệm.

Bổ sung các chế tài nghiêm minh đối với các cá nhân, đơn vị để xảy ra sự cố (phạt hành chính, thu hồi hoặc cấm có thời hạn về giấy phép hành nghề, cấm tham gia đấu thầu...). Đồng thời bổ sung các quy định liên quan nhằm tránh hình sự các sự cố. Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi có vi phạm các quy định liên quan theo Bộ luật Hình sự.

Về quản lý kỹ thuật. Bổ sung các quy định bắt buộc về phương pháp kiểm tra cũng như khuyến khích áp dụng các thiết bị kiểm tra tiên tiến nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình (đo mật độ thép, kiểm tra siêu âm mối hàn, cường độ bê tông, thép, vữa; đo độ căng trong kết cấu dự ứng lực, kết cấu dây văng...).

Sửa đổi, bổ sung ban hành mới đồng bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và tăng cường hệ thống kiểm tra giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, an toàn trong xây dựng.

Về đào tạo và tuyên truyền. Tổng kết và phân loại sự cố để biên soạn thành giáo trình giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, và đào tạo công nhân, chương trình bồi dưỡng nâng cao. Dành kinh phí để biên soạn, phổ biến các sổ tay sự cố cho từng loại (sự cố lún, nền cọc; sự cố giàn giáo, sự cố lắp dựng kết cấu thép, sự cố điện, sự cố vết nứt...) và các chuyên mục trên các báo, tạp chí, website của Ngành.

Phân loại sự cố

Để cho việc tổng hợp, phân tích rút kinh nghiệm được hiệu quả, cần phải phân loại sự cố theo các dạng như sau:

1. Sự cố sập đổ bộ phận công trình hoặc toàn bộ công trình.

2. Sự cố sai lệch vị trí về móng, về hướng, về kết cấu hoặc chi tiết đặt sẵn.

3. Sự cố công trình móng: Bao gồm chất lượng bê tông móng (rỗ, cường độ thấp hơn thiết kế). Sự cố liên quan đến gia cố bằng cọc (cọc bằng gỗ, cọc tre, bê tông, thép…) hoặc lún,  lún lệch...

4. Sự cố khả năng chịu tải của kết cấu: do nguyên nhân bên trong của kết cấu (do tính toán thiếu, do thi công đặt thiếu thép, mối nối không đúng…) hoặc do sử dụng vượt tải (đọng nước trên mái, xe quá tải qua cầu, được sử dụng đúng công năng, đục phá sửa chữa làm thay đổi kết cấu...).

5. Sự cố nứt: Bao gồm nứt khối xây, khối bê tông, nứt thềm đập đất... vết rạn vật liệu xây dựng khác như thép, gỗ.

6. Sự cố do ảnh hưởng đến thi công công trình liền kề (gây sụp đổ, lún, nứt … công trình bên cạnh do thi công công trình chính gây nên).

7. Sự cố liên quan đến biện pháp thi công (sụp đổ trong quá trình đổ bê tông do chống đỡ không đảm bảo, lắp dựng kết cấu thép không đồng bộ gây sụp đổ, đổ cẩu làm hư hỏng công trình…)

8. Sự cố liên quan đến thương vong của con người (điện giật, ngã cao, đổ tường, sạt lở, đổ cẩu…)

9. Sự cố về công năng: Thấm dột, cách âm, cách nhiệt, quy trình công nghệ không đạt yêu cầu, thẩm mỹ phản cảm phải sửa chữa thay thế để đảm bảo công năng sử dụng như yêu cầu thiết kế. Sự không phù hợp với yêu cầu sử dụng. Cần phải bổ sung, sửa đổi nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả sử dụng.

10. Ngoài ra nên có loại sự cố khác có tính đặc thù không xếp vào các loại trên (như sự cố thi công giếng chìm, sự cố các công trình trên biển, sự cố bất khả kháng khác như lốc xoáy, lũ lụt bão vượt giới hạn…). 


Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo