Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Tương tác Góc nhìn Bảo tàng Chăm và giấc mơ giản dị

Bảo tàng Chăm và giấc mơ giản dị

Viết email In

Trong các chuyến đi, giới lữ hành chuyên nghiệp thường bảo nhau: “Có hai nơi cần đến khi thăm bất cứ vùng đất nào. Đó là chợ và bảo tàng”. Tôi đã đi qua nhiều vùng đất, thấu hiểu cái lý của dân lữ hành.

Vì vậy từ Vân Nam -Trung Quốc, đến Hyderabad - Ấn Độ, rồi qua Ban Chiang – Thái Lan… bằng mọi phương tiện tôi cố phải đi đến đó cho bằng được. Từ nơi đây, toàn cảnh lịch sử phát triển văn hóa, xã hội… những vùng đất hiện ra một cách cô đọng, hùng tráng. Và về quê mình, đến Bảo tàng Chăm, tôi gặp một giấc mơ…

  • Ảnh bên: Tượng đồng Bồ tát Tara, khai quật ở Phật viện Đồng Dương - Thăng Bình (niên đại thế kỷ IX) được công nhận là báu vật quốc gia.

1. So với nhiều nước, bảo tàng ở ta chưa phải là nhiều - 199 cái lớn nhỏ, trong đó có 12 bảo tàng được xếp hạng vì sự độc đáo, hiếm có bậc nhất và quan trọng của hiện vật. Sự kiện mới nhất là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được nâng lên loại 1 cách đây hai tháng, dù rằng so với tất cả, nó độc đáo nhất vì tại đây đang lưu giữ hàng nghìn hiện vật, vốn là di sản văn hóa, lịch sử phát triển đặc trưng của vùng đất trải dài từ Quảng Bình vô tới Bình Thuận; có niên đại lâu nhất - cách đây gần 100 năm (1915), do các nhà bác học Viện Viễn Đông Bác cổ dày công thu thập, sưu tầm suốt từ ngày người Pháp đặt công cuộc “bảo hộ” lên đất nước ta, đến ngày Việt Nam giành độc lập với hơn 40 năm.

Lịch sử xây dựng Bảo tàng Chăm gắn liền với các cuộc hành quân “bình định” của người lính viễn chinh Pháp trên khắp các vùng nông thôn miền Trung. Từ những hiện vật do binh lính nhặt nhạnh trên đường, kết hợp với các cuộc khảo cổ của các nhà bác học Viện Viễn Đông - Henry Parmentier hay Louis Finot, Toàn quyền Đông Dương đã cho phép Viện Viễn Đông chọn một vị trí tại Đà Nẵng để làm nơi lưu giữ. Các nhà bác học Pháp đã xây dựng ven sông Hàn một kiến trúc mở, mô phỏng một kalan (ngôi tháp chính) để trưng bày hiện vật, và đặt tên là Museé Chàm (Bảo tàng Chàm – tiếng Pháp). Dù vậy, trước năm 1975, ở Đà Nẵng người dân gọi nó là Ma-da Chàm (Ma-da trong Phạn ngữ là Ác thần), có lẽ vì trong hệ thống tượng thần được trưng bày tại Bảo tàng Chàm, hầu như không có khuôn mặt nào hiền từ. Cho đến những năm trước 1985, hầu như nơi đây hiu quạnh, vắng bóng người qua lại. Có một đêm nhân kiến trúc sư người Ba Lan Kazic đang làm công việc trùng tu ở Mỹ Sơn về Đà Nẵng, nhà nghiên cứu Chăm Trần Phương Kỳ rủ thêm vài anh em văn nghệ sĩ, báo chí, nửa đêm gọi nhau bí mật “xâm nhập” vào, thắp nến uống rượu dưới chân nàng Apsara, thử tìm một mối giao cảm với thần linh. Cho đến giờ, chắc khó ai trong số đó có thể quên được cảm giác mê hoặc, xen lẫn nỗi sợ hãi khó tả trong không gian u linh đó. Sau đó không lâu, một đầu tượng thần Siva gắn trên tường biến mất. Đó là lần thứ ba, Bảo tàng Chăm mất tượng trong vòng một năm.

Nhưng riêng chiếc đầu này khá đặc biệt, vốn thuộc về một bức tượng Siva nguyên vẹn, cao khoảng 1,4 mét, bị mất thân trong những ngày tháng 3/1975 lộn xộn. Hơn 10 năm sau, kẻ cắp tượng thần đã quay lại lấy nốt phần đầu. Sau sự cố này, Bảo tàng Chăm được gắn thêm các bộ cửa sắt, khóa kín; an toàn hơn nhưng phản cảm hơn bao giờ hết. Rồi như một sự tái sinh, những công trình nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc Chăm được các học giả trên thế giới liên tục công bố. Và đặc biệt sau năm 2000, Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, thì Bảo tàng “ăn theo” giữ một vị trí đặc biệt trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Nhờ đó du khách bốn phương biết đến, cũng bắt đầu ùn ùn tìm đến chiêm bái. Cách đây vài năm, khi chính quyền Đà Nẵng dự kiến xây dựng một cây cầu qua sông Hàn, bên cạnh Bảo tàng Chăm, dư luận cả nước sôi động phản đối vì e ngại rằng Bảo tàng sẽ nằm dưới gầm cầu. May mắn dự án này đã lượng định trước với một kiến trúc sàn ở cốt (code) 0 – ngang mặt sông, do một công ty nổi tiếng của Mỹ thiết kế lấy phối cảnh chính từ kiến trúc Bảo tàng Chăm.


Nhũ đá trong bảo tàng Chăm trơn láng, mất nét do tiếp xúc trực tiếp với du khách.

2. Mùa thu năm 2005, tại Paris, bảo tàng hàng đầu thế giới về nghệ thuật Châu Á Guimet đã tổ chức cuộc triển lãm “Kho tàng nghệ thuật Việt Nam - điêu khắc Chăm (thế kỷ 5 - 15)”. Lần đầu tiên trên thế giới, 10 thế kỷ điêu khắc Chăm được trưng bày một cách quy mô, bài bản với 95 hiện vật độc đáo của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Lịch sử TPHCM, khu di tích Mỹ Sơn và nhiều bảo tàng khác ở Pháp, Thụy Sĩ. Sau triển lãm này, đã có một hợp tác văn hóa giữa Bảo tàng Chăm Đà Nẵng và Bảo tàng Guimet. Chính phủ Pháp đã tài trợ cho Bảo tàng Chăm một dự án “Xây dựng một hình mẫu cho công tác trưng bày ở hai phòng Đồng Dương và Mỹ Sơn”. Tháng 4 năm 2009, gặp Pierre Baptiste - chuyên gia nghệ thuật khu vực Đông Nam Á của Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Quốc gia Guimet (Pháp) trong dịp khánh thành hai phòng mẫu, anh bảo: “Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ quá khứ, bảo quản hiện vật mà còn là công cụ giáo dục và phát triển xã hội. Bảo tàng Chăm là một kiến trúc cũ, chúng tôi khắc phục các nhược điểm bằng sự bố trí ánh sáng, chẳng hạn như che rèm, mở hay đóng một phần không gian để tạo hình ảnh ngược sáng... để khách tham quan cảm giác chỉ nhìn thấy bóng trước khi đối diện với hiện vật, nhưng lại hình dung được chi tiết pho tượng rất rõ... ”. So với các bảo tàng ở Ấn Độ, Thái Lan hay Trung Quốc... tôi đã tham quan, khuôn mặt mới của bộ sưu tập Mỹ Sơn, Đồng Dương thật không hề thua kém.

Tiếc thay, sau khi những chuyên gia Pháp rút đi, không gian mẫu của Bảo tàng Chăm cũng lặng lẽ chìm xuống trong ánh sáng và không gian xưa cũ vốn có từ trăm năm trước. Vì sao? Vẫn điệp khúc cũ mà lâu nay bo tàng không thể có nổi lời giải - đó là kinh phí. Không khí ẩm ướt, kiến trúc xuống cấp đã tỏ ra bất cập với sự “đổi mới” của bảo tàng. Một bóng đèn thay thế cho tượng Tara bằng đồng giá 100 euro, trong khi cả hai phòng mẫu có đến vài mươi cái như vậy; rồi những vật liệu trang trí mẫu khác, giá cả để thay thế, bổ sung cũng không bình thường chút nào.

100 năm trước đây, công năng của một nhà trưng bày lưu giữ hiện vật do các bác học Viện Viễn Đông Bác cổ xây dựng đã tỏ ra không còn phù hợp với một bảo tàng vốn hiện nay đang dần trở thành điểm đến thu hút giới du khách thích tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa. Ba hiện vật gồm: Đài thờ Mỹ Sơn E1, đài thờ Trà Kiệu và tượng Bồ tát Tara đã được đề nghị công nhận là báu vật quốc gia cùng với hàng trăm ngàn du khách mỗi năm đến chiêm ngưỡng trong diện tích 500m2 trưng bày, đang làm Bảo tàng Chăm trở nên quá “chật chội”. Giới nghiên cứu Chăm đã có lần đề xuất với chính quyền phải tính đến phương án xây dựng cho Bảo tàng Chăm một kiến trúc mới ở vị trí phù hợp. Đà Nẵng đang mỗi ngày một thay da đổi thịt, thì không lý gì, giấc mơ có một không gian mới, xứng đáng cho Bảo tàng Chăm lại không có ngày trở thành hiện thực.

Nguyễn Trung Hiếu

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo