Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Ăn ở nơi nhà mình

Ăn ở nơi nhà mình

Viết email In

Người Âu nói: Nhà ta, thành trì của ta;
Họ cũng nói: Nhìn nhà, biết anh là ai;
Tôi thêm: Vào nhà, hiểu anh là ai.

Nhà không chỉ là nơi ta ngụ, mà là nơi ta sống. Là nơi ta sáng tạo bản thể thứ hai - sự quây quần và chung sống cùng đồ vật, không dễ tách lìa khỏi phần cứng của kiến trúc và phần mềm của cuộc sống gia đình. 

Nhà không hẳn đã do mình vẽ và do mình xây. Ta chỉ toàn quyền chủ động bối cảnh bên trong: sự sắp đặt và bài trí, theo cách ta nghĩ về sử dụng, về trật tự, về cái đẹp. Trên đời chẳng mấy khi nhà này giống nhà kia. Tạo nơi ăn ở nơi nhà mình, cùng lúc ta chịu sự chi phối của “cái chung” và “cái riêng”. Cái chung dẫn tới sự đồng nhất. Cái riêng dẫn tới sự đa dạng. Dồi dào về tài sản dễ tạo ra sự khác biệt. Dồi dào về tinh thần dễ tạo ra cái riêng. Dinh cơ đồ sộ và sự dư thừa đồ vật dễ biến nhà mình thành cửa hàng bách hóa cao cấp. Nhà chật, đồ đạc nhiều dễ biến nhà mình thành cái kho tạp phẩm. Cái tài của chủ nhân chính là ở năng lực tổ chức. Họ vừa là nhà lập pháp, nhà kiến tạo, người thực thi và vận hành. 


(ảnh: Việt Khang)

Nhu cầu, tài sản và tâm thức của chủ nhân quyết định nội hàm của cái vỏ kiến trúc.

Nhu cầu thỏa mãn bằng việc sử dụng tài sản, chất lượng sử dụng quyết định bởi sự tiện lợi. Sự tiện lợi lại phụ thuộc bởi tính trật tự. Hiểu thấu nhu cầu sống của gia đình mình, nhất là những đòi hỏi đặc biệt của cả cộng đồng gia đình và của từng thành viên, để sắp đặt và lồng ghép những chu trình sống vào không gian kiến trúc cứng - đó là khởi đầu cho lời giải bài toán khó về sự tiện lợi. Một khi đồ vật và phương tiện được đặt ở chính nơi mà chúng phải tọa lạc, thì sự lồng ghép logic chuỗi sinh hoạt và chuỗi đồ vật sẽ tạo nên cái trật tự, vốn chẳng mấy khi trị vì ở các tổ ấm gia đình. Một trong những thành tựu kiến tạo không gian sống gia đình thời nay chính là sự bình đẳng trong hưởng thụ tiện nghi cuộc sống: bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà, giữa các thế hệ, và đặc biệt, bình đẳng giữa các thành phần cấu thành không gian sống, loại dần sự hắt hủi những thành phần xưa kia bị cho là “hậu”, khuất mắt trông coi. Nếu sự bày biện phòng khách gồm các đồ vật đắt tiền, đẹp và có sự thông thoáng, thì nơi cơm nước, nơi thực thi vệ sinh cá nhân cũng phải có sự tiện nghi, có những điều kiện để hưởng thụ.

Nhà - đó là nơi mình cảm thấy mình hạnh phúc.
- Salman Rushdic 

Trong sắp đặt và bài trí, sự tiện lợi và cái đẹp còn phụ thuộc bởi tương quan giữa đồ vật và khoảng trống, giữa cả hai với con người. Mường tượng: sự tồn tại của mọi vật trong không gian dưới mái nhà chẳng khác gì cuộc đời có tĩnh có động; cũng như dòng chảy giữa những gì tạo nên sự hữu hạn. Việc đáp ứng các nhu cầu, việc sử dụng tài sản, cuối cùng có sít sao và có hữu hiệu hay chăng, chính là ở sự thấu và đạt tính tự nhiên. Không bối rối, không dồn nén, mà thanh nhàn, mà sảng khoái. Nhà ta - ốc đảo của ta.

Tâm thức là yếu tố quyết định phần mềm và tính chất của nội hàm chứa đựng dưới mái nhà mình. Thái độ với tiền nhân - tất cả bắt đầu từ đâu, với vài chuyến xe đưa về những sản phẩm gia dụng mới toanh bước ra từ design hay tận dụng, níu víu lại những gì cha ông đã dùng, để bằng đồ vật mà duy trì sự nối tiếp không đứt đoạn cuộc sống gia đình ta ở hai thì thời gian, để mà lưu cái hệ rễ - gốc - cành - lá của cây xanh cuộc đời, tựa vào đó mà sinh sôi? Quan niệm thế nào về thừa - đủ - sang - quý? Quan niệm thế nào về đầy đủ và toại nguyện? Sự cân bằng nào có thể thiết lập giữa nhà ta và nhà người? Rượt đuổi sở hữu, tiện nghi hay dừng lại?

… Cách nay lâu rồi, tôi đọc tiểu thuyết “Kim đồng hồ dừng lại lúc 12 giờ” của một nữ văn sĩ Mỹ. Bà quan sát và ghi chép, y hệt một biên bản văn chương hóa, những chu trình sinh học của một con người - cảm thụ, chiêm nghiệm và hưởng thụ mình bởi mình, tự tại với tư cách một sinh vật.

Giảm bớt sự lao vào, không bị cuốn hút vào cuộc rượt đuổi tiện nghi về hưởng thụ đôi khi trở nên vô nghĩa, kìm níu mình trong cuộc bình sinh. Dành bớt phần sức lực và tâm chí cho việc kiến lập nơi bến bờ của tổ ấm gia đình, nơi ngự trị Trật tự, Nền  nếp và cái Đẹp - nơi đó có cả hai: An và Hòa.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo