Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Cộng đồng Sinh viên Đào tạo kiến trúc sư đang lâm vào khủng hoảng

Đào tạo kiến trúc sư đang lâm vào khủng hoảng

Viết email In

Nhìn chung hoạt động xây dựng trong cả nước nói chung và TP HCM nói riêng vài năm gần đây có chiều khởi sắc.

Trong không khí có chiều hướng lạc quan đó, hoạt động của giới kiến trúc sư cũng phong phú không kém: thiết kế trong các công ty khu vực nhà nước, công ty TNHH, Tư vấn đầu tư, hợp tác thiết kế với các KTS nước ngoài, làm cán bộ quản lý Nhà nước. Một bộ phận không nhỏ cũng lao vào lĩnh vực thi công - Đương nhiên không thể không kể một bộ phận KTS thất nghiệp giai đoạn.  Nhưng nói chung, qua sự đánh giá của dư luận xã hội, giới KTS được coi là thành đạt, chí ít cũng ở mặt kinh tế.


Phối cảnh tổng thể Trung tâm triển lãm văn hóa - nghệ thuật Khu đô thị sinh thái văn hóa Hạ Long.
Đồ án tốt nghiệp KTS khóa 46 - ĐH Xây dựng - SVTK: Nguyễn Trần Linh


Tính ở thời điểm năm 1998, cả nước có hơn 7.000 KTS (thời điểm năm 1998) và mỗi năm từ 3 nguồn đào tạo chính (Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Kiến trúc TP HCM, Đại học Xây dựng Hà Nội) “nêm” vào nguồn này không dưới 500 KTS. Đó là chưa kể lượng cơ sở dân lập hoặc chi nhánh đào tạo của các trường nêu trên đang ngày càng được mở rộng.

Không chỉ ở góc độ nhà trường, tôi muốn nêu lên ở bài viết này bằng góc độ thực tiễn, lĩnh vực đào tạo KTS đang lâm vào khủng hoảng.  Mọi sự chậm trễ thay đổi sẽ là một lỗ hổng rất đáng tiếc, thậm chí nguy hiểm cho sự nghiệp phát triển ngành Kiến trúc - Quy hoạch - Xây dựng nói chung.

NHẬN DẠNG KHỦNG HOẢNG

1 - Khủng hoảng thừa


Chương trình đào tạo KTS của các nguồn thường đào tạo chung, chưa được phân môn hóa rõ ràng. Đương nhiên tất cả mọi KTS ra trường đều nghĩ rằng mình là KTS sáng tác và thật sự họ có quyền đó ngay khi nhận bằng tốt nghiệp.

Sau tốt nghiệp khoảng 3 đến 5 năm số KTS này mới định hình được công việc của mình. Nếu làm một con số thống kê, có lẽ nó sẽ khớp với tỉ lệ tốt nghiệp khá, giỏi ở trường Kiến trúc.

Trong các chuyên ngành đào tạo, có lẽ đào tạo KTS sáng tác là đòi hỏi sự tỉ mỉ cao nhất. Hiện một chương trình quá đa hệ, dù đã kéo dài 5 năm rưỡi vẫn không có chỗ cho sự tỉ mẩn của các giáo trình đào tạo KTS sáng tác, trong khi chính các sinh viên có năng khiếu lại phải đối phó quá nhiều với các môn kỹ thuật.

Rốt cuộc là một sự chi phí quá rộng rãi về thời gian và nhân lực để đào tạo cho 80% số người sẽ làm việc khác với mục tiêu đào tạo.

2 - Khủng hoảng thiếu

Vì không có mục tiêu đào tạo khác hệ đào tạo duy nhất hiện có, nên hàng loạt nhu cầu rất bức xúc, rất thực tế của xã hội hiện tại bị trống chỗ. Và ngay những người đã có khả năng thích ứng chỗ trống đó thì được xem như làm KTS sáng tác không được nên mới phải đảm đương. Thí dụ như một văn phòng thiết kế hiện đại, ít nhất phải có những KTS triển khai hoặc quản lý kỹ thuật giỏi (trọn gói đồ án), cần những KTS phối hợp ở công trường.

  • Ảnh bên : Đồ án sinh viên trường ĐH kiến trúc Hà Lan

3 - Khủng hoảng về cơ cấu

Cơ cấu tự thân

Xét cơ cấu tự thân của một công ty tư vấn và thiết kế theo như các quy phạm xây dựng hiện hành đòi hỏi thật sự sẽ khó khăn ghê gớm khi muốn tuyển đủ nhân sự chuyên môn cần thiết. KTS sáng tác thì quá nhiều, không cần thiết cho số lượng công việc khá chật vật mới kiếm được. Hơn nữa, công việc đến một văn phòng thiết kế, trước tiên chủ đầu tư đòi hỏi phải chính KTS đối tác làm việc trực tiếp chứ không thể để cộng sự làm thay.

Hiện tìm một KTS có đủ kinh nghiệm và yên tâm công tác triển khai thiết kế là rất khó. Và khó hơn nữa khi tuyển họa viên có kinh nghiệm, tay nghề hoặc được đào tạo chính quy. Thông thường, toàn bộ các vai quan trọng trong bộ máy thiết kế hiện nay đều do sự tự điều chỉnh và tự đào tạo của cơ sở thiết kế.  Nghĩa là sau một thời gian lăn lộn, thử thời vận, các KTS tự chọn một hướng cho mình với hành trang thật thiếu thốn trong khi đã bỏ phí bao công sức cho một chương trình dàn trải quá rộng.

Cơ cấu lý thuyết

Như bất cứ ngành nào, số KTS sáng tác, KTS quản lý và khai triển, trung cấp kỹ thuật, họa viên chuyên nghiệp trong mọi tổ chức thiết kế quan hệ số lượng với nhau theo hình kim tự tháp là tốt nhất. Chúng ta đang có kim tự tháp đó nhưng theo chiều ngược lại, nghĩa là cạnh đáy lại xoay lên trời. Điều đó thật dễ thấy khi số lượng rất đông họa viên kiến trúc chuyên nghiệp không có trường đào tạo chính quy. Số trung cấp hoạt động như những “KTS nhỏ” để thiết kế các “công trình nhỏ”, thậm chí họ cũng không yên tâm, luôn ngắm nghía các lớp đào tạo chi nhánh của trường kiến trúc để chuyển qua hệ KTS chính thức. Rốt cuộc trong thời gian ngắn tới, khi cả 15 nguồn đào tạo KTS đang đua nhau chạy sẽ cho ra một cơ cấu còn tệ hơn kim tự tháp lộn ngược mà là một “thanh KTS” nằm ngang gác lên một “gối tựa họa viên” nhỏ xíu.

Điều đó chưa cảm thấy lạnh lưng nếu không nhìn xa hơn một chút vào hệ thống tư vấn, thiết kế và quản lý dự án kiến trúc chuyên nghiệp, mà khâu quản lý thiết kế trong các công trình hiện đại với quá nhiều quan hệ phức tạp, ngày càng trở thành một phần rất quan trọng của chất lượng thiết kế. Bởi vì, sản phẩm thiết kế không chỉ là bản vẽ mà là công trình kiến trúc được thực hiện hoàn chỉnh. Tổ chức với chất lượng cao đó, chúng ta đang vô tình dành riêng cho các công ty thiết kế nước ngoài. Vậy là hàng loạt vai trò quan trọng còn chưa xác định nguồn đào tạo như: quản lý dự án, khai triển dự án, khai triển thiết kế, KTS công trường, thiết kế nội ốc… Đó là chưa kể một số khu vực Nhà nước cần nhân sự chuyên ngành như: quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc đô thị…

4 - Khủng hoảng chuyên ngành

Điều này là hệ quả của khủng hoảng cơ cấu đào tạo. Khi nhiều khu vực rất khác nhau về công việc lại sử dụng chung một nguồn đào tạo KTS. Không cần nói đến một số chức danh chưa có trong danh mục đào tạo, chúng ta nhận ra ngay ở các lớp KTS đang ra trường, họ không đủ độ chín về một mặt nào đó mà họ sở trường : Ý tưởng sáng tạo, lý luận sáng tác, kỹ thuật kiến trúc, kiến tạo phối hợp… trong khi lại biết sơ sài về quá nhiều thứ.

Tóm lại, đã đến lúc chấm dứt sự nguy hiểm của việc đào tạo xa rời thực tế đến mức không ai ngạc nhiên khi không có một KTS mới ra trường nào biết một hợp đồng thiết kế nghiêm chỉnh gồm những bước làm việc với trách nhiệm và khối lượng như thế nào.


KTS Tadao Ando giao lưu tại Đại học Xây dựng

LỜI KẾT

Đương nhiên, việc đào tạo hệ trọng này phải bắt nguồn từ chính sách và chương trình đào tạo của Chính phủ. Bước đi khả thi nhất là phải dựa trên những cơ sở đào tạo đang có, sắp xếp lại một cách linh hoạt và hiệu quả hơn. Có hai nguyên tắc quan trọng trong giai đoạn này nên lưu ý:

- Xác định chức danh đào tạo theo hệ thống một cách chính thức, tránh tình trạng làm việc không chính danh, luôn mong muốn chuyển hệ, làm hệ thống nhân lực thường xuyên mất cân đối.

- Xác định các chức năng đào tạo song song có liên quan để đảm bảo hỗ trợ và phát huy hoạt động tốt nhất cho hệ đào tạo chính.

Với nguyên tắc đó, chúng tôi nhận thấy các trường Đại học Kiến Trúc  hiện tại sẽ đảm nhiệm đào tạo các chức danh sau:

1. KTS hệ sáng tác : Thời gian đào tạo 5 năm rưỡi, được thi tuyển, nhưng sau một năm dự bị sẽ được chung tuyển học chính thức. Số không được chung tuyển sẽ được tuyển thẳng (theo quy chế riêng) vào hệ kỹ sư kiến trúc.

2. Hệ kỹ sư kiến trúc : Thời gian đào tạo 4 năm. Thi tuyển trực tiếp (và một phần tuyển thẳng từ năm thứ nhất hệ sáng tác) chia làm nhiều ngành:

- Kỹ sư kiến trúc thực hành: được đào tạo để có khả năng:

  • Triển khai kỹ thuật tổng hợp các công trình kiến trúc
  • Giải quyết phần việc phối hợp thiết kế với công trường.
  • Tổ chức thi công

- Kỹ sư quản lý kiến trúc và quy hoạch có khả năng:

  • Quản lý quy hoạch & kiến trúc đô thị
  • Quản lý dự án
  • Quản lý thi công


Các sinh viên đoạt giải Loa Thành 2009 trong Lễ trao giải tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh: Bích Vượng) 

Bên cạnh đó, chính sách đào tạo phải làm chính danh ngạch họa viên, kỹ thuật viên kiến trúc bằng hệ đào tạo chính thức mở ngay trong các trường kiến trúc. Bởi lẽ số này đang rất thiếu và càng thiếu trong tương lai gần gồm:

  • Trang trí nội thất
  • Kỹ thuật viên mô hình
  • Kỹ thuật viên trình bày phương án: phối cảnh, biểu, bảng...
  • Dự toán viên
  • Họa viên kiến trúc (vẽ máy và vẽ tay).
  • Họa viên kỹ thuật (kết cấu, điện, nước - vẽ máy và vẽ tay).

Hệ trung cấp kỹ thuật xây dựng chủ yếu đào tạo cán bộ và công nhân thực hành thi công.

Với một sự chỉnh đốn như vậy chúng ta không xáo trộn lắm khả năng cơ sở vật chất và nhân sự đào tạo hiện có. Hơn nữa, lành mạnh và trật tự hơn trước một mối nguy hiểm thực sự lớn của tính chất khủng hoảng đào tạo nêu trên. Điểm bắt đầu trước mắt là một quyết định từ cấp bộ nhằm tổ chức thống kê hiện trạng để khẳng định hướng đổi mới nhanh chóng nhất.


KTS Nguyễn Văn Tất chia sẻ kinh nghiệm với giới kiến trúc sư trẻ tại Trại KTS Trẻ toàn quốc - Đắk Lắk 2009
(ảnh : Ashui.com)

Từ bài viết này, rất mong được quý vị đồng cảm với vấn đề đã nêu, góp phần làm sáng tỏ hơn nữa tính cấp bách của việc cải tổ đào tạo KTS nói riêng và các chức danh đào tạo khác. Mục tiêu toàn cục phải đảm bảo tính phù hợp, hiệu quả và bền vững của hệ thống nhân lực ngành kiến trúc.

Tháng 8/1998 (*)

  • Bài viết của KTS Nguyễn Văn Tất năm 1998. Phải chăng, sau hơn 10 năm, cơ bản những vấn đề này vẫn còn nguyên tính thời sự. Phải chăng chúng ta đang thiếu một lộ trình hiệu quả trong bài toán đào tạo KTS?

KTS. Nguyễn Văn Tất

 

Lời bình  

 
0 # bu 28/08/2012 16:09
chung ta dang co nhieu KTS gioi , thiết kế rất đẹp, có lẽ chưa có duoc học bài bản như KTS nuoc ngoài
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 1838 khách Trực tuyến

Quảng cáo