Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tương tác Góc nhìn Đà Nẵng với kỳ vọng mới trong thu hút đầu tư xanh

Đà Nẵng với kỳ vọng mới trong thu hút đầu tư xanh

Viết email In

Đà Nẵng sẽ huy động vốn đầu tư phát triển vào khoảng 800.00 tỉ đồng trong giai đoạn 2021-2030 và thu hút vốn FDI khoảng 10-15% tổng vốn đầu tư bên cạnh ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình, dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.  

Đây là một trong những nội dung dự kiến triển khai thực hiện Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng công bố sáng 25/11. Trước đó, quy hoạch này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023.


Khu vực ven biển Đà Nẵng. Thành phố miền Trung tập trung phát triển theo hướng xanh và bền vững trong thời gian tới.
(Ảnh: Nhân Tâm)

Cơ hội để tăng thu hút đầu tư xanh

Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tiếp cận và mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố và việc công bố quy hoạch này là cơ sở để tăng thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án đáp ứng các tiêu chí xanh và bền vững.

Cụ thể, Đà Nẵng sẽ thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược, trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển thành phố và các ngành mũi nhọn như: cảng biển, bến thủy nội địa, hạ tầng logistics; thương mại, dịch vụ; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao… nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng Cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Phát biểu tại buổi lễ công bố, ông James Lee, đại diện Tập đoàn Foxlink (Đài Loan), cho hay Đà Nẵng nằm trong kế hoạch mở rộng đầu tư của tập đoàn trong 20 năm tới tại Việt Nam để đầu tư các sản phẩm điện tử, viễn thông. “Foxlink đã thực hiện khảo sát trên khắp cả nước, từ Long An, Bình Dương, Hải Phòng đến Đà Nẵng. Theo đó, Foxlink nhận thấy môi trường đầu tư Đà Nẵng phù hợp với định hướng phát triển và kế hoạch đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam”, ông Lee chia sẻ. Ông cho biết sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư tại buổi lễ công bố này, Foxlink sẽ sớm tiến hành các thủ tục để khởi công dự án của Foxlink trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 135 triệu đô la, được chia thành 2 giai đoạn.

Cụ thể, công ty hoàn thành việc xây dựng 43.221 m2 vào tháng 6 năm 2024 và chính thức đưa vào sản xuất từ tháng 8. Toàn bộ việc xây dựng nhà máy sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025. Sau khi xây dựng xong, doanh thu hàng năm ước tính đạt 1 tỷ đô la. Các sản phẩm của Foxlink bao gồm các thành phần, linh kiện sản phẩm 3C, các sản phẩm năng lượng xanh với dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động. Khách hàng của Foxlink là các Tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như Apple, Microsoft, Google và HP…

Trong khi đó, ông Regis Delesque, Giám đốc điều hành MM Mega Market, cho hay Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam) vừa qua đã đấu giá thành công dự án (thông qua đấu giá Quyền sử dụng đất) khu Thương mại dịch vụ phía Đông Nam Khu ký túc xá sinh viên, phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Dự án được đầu tư 20 triệu đô la để xây dựng khu phức hợp đầu tiên của công ty với tổng diện tích 19.000 m2 tại Đà Nẵng, dự kiến sẽ thu hút khoảng 500 lao động tương đương toàn thời gian. Công ty sẽ hoàn thành việc nộp và xin tất cả các giấy phép cần thiết vào quý 1 năm 2024, với mục tiêu đưa dự án vào hoạt động vào nửa đầu năm 2025.

Theo ông Delesque, dự án cũng hướng đến đạt được chứng chỉ công trình xanh ở các yếu tố bền vững khác nhau, như sử dụng hiêu quả nguồn nước, sử dụng năng lượng tiết kiệm và sử dụng vật liệu xây dựng bền vững.

Ngoài hai dự án trên, trong thời gian tới Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện các dự án lớn khác phù hợp trong quy hoạch như bến cảng Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng, chuyển đổi Cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, ga đường sắt Đà Nẵng mới, trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế bên cạnh các dự án trong khu vực công nghệ như trung tâm nghiên cứu và phát triển dịch vụ dữ liệu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin DanangBay, dự án chuyên lĩnh vực Fintech hỗ trợ startup trong khu công nghệ cao, dự án sản xuất chip…


Đà Nẵng xem thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ là ưu tiên hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế từ đây đến năm 2030.
(Ảnh: Nhân Tâm)

Kinh tế xanh và bền vững là nền tảng

“Đà Nẵng cần ban hành các tiêu chuẩn xanh, suất vốn đầu tư, công nghệ trong thu hút đầu tư để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm nền tảng”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết tại buổi lễ công bố.

Phó Thủ tướng chia sẻ thêm quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đà Nẵng tiếp tục tạo kỳ tích về phát triển kinh tế – xã hội với các trụ cột, bao gồm kinh tế tri thức (công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số), du lịch gắn với sinh thái, văn hóa, tạo nên sự độc đáo, khác biệt, giá trị giá tăng và trung tâm dịch vụ chất lượng cao (cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực).

Theo quy hoạch, khi phát triển các trụ cột trên, thành phố Đà Nẵng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,5-10%/năm đến năm 2030. Cơ cấu kinh tế bao gổm nông, lâm nghiệp – thủy sản chiếm khoảng 1-2%; công nghiệp – xây dựng khoảng 29-30%; dịch vụ khoảng 61-62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8-9%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 8.000-8.500 đô la trong khi tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11-12%/năm.

Và để có thể đạt được các mục tiêu trên, Đà Nẵng cần tái cơ cấu và xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển đổi thích nghi và phù hợp với giai đoạn phát triển mới, thu hút nguồn lực, điều chỉnh cơ cấu đầu tư phù hợp, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo nền tảng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu với các tác động từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế Đà Nẵng.

Tính đến ngày 15/11/2023, Đà Nẵng cấp mới và điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 40 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 47.000 tỉ đồng; thu hút gần 200 triệu đô la vốn đầu tư FDI.

Nhân Tâm

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo