Dự án xây dựng đường vành đai 3 dài 76 ki-lô-mét qua TPHCM và 3 tỉnh lân cận đang đứng trước nguy cơ bị chậm tiến độ do thiếu cát san lấp và làm nền đường. Nhu cầu cát cho toàn bộ dự án này lên đến 14,8 triệu mét khối, trong đó cần 7,2 triệu mét khối để đắp nền, riêng đoạn qua TPHCM cần đến 4,7 triệu mét khối cát từ nay đến cuối năm 2024. Nhưng do nguồn cung cấp cát không kịp thời nên nhiều đoạn đường vẫn chưa thể thi công.
Việc triển khai các dự án quanh khu vực ĐBSCL vô cùng khó khăn do khan hiếm nguồn cung cát đắp nền. Trong ảnh: Sà lan vận chuyển cát tại Tiền Giang. (Ảnh: H.P)
Một công trình hạ tầng lớn khác ở TPHCM là tuyến đường hai bên kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên với tổng chiều dài khoảng 64 ki-lô-mét, cũng đang gặp khó khăn về nguồn cung ứng cát để san lấp và đắp nền, có thể ảnh hưởng tiến độ hoàn thành. Dự án này ước tính cần khoảng 1,8 triệu mét khối cát.
Mọi hy vọng về nguồn cung cấp cát cho các công trình giao thông trọng điểm ở TPHCM đều trông vào một số mỏ cát còn lại ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng các dự án cầu đường ở khu vực này cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu cát trầm trọng. Ông Đặng Hoàng Vĩnh, Giám đốc quản lý dự án, Ban điều hành cao tốc thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ, cho biết từ lúc khởi công xây dựng đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng vào ngày 17/6/2023 đến gần cuối tháng 2/2024 dự án đoạn qua địa bàn Cần Thơ “vẫn chưa có một hạt cát” nào được cung ứng tới công trường, trong khi nhu cầu cát cho đoạn này lên đến 7 triệu mét khối.
Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc, nên nhu cầu cát, vật liệu để san lấp và làm nền đường trong những năm tới chắc chắn sẽ còn tăng mạnh. Nguy cơ thiếu vật liệu san lấp không chỉ diễn ra cục bộ ở TPHCM hay đồng bằng sông Cửu Long, mà đang là mối lo trước mắt của hầu hết các công trình xây dựng đường giao thông trên cả nước. Trong khi đó, tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra khắp từ Bắc chí Nam trong những năm qua cho thấy việc khai thác cát đã vượt quá giới hạn cho phép.
Rõ ràng, thiếu vật liệu san lấp mới là mối đe dọa lớn nhất đối với tiến độ xây dựng các công trình giao thông hiện nay. Việc này không chỉ làm chậm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, một nhu cầu cấp thiết để kích cầu trong giai đoạn rất khó khăn hiện nay, mà còn ảnh hưởng đến động lực phát triển của cả nền kinh tế trong dài hạn, vì đây đều là những công trình hạ tầng rất quan trọng.
Vì vậy, vật liệu san lấp và đắp nền giờ đây không còn là chuyện riêng của chủ đầu tư hay nhà thầu của từng dự án nữa, mà đã trở thành vấn đề lớn của cả nước, cần Chính phủ, các bộ ngành và địa phương phải cùng vào cuộc để giải quyết. Trong đó, tìm kiếm giải pháp để thay thế cát sông là một yêu cầu cấp bách cần giải quyết. Những giải pháp được doanh nghiệp, giới chuyên gia đề xuất như dùng cát biển, làm đường trên cao, hay tận dụng hàng chục triệu mét khối xỉ than của nhà máy nhiệt điện… đang cần được các cơ quan có thẩm quyền đưa ra câu trả lời sớm, vì đã đến lúc không còn chần chừ được nữa.
Kinh tế Sài Gòn
- Phát triển Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh
- Sài Gòn 1001 kiểu hẻm
- Hiểu để thích ứng hạn mặn (kỳ 2): "Rót" tiền tỉ ngọt hóa hay thích ứng tiết kiệm?
- Hiểu để thích ứng hạn mặn (Kỳ 1): Đất mặn, đất ngọt và cách xử lý của người xưa
- Thành cổ… thành phế tích
- Tăng quyền, trao quyền khi "chiếc áo thể chế" đã chật
- Phân loại rác – hóa ra còn nhiều chuyện đáng nói
- Hướng mở cho nhà ở xã hội
- Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội: Vướng mắc do đâu?
- Hà Nội: Cần nâng cấp và cải tạo nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn