Ashui.com

Saturday
Dec 14th
Home Tương tác Góc nhìn Sài Gòn 1001 kiểu hẻm

Sài Gòn 1001 kiểu hẻm

Viết email In

Ở Sài Gòn, hễ có đường là hầu như sẽ có hẻm. Thị dân trong hẻm có cách gọi tên hẻm riêng dù trên bản đồ chúng được thành phố đặt tên hẳn hoi theo số, theo tên con đường lớn mà nó rẽ vào. Đường hẻm có ở khắp các đô thị lớn nhỏ nhưng không đâu giống ở Sài Gòn – nơi có 1.001 kiểu hẻm.  

Sài Gòn – TPHCM có hơn 3.600 con đường có tên và hàng trăm đường chưa có tên. Đường ngắn nhất là đường Đỗ Văn Sửu ở quận 5, chỉ có 45 mét dài. Còn đường dài nhất là đường Nguyễn Văn Linh với 17.800 mét, ngang 120 mét (cũng là đường rộng nhất Sài Gòn), bắt từ quận 7 đến Bình Chánh, dài nhì là đường Võ Văn Kiệt, nối từ quận 1 đến Bình Chánh, dài 13.482 mét. Và dường như ở đâu có đường là ở đó có hẻm hay rất nhiều con hẻm.


Hẻm 8A Thái Văn Lung, quận 1.

Sài Gòn: hễ có đường là có hẻm

Có đường có cả hàng trăm con hẻm như đường Huỳnh Tấn Phát, dài 12.500 mét, xuyên quận 7 và Nhà Bè nhưng cũng có đường không có hẻm, như các đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1), Đinh Lễ (quận 4), Đỗ Văn Sửu (quận 5) hay đường bàn cờ trong các khu đô thị, khu dân cư mới.

Ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam gọi hẻm chính là “kiệt”, còn “kiệt” phụ là hẻm. Hà Nội và các tỉnh khu vực Bắc bộ gọi đường là phố, hẻm chính là ngõ, hẻm phụ là ngách. Hẻm ở Hà Nội thường dài mấy cũng cụt. Nhiều hẻm Sài Gòn có các hẻm phụ, gọi là “siệc”(/) theo tiếng Pháp “sur”, nghĩa là “trên”. Hẻm ở Sài Gòn có hẻm thông ra đường lẫn hẻm cụt và có hẻm tới sáu “siệc”. Thường hẻm ngắn và hẹp hơn đường nhưng cũng có nhiều đường ngắn và hẹp hơn hẻm. Có hẻm bề ngang chỉ hơn một mét nhưng có hẻm rộng gần hai chục mét.

Đường và hẻm vùng ven TPHCM như ma trận. Dân chạy xe ôm công nghệ và cả người giao hàng (shipper) thường phải sử dụng Google Maps, kết hợp Google “mồm” (hỏi đường) mới tìm ra địa chỉ cần đến. Mặt tiền đường thường dùng để kinh doanh, hẻm nhỏ thì không thể. Không ít hẻm nhếch nhác, có hẻm dày đặc các loại dây (dây điện, cáp Internet, cáp truyền hình…), chưa kể tình trạng nhà nhà cơi nới trông cứ như gác lửng nhà bên này đưa vào gác lửng của nhà bên kia, gần đến mức có thể trèo qua nhà nhau chơi. Nhiều nhà trong hẻm khó tìm nhưng nhà mặt tiền một số đường cũng không dễ kiếm. Lắm lúc, Google Maps cũng đành chịu bó tay. Phải hỏi người dân ở đó từ xưa, chứ dân nhập cư mới chỉ lắc đầu cười trừ. Nhà mặt tiền thường oai hơn nhà trong hẻm, nhưng nhà ở những hẻm rộng lại có giá hơn nhà đường hẹp.

Hẻm giàu, hẻm nghèo. Trừ mấy bảng hiệu và cây xanh, nhà mặt tiền khó trang trí và thường có bảng hiệu quảng cáo giống nhau. Hẻm thì đa dạng, không hẻm nào giống hẻm nào. Các nhà quản lý chia hẻm thành bốn loại, gồm hẻm chính, hẻm nhánh, hẻm cụt và hẻm chung. Dân Sài Gòn một số nơi tự đặt tên hẻm riêng, như theo bề rộng và phương tiện di chuyển hay thành phần dân cư như hẻm hai bánh, hẻm ba bánh (hẻm xe máy hay xe ba gác vào được – hẻm dân lao động, hẻm nhỏ), hẻm bốn bánh, tức là hẻm lớn xe ô tô vào được, ý chỉ đây là khu dân cư mới hoặc hẻm của các nhà khá giả.


Hẻm 353 Phạm Ngũ Lão, quận 1.

Hẻm: đặc sản du lịch Sài Gòn

Nếu đem chụp không ảnh, Sài Gòn như chiếc lá khổng lồ mà gân lá chằng chịt là đường, hẻm, kênh rạch. Có chuyên gia du lịch khẳng định: “Hẻm là đặc sản du lịch sôi động nhất về nhịp sống Sài Gòn, nơi du khách có thể mục sở thị mọi sinh hoạt thị dân, từng gia đình cho tới cộng đồng. Họ thân thiết và tương trợ nhau như các làng quê”.

Nhà trong các hẻm lao động đa phần chật, thường là nhà trệt, có gác lửng, lúc nào cũng có người ở nhà và ít khi đóng cửa. Khách đi qua, có thể dừng lại hỏi han, trò chuyện, hợp gu thì mời vào nhà uống nước. Đô thị ngày càng phát triển, giờ hiếm có chuyện mời khách lạ vào nhà chơi, dù nhịp sống hẻm ít thay đổi. Nhiều hẻm nhỏ vẫn ung dung tồn tại cạnh những cao ốc hiện đại.

Nhịp sống hẻm sôi động nhất vào chiều tối. Mọi người ríu rít trở về nhà sau một ngày làm việc, học tập. Hẻm lên đèn, rộn rã tiếng cười đùa trẻ nhỏ. Nhà bừng sáng, ấm cúng quây quần bữa tối. Vui nhất là khi trong hẻm có đám, từ đám hỏi, đám cưới đến đám giỗ, đám ma; nhạc kèn inh ỏi. Sáng sớm, người già tập thể dục, quán xá nhộn nhịp điểm tâm, trẻ con í ới gọi nhau đi học; người lớn tuổi tụ tập uống trà, hàn huyên thế sự…

Hẻm Sài Gòn là không gian văn hóa tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng, kinh tế và xã hội đặc trưng của người dân ở khắp mọi miền đất nước và không ít người nước ngoài; quần tụ thành những cộng đồng theo vùng miền. Ước tính gần 70% số người Sài Gòn là cư dân hẻm.

Hẻm ở quận Phú Nhuận nhộn nhịp người miền Bắc. Hẻm ở quận Tân Bình tấp nập người miền Trung. Hẻm quận 5 đông đúc người Hoa. Có những hẻm làm chung nghề, chung tín ngưỡng, chủng tộc người, chung cơ quan… Dân hẻm tứ xứ, đa phần từ làng quê lên phố thị, mang theo nhiều nét văn hóa xưa, hàng trăm năm vẫn dung dị.

Hẻm có thể hẹp, rất hẹp và ngắn, nhưng tình người trong hẻm luôn dài rộng bất ngờ. Từng nhà nương nhau mà sống. Trái ngược với cảnh xô bồ, ngột ngạt, khói bụi, người, xe; không gian hẻm bình lặng, có thể ồn ào nhưng không quá lố, có thể chửi mắng, đánh lộn nhưng không quá đà vì sẽ được can ngăn. Có thể chật chội, ẩm thấp nhưng luôn ấm áp nghĩa tình.

No place like home”, không gian hẻm giúp cư dân cân bằng cuộc sống hiện đại. Nhiều người nỗ lực làm việc để tiến từ hẻm ra đường. Ngược lại, không ít người, nhà mặt tiền đường chỉ để buôn bán, cho thuê vì ghiền không gian hẻm xưa. Cánh shipper khoái giao hàng trong các hẻm lao động. Không sợ bom hàng, bấm chuông chờ đợi hay gặp chó dữ. Chủ đi vắng thì nhờ hàng xóm nhận dùm.

Hẻm Sài Gòn thường là xã hội thu nhỏ. Có đủ thành phần dân cư nghèo, giàu, già, trẻ, trí thức, bình dân, buôn thúng bán bưng, buôn đường dài… Chỉ thiếu đại gia và những người vô gia cư. Chính xác hơn, đó là xã hội tiểu thị dân. Hẻm không chỉ là đường đi, chốn ở mà còn là nơi buôn bán, mưu sinh, giải trí, thư giãn của cư dân. Không ít hẻm là thương hiệu của dân Sài Gòn thứ thiệt.

Ngay trước cửa nhà có khi có con hẻm, có khi hẻm nằm bên hông nhà hoặc hẻm nằm sau nhà. Có hẻm thẳng đuột, hẻm quanh co, hẻm chữ C, hẻm chữ Z, hẻm đầu to, đuôi lép. Có hẻm bằng, có hẻm dốc, hẻm nhấp nhô, lồi lõm. Có hẻm tươm tất, hẻm luộm thuộm. Một số hẻm có không gian văn hóa để sinh hoạt văn nghệ. Nhiều hẻm cụt có cổng và chốt dân phòng tự quản. Có hẻm rất dễ thương như hẻm 353 Phạm Ngũ Lão, ngay khu phố Tây, quận 1; hay hẻm 115 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3 với những bích họa sống động.

Hẻm Sài Gòn hay như thế nhưng hình như “Bụt nhà không thiêng” nên vắng bóng trong các luận án và đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học. Tour trải nghiệm văn hóa hẻm Sài Gòn cho du khách, tại sao không? Đi xe đạp hoặc tản bộ theo nhóm nhỏ, vào tận nhà, tham gia các sinh hoạt; kể cả ăn uống và lưu trú. Rất cần những khảo cứu thực tiễn và đánh giá tường tận về hẻm Sài Gòn như tài nguyên du lịch vô giá, để bảo tồn và phát triển.

Nguyễn Văn Mỹ - Lửa Việt Tours

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo