Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Tương tác Góc nhìn Hiểu để thích ứng hạn mặn (Kỳ 1): Đất mặn, đất ngọt và cách xử lý của người xưa

Hiểu để thích ứng hạn mặn (Kỳ 1): Đất mặn, đất ngọt và cách xử lý của người xưa

Viết email In

LTS: Mỗi vùng đất có đặc điểm hình thành khác nhau nên cần hiểu rõ trước khi đưa ra một quyết định can thiệp nào đó, theo ý kiến chuyên gia. Chẳng hạn, vùng Bán đảo Cà Mau có đặc tính là vùng đất “phèn mặn” nên các dự án ngọt hoá cho khu vực này chẳng những chưa đem lại hiệu quả mà còn tạo ra những bất ổn. Cũng từ đặc tính đó, ngày xưa người dân đã có cách thức thích ứng hiệu quả nhưng ít tốn kém, cả trong sản xuất lẫn sinh hoạt…

Để ứng xử phù hợp, hiệu quả và tiết kiệm liên quan câu chuyện xâm nhập mặn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân ở một vùng đất. Vấn đề cơ bản và trước tiên cần hiểu rõ, đó là đặc tính hình thành vùng đất đó như thế nào.


Vùng Bán đảo Cà Mau là vùng đất có đặc tính mặn phèn nên việc ngọt hoá hiện không mang lại hiệu quả.
(Ảnh minh hoạ: Trung Chánh)

KTSG Online đã có cuộc trao đổi và lược ghi ý kiến của TS Dương Văn Ni, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Conservancy Foundation-MCF), một chuyên gia về đa dạng sinh học ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Cơ chế hình thành đất ngọt, đất mặn?

Khi nói đến một vùng đất, vấn đề cốt lõi phải nắm là sự hình thành đất ở vùng đó. Chẳng hạn, vùng Bán đảo Cà Mau được hình thành từ các hạt phù sa ở thượng nguồn đi dọc theo sông Tiền và sông Hậu hình thành nên.

Theo đó, vào mùa mưa (khoảng tháng 5 đến tháng 10), hạt phù sa dọc theo hai con sông nêu trên ra đến cửa biển. Quá trình đi ra biển, hạt phù sa ở vùng nước ngọt, là hạt mịn, lơ lửng nên đi được xa. Khi ra tới biển, gặp nước mặn, tỷ trọng của hạt phù sa càng nhẹ hơn, cho nên, hạt phù sa không lắng xuống mà càng đi xa.

Vậy làm sao hạt phù sa lắng xuống để tạo thành đất ở bờ biển?

Hạt phù sa muốn lắng được thì phải thay thế thành phần hoá học, mà cụ thể, khi ở trong môi trường nước ngọt nó mang các “ion” như canxi, magie, kali…, tức nhóm “ion” không mặn và rất nhẹ. Tuy nhiên, khi hạt phù sa đi ra tới môi trường nước mặn thì các “ion” có kích cỡ lớn hơn như natri, clorua, sulfate “nhảy vào” thay thế các “ion” ngọt.

Lúc này, hạt phù sa nặng hơn, thắng được lực đẩy của nước mặn để lắng xuống, tạo thành đất. Tuy nhiên, khi đó là đất mặn, bởi nó đi ra biển rồi vòng vô bồi lắng lại.

Điều này cũng giải thích cho việc sông Hậu từ Châu Đốc (An Giang) xuống tới Sóc Trăng không có nhánh nào đi tới biển Tây cũng không có nhánh nào đưa nước ngọt xuống tới Cà Mau. Thế nhưng, mũi Cà Mau những năm trước vẫn bồi ra hướng biển Tây, tức phù sa đi ra biển từ sông Tiền, sông Hậu trong mùa mưa (khoảng tháng 5 đến tháng 10), rồi tới tháng 11 khi có gió chướng, tức gió mùa đông bắc giúp đẩy “vệt phù sa” sông Hậu sông Tiền xuống mũi Cà Mau và ngoặt qua biển Tây.

Cơ chế bồi từ cửa sông Tiền, sông Hậu xuống tới mũi Cà Mau như sau: đối với cánh biển Đông được bồi trong mùa mưa, khi có gió đông bắc hay đông nam, tức gió từ biển Đông thổi vào; đối với cánh từ Mũi Cà Mau vòng sang biển Tây, thì phù sa bồi vào mùa gió tây nam, tức gió từ Vịnh Thái Lan thổi vào.

Chính đặc điểm nêu trên nên có hai cơ chế tạo thành đất, đó là (1) tạo thành đất ngọt và (2) tạo thành đất mặn. Trong đó, với vùng Bán đảo Cà Mau là đất mặn vì phù sa đi một vòng ra ngoài biển rồi quay lại bồi lắng nhờ gió đẩy vào.

Từ cơ chế hình thành đất nêu trên, cho nên trong đất ở vùng Bán đảo Cà Mau đã có muối. Do đó, từ xưa khi con người đi khẩn hoang, người dân tìm mọi cách lấy nước mưa rửa mặn. Cuối cùng, một lớp mỏng phía trên được rửa sạch để canh tác.

Tuy nhiên, có một điều đặc biệt, đó là người dân không ai dám để đất khô, bởi khi đất khô, thì mặn và phèn bên dưới xì lên. Quan trọng hơn, khi hạt phù sa đi vòng ra biển, nhiều “ion” sulfate được gắn vào cộng với sắt mang từ thượng nguồn xuống, tạo thành vật liệu gọi là “phèn tiềm tàng”.

Với “phèn tiềm tàng”, việc giữ đất ẩm ướt hay ngập nước sẽ không sao, nhưng khi đất khô sẽ biến thành “phèn hoạt động”, tức tạo ra nước rất chua hay người dân gọi là “xì phèn”.  Do đó, vùng Bán đảo Cà Mau, nếu để khô sẽ có hai hệ luỵ: (1) muối tăng ở tầng mặt và (2) phèn xì lên tầng mặt.

Từ đặc tính nêu trên nên vào đầu mùa mưa, người dân không dám lấy nước vô ruộng, kể cả ruộng trồng lúa vì nước mưa rửa “mặn, phèn” xuống kênh rạch. Do đó, vùng Bán đảo Cà Mau mùa mưa nước vừa mặn vừa chua – đặc tính không có chỗ nào trên thế giới có điều kiện đặc biệt như vậy.

Người dân khu vực Bán đảo Cà Mau sẽ tránh sản xuất, kể cả canh tác lúa trong gia đoạn đầu mùa mưa. Thành thử, vai trò lớn nhất của các kênh rạch là đẩy hết lượng nước “mặn, phèn” vào đầu mùa mưa ra ngoài biển. Sau đó, thuỷ sản tự nhiên bắt đầu đi vào sông rạch sinh sản khi phèn mặn đã được rửa xong và người dân cũng bắt đầu hoạt động sản xuất, kể cả trồng lúa.


Nhân viên Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng đo nồng độ mặn ở huyện Kế Sách.
(Ảnh: TTXVN)

Cách khống chế phèn mặn

Vấn đề cốt lõi của vùng đất Bán đảo Cà Mau là “vừa có phèn vừa có mặn”. Vậy, cách khống chế tốt nhất, đó là phải giữ cho đất ướt suốt năm, tức người dân cho nước mặn từ biển vào cũng nhằm mục đích “ém” phèn, kể cả giảm độ mặn.

Đưa nước mặn vào để giảm độ mặn nghe phi lý, nhưng rõ ràng mặn trong đất khi nắng nóng khô hạn sẽ lên đến 40-50 phần ngàn (giống như phơi nước trên ruộng để sản xuất muối), trong khi mặn dưới sông chỉ 20-30 phần ngàn, tức đưa nước mặn vào sẽ giúp giảm độ mặn và ém được phèn. Đây là cơ chế căn bản nhất của vùng đất này.

Điều này nhấn mạnh rằng, muốn làm gì, vấn đề đầu tiên là cần phải hiểu rõ quá trình hình thành, đặc tính của vùng đất đó. Từ đặc tính này khi nhìn lại quá khứ mới hiểu tại sao ngày xưa người dân “né” sản xuất vào đầu mùa mưa hoặc cuối mùa nắng, không ai thả tôm, trồng lúa, tức từ tháng 4 đến tháng 6 là khoảng thời gian ngưng hoạt động sản xuất.

Thậm chí, kể cả những người sống dựa vào đánh bắt tự nhiên, thì từ khoảng tháng 5 đến tháng 6 là mùa “khó kiếm ăn” nhất, bởi sông rạch không có cá do mưa đầu mùa đổ xuống làm sông rạch vừa mặn vừa phèn, cá không sống được.

Chính vì vậy, toàn bộ hệ thống kênh rạch đóng vai trò quan trọng là tháo hết nguồn nước “phèn mặn” vào đầu mùa mưa để sau đó làm tươi mát lại vùng đất này, giúp cây con tự nhiên đến cây trồng mùa vụ sau đó mới phát triển được…

Trung Chánh

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo