Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam: Bao giờ có vị trí xứng đáng?

Mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam: Bao giờ có vị trí xứng đáng?

Viết email In

Mỹ thuật ứng dụng (MTƯD) là một lĩnh vực rộng lớn. Bất cứ một đồ vật gì ở xung quanh chúng ta đều cần đến bàn tay của người làm MTƯD, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường hiện nay ở VN.

Hàng hoá không thể thiếu thẩm mỹ, cần có kiểu dáng mới, tốt, đẹp, tiện dụng, thích nghi với thời đại; hấp dẫn, thu hút khách hàng. Đó là điều kiện để có thị trường trong nước và quốc tế.

Vai trò là thế, nhưng dường như MTƯD ở ta vẫn còn là một "mảnh đất" chưa được định giá đúng để khai phá tiềm năng và sức mạnh.

Nhận diện MTƯD

Mỹ thuật ứng dụng dùng để chỉ các hoạt động sáng tạo mỹ thuật  được đưa vào ứng dụng trong cuộc sống thường ngày. Nước ta có nhiều trường mỹ thuật, nhưng có lẽ duy nhất có trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (MTCN) là nơi đào tạo hoạ sĩ MTƯD một cách bài bản, chính quy và đa dạng.

  • Ảnh bên : Bộ đồ hộp sơn mài (giải ba)  của hoạ sĩ Trần Tuấn (Huế).

Ông Ngô Anh Cơ - Phó Hiệu trưởng trường MTCN - cho biết: "Hiện nay, mỗi năm trường đào tạo khoảng 400 sinh viên ở 8 ngành: Thiết kế đồ hoạ, nội thất, thời trang, công nghiệp, gốm, sơn mài, điêu khắc, hội hoạ hoành tráng. Bên cạnh đó còn có các chuyên ngành khác như thiết kế trang sức, đồ chơi, thiết bị học tập, thuỷ tinh, thiết kế kim loại, dệt".

Theo xu hướng thời đại, sinh viên đổ xô vào học các ngành đang được coi là thời thượng như: Thiết kế đồ hoạ, nội thất, thời trang.... Do vậy, một số trường ĐH khác trong nước cũng mở khoa MTƯD nhưng chỉ đào tạo các ngành đó.

Hiện nay, lực lượng  làm nghề MTƯD có cả hàng vạn người, trong đó có cả nghệ sĩ và nghệ nhân. Tuy nhiên,  các nghệ sĩ và nghệ nhân có học vấn, tay nghề, sự sáng tạo... rất khác nhau, lại rải rác ở hàng vạn xí nghiệp, làng nghề, địa phương trong cả nước.

Chính vì vậy mà ông Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN - cho rằng: Nên thành lập Hội MTƯD, hoạt động độc lập với Hội Mỹ thuật VN, có như vậy thì nghệ sĩ MTƯD và nghệ nhân mới  có nhu cầu tìm đến nhau để cùng sáng tạo, thúc đẩy việc tạo dấu ấn của MTƯD trên thị trường hàng Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, việc thành lập hội này hoàn toàn là chưa đủ.

Tư tưởng "ăn xổi" khá phổ biến

Mặc dù hiện nay, mọi người đã bắt đầu quan tâm đến MTƯD, nhận rõ vai trò của nó tác động đến cuộc sống cũng như sự phát triển như thế nào, nhưng để chuyển từ nhận thức thành hành động cụ thể đòi hỏi cả một quá trình lâu dài.

  • Ảnh bên : Bộ nhãn rượu Viorigin (giải nhất) của hoạ sĩ Ngô Anh Cơ (Hà Nội).

Theo ông Ngô Anh Cơ, sinh viên trường MTCN khá  "đắt hàng", nhiều người đang trong quá trình học tập đã có doanh nghiệp đến tìm. Tuy nhiên, sự quan tâm ấy của phần lớn doanh nghiệp vẫn chỉ dừng ở mức độ "lấy ngắn, nuôi dài" mà thiếu sự đầu tư dài hạn. Không ít doanh nghiệp khi đã có một sản phẩm mới nào đó là quên ngay vai trò của người hoạ sĩ và chỉ quan tâm đến những việc liên quan đến thương mại, thu lời, rất ít doanh nghiệp nghĩ đến việc phải đầu tư vào sản phẩm tiếp theo.

Mặt khác, các doanh nghiệp có liên quan đến MTƯD phần lớn sống bằng việc gia công mẫu mã cho  nước ngoài hoặc là sửa sang mẫu mã nước ngoài để làm hàng xuất khẩu và chưa có ý thức mua các mẫu của hoạ sĩ MTƯD về sản xuất. Bên cạnh đó, vấn đề bản quyền cũng chưa được bảo hộ một cách triệt để... Đó là những lý do  góp phần làm giảm ý chí sáng tạo của người nghệ sĩ.

Ông Ngô Anh Cơ cũng cho rằng, sản phẩm hàng công nghiệp đích thực của VN hầu như không có trên thị trường. "Made in Vietnam" chỉ là một chi tiết nào đó, một công đoạn nào đó của ngành công nghiệp. Đó cũng là những hạn chế để ngành MTƯD phát triển.

  • Ảnh bên : Đèn bàn của hoạ sĩ Trần Thị Trang (Hà Nội). 

Để khắc phục tình trạng này, ông Hoàng Đức Toàn - Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm - cho rằng để cho MTƯD thực sự phát triển thì cần có tiếng nói chung, có sự đồng hành  giữa nhà quản lý, các loại chính sách, nhà sản xuất và hoạ sĩ, nhà thiết kế. Đứng ở góc độ đào tạo, đảm bảo đầu ra bền vững cho sinh viên cũng như ý thức về vai trò của MTƯD trong các doanh nghiệp, ông Ngô Anh Cơ đã đưa ra ví dụ về phương pháp đào tạo ở các nước tiên tiến.
 
Rất nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư cho sinh viên ngay cả khi họ còn đang học ở trường. Mặt khác, trước khi làm bài tốt nghiệp, sinh viên phải đi liên hệ ở các cơ sở sản xuất để tìm sự hỗ trợ cũng như đảm bảo đầu ra cho những thiết kế của mình. Có như vậy, bài tốt nghiệp ấy mới được công nhận. Nếu như những thiết kế của bài thi tốt nghiệp chỉ được thầy và trò công nhận với nhau mà không được ứng dụng thì coi như sinh viên đó chưa tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất nhận bảo trợ cho sinh viên sẽ được miễn giảm thuế kinh doanh ở mức độ nào đó… Như vậy, cả ba bên (nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên) đều có lợi. Còn ở ta, hiện nay cứ nói là phải gắn công việc đào tạo với các cơ sở sản xuất hoặc viện nghiên cứu, nhưng lại không có biện pháp cụ thể gì....

Có một thực tế là phần lớn  sinh viên không "trụ" được trong các doanh nghiệp, ra ngoài lập Cty riêng làm ăn với nhau lại rất phát triển, không những thế, họ còn tạo việc làm cho một nhóm đối tượng khác nữa. Điều này cho thấy, nhu cầu về MTƯD trong xã hội đang ở thời kỳ cấp thiết, doanh nghiệp nào biết coi trọng vai trò của MTƯD, về lâu dài sẽ có lợi nhuận và phát triển bền vững.

- "Vietnam Collection Grandprix" có lẽ là sân chơi và cơ hội hàng năm duy nhất ở VN để các nhà tạo mẫu thời trang thể hiện mình. Hiệp hội Dệt may, Tập đoàn Dệt may, Hiệp hội Da giày và Viện Mẫu thời trang FADIN tạo ra sân chơi này đã 11 năm nay với mục tiêu tìm kiếm những nhà tạo mẫu tiềm năng, tiếp tục đào tạo để họ trở thành nhân viên nòng cốt cho các sản phẩm thời trang của VN.

- Trong khi trên thế giới, điển hình là Trung Quốc, ngành thiết kế đồ chơi cực kỳ phát triển (cung cấp 75% lượng đồ chơi trên toàn thế giới), đem lại lợi nhuận kếch xù và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động thì ở ta ngành này không được quan tâm, ngay cả của Bộ Giáo dục Đào tạo... Hầu hết sinh viên học ngành thiết kế đồ chơi, sau 5-6 năm học đều không phát huy được những kiến thức đã được học và phải chuyển qua nghề khác. 

Hoạ sĩ Hà Linh Thư - chủ nhân nhãn hiệu thời trang Pearl Hà:

Trước khi mở Cty, chị đã từng có gần chục năm làm cho một tờ báo được coi là có "đẳng cấp" ở VN. Nhưng rồi, cảm thấy môi trường làm việc đã không cho  cơ hội phát huy sự sáng tạo của mình, chị xin nghỉ và mở Cty. Hà Linh Thư cho biết: "Những nguời theo ngành MTƯD kiếm việc làm một cách dễ dàng.

Một số người làm ở lĩnh vực "hot" như đồ hoạ, thời trang, nội thất... đang có cơ hội kiếm tiền rất tốt. Nhưng quan trọng hơn đây là thời điểm để họ  được thể hiện bản thân, phát huy sức sáng tạo... Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào biết coi trọng việc đầu tư dài hạn trong chiến lược phát triển của mình (trong đó có vai trò của người làm MTƯD) thì theo kịp với thời đại. Ngược lại thì sẽ cũ mòn và tụt hậu.

Nói các DN chưa quan tâm, đánh giá đúng vị trí của  MTƯD thì chỉ đúng một phần, bởi rất nhiều DN lớn ở phía Nam rất coi trọng hoạ sĩ MTƯD. Họ đánh giá cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạ sĩ làm việc. Có thể nói, các DN ấy đã thực sự coi người hoạ sĩ MTƯD như "linh hồn" của DN".

Hoạ sĩ Võ Quang Anh - GĐ thiết kế, công ty "3D Marcom":

Trường ĐH MTCN là trường đào tạo những nhà thiết kế. Họ thiết kế từ kiểu dáng, chất liệu, chất lượng... các sản phẩm. Do vậy, có thể nói  các nhà thiết kế MTƯD hiện nay có rất nhiều cơ hội làm nghề. Tuy nhiên, làm nghề thành công đến đâu, có mang lại dấu ấn gì trong đời sống hay không, phu thuộc vào khả năng của mỗi người cũng như nhận thức của xã hội.

Các sản phẩm được coi là thành công trên thế giới ngoài công nghệ, những thiết kế luôn thay đổi, thời trang của các sản phẩm này đã tạo ra bộ mặt của cuộc sống. Và với những thiết kế như thế, những "designer" được trả công rất xứng đáng. Ở ta, công việc thiết kế, nói chung được trả công rất rẻ. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế không quyết định được "vận mệnh" sản phẩm của chính mình mà phần lớn phải làm theo ý tưởng của khách hàng. Điều này thể hiện khá rõ trong kiến trúc nhà ở ở ta hiện nay.

Hoạ sĩ trình bày báo và tạp chí Nguyễn Khánh Toàn:

Tốt nghiệp ngành thiết kế đồ chơi, nhưng hầu như tất cả sinh viên đều không có môi trường để hành nghề và do vậy, họ đều chuyển sang vẽ mỹ thuật, làm đồ hoạ... Để có môi trường hoạt động cho các hoạ sĩ thiết kế đồ chơi hoặc thiết kế công nghiệp nói chung, không chỉ trông chờ vào ý thức của các nhà quản lý mà còn đòi hỏi cả hệ thống chính sách đồng bộ cũng như hạ tầng kỹ thuật tốt. Thật khó để biến một ý tưởng  về một sản phẩm đẹp và hữu ích cho đời sống của một hoạ sĩ thành hiện thực nếu không có những thiết bị, máy móc phù hợp...

P.V. 


Kim Anh / Ảnh : Trương Hoàng (*chụp tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần II)
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 2087 khách Trực tuyến

Quảng cáo