Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Thận trọng với liệu pháp sốc

Thận trọng với liệu pháp sốc

Viết email In

Một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm hàng đầu của dư luận trong tuần qua là việc Bộ Giao thông - Vận tải có tờ trình đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố trong những giờ cao điểm.

Mục tiêu của Bộ Giao thông - Vận tải là đưa ra giải pháp kinh tế để kiềm chế sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông cá nhân tại các thành phố lớn, đặc biệt là khu vực trung tâm, đồng thời tạo thêm nguồn thu khoảng 15.200 tỷ đồng mỗi năm đầu tư cho các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Trên thực tế, không có một nhà nước nào, dù giàu có đến đâu, cũng sẵn sàng chi vốn ngân sách cho dự án giao thông, dự án y tế, giáo dục, văn hóa… bởi nhu cầu vốn đầu tư cho lĩnh vực này là vô hạn. Cũng chính bởi vậy, các dự án này cần có sự tham gia của toàn xã hội, cần được xã hội hoá.

Vấn đề ở chỗ, khi tiến hành cụ thể hóa chủ trương hạn chế ùn tắc giao thông tại các đô thị, với giải pháp “sốc” này, Bộ Giao thông - Vận tải chưa đưa ra được lý lẽ, căn cứ khoa học đủ sức thuyết phục để giải thích thoả đáng cho hàng chục triệu người dân về những tác động của nó tới đời sống của họ.

Chẳng hạn như sự cần thiết của việc có thêm hai loại phí; cơ sở xây dựng mức thu phí, đặc biệt là đối với đối tượng sử dụng xe gắn máy; lộ trình thực hiện, cũng như những cam kết sử dụng hợp lý, đúng mục đích số tiền thu được; hiệu quả nguồn thu cho các dự án, đề án giảm ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, cần lấy ý kiến của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và tham vấn, phản biện rộng rãi của các nhà khoa học, của người dân, để đề án tạo được sự đồng thuận cần thiết.

Thực tiễn cho thấy, một chủ trương, chính sách dù đúng đến đâu, nhưng nếu không tạo được sự đồng thuận cao, đặc biệt là từ phía người dân, thì sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong đợi, không thể sớm đi vào cuộc sống, thậm chí người đề xuất có thể nhận được những phản hồi tiêu cực...

Trong khi ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ngày càng diễn biến phức tạp, thì hiện vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả những căn nguyên làm gia tăng tình trạng này. Cụ thể là, mật độ người vẫn tập trung quá cao ở trung tâm đô thị, trong khi nhiều dự án xây dựng các cao ốc tại khu vực nội đô tiếp tục được triển khai. Sau gần 10 năm kể từ khi có chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện, nhưng tới nay, công việc này chưa được thực hiện rốt ráo. Đó là chưa kể nhiều dự án giao thông nội đô còn dang dở,  chậm tiến độ nhiều năm so với kế hoạch...

Nhìn rộng hơn, tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng tăng còn do ý thức của người tham gia giao thông, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè... Song, nếu xét về nguyên nhân chủ quan, thì trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, thực hiện quy hoạch.

Vậy nên, không ít ý kiến cho rằng, cần tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản đã đề ra trước đây, đồng thời xây dựng một chương trình “cả gói”, trong đó có nâng cấp mạng lưới vận tải hành khách công cộng thì mới giải quyết được vấn đề ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông./.

Anh Minh 

 

Lời bình  

 
+1 # nguyen71 17/01/2012 15:39
Tôi hy vọng Quốc hội sẽ sáng suốt khi xem xét đề xuất của Bộ GTVT, thực tế muốn giải quyết bài toán ùn tắc giao thông thì cần có sự vào cuộc của nhiều cấp ngành, bởi vì:

1. Nhận thức của người dân về ý thức tự giác chấp hành luật giao thông gần như không có, chúng ta chưa có biện pháp đủ mạnh để khắc phục tình trạng này.

2. Việc đào tạo cấp giấy phép lái xe quá dễ dãi hoặc đào tạo sơ sài.

3. Các vụ vi phạm luật giao thông của công dân thì nhiều công an xử lý không nghiêm, còn xin xỏ, nhờ vả, tiêu cực.

4. Các thành phố lớn tập trung quá nhiều trường đại học, cao đẳng, đề nghị chuyển ra ngoại thành càng sớm càng tốt.

5. Cho xây dựng tập trung quá nhiều nhà cao tầng và trung tâm thương mại ở nội đô.

6. Nếu không có quy định về hành lang đường giao thông thì chẳng bao lâu nữa nông thôn cũng không có đường mà đi vì ở nhiều địa phương hiện nay quy hoạch và cấp đất thiếu quy hoạch lâu dài hoặc thờ ơ trước sự lấn chiếm lòng đường của người dân lân cận.

7. Hệ thống giao thông công cộng chưa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân, hoặc chưa đảm bảo để người dân yên tâm sử dụng.

8. Thu nhập trung bình của người dân chưa cao ...

Nếu Quốc hội thông qua đề xuất của Bộ GTVT tôi cho rằng chưa ổn vì rất nhiều người chưa có cách nào khác trong việc lựa chọn phương tiện giao thông hiện tại, rất nhiều người ở nông thôn số tiền 500.000/năm còn là quá lớn, hơn nữa phương án thu này cũng là cơ hội phát sinh tiêu cực khi thực hiện, sao chúng ta không nghĩ đến việc thu qua xăng vừa đơn giản, vừa tránh phát sinh tiêu cực, đỡ cho những người ít sử dụng phương tiện... có thể xem xét phương án hạn chế vào nội đô thì tính khả thi có thể cao hơn và có tính thuyết phục hơn...
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo