Ngày 25/11/2023, UBND thành phố Đà Nẵng chính thức tổ chức Công bố quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Lễ Công bố quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phát biểu lại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng: Bản quy hoạch thành phố Đà Nẵng được công bố hôm nay được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019, thể hiện khát vọng của nhân dân Đà Nẵng về một thành phố đáng sống, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Đà Nẵng sẽ đóng vai trò của một trong các đô thị trung tâm của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, khu vực Bắc Tây Nguyên… Đây sẽ là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của cả nước.
Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho thành phố Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đà Nẵng tiếp tục tạo kỳ tích lần thứ hai về phát triển kinh tế - xã hội với các trụ cột về kinh tế tri thức. Để đạt được những mục tiêu tham vọng này không thể nghĩ và làm theo lối cũ, cách thường, mỗi cán bộ, đảng viên cũng như từng người dân Đà Nẵng phải chuyển hoá khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất để thành phố không chỉ đáng sống mà còn đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm.
Đồng thời Phó Thủ tướng Chính phủ đã có chia sẻ về các nhiệm vụ, cụ thể của quy hoạch Đà Nẵng. Theo đó Đà Nẵng cần phải khẩn trương xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch. Rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh. Công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội, đặc biệt là để nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi các quy hoạch.
Nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá, tập trung cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Ban hành các tiêu chuẩn xanh, suất vốn đầu tư, công nghệ trong thu hút đầu tư để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm nền tảng. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn. Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là động lực đột phá. Trong đó, tập trung vào những ngành như: Du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, bán dẫn, nhân lực số, dịch vụ logistics, cảng biển. Chú trọng phát triển văn hóa, con người, nâng chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên tiếp tục xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống đẳng cấp quốc tế. Chú trọng quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên biển.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lễ Công bố được tổ chức nhằm công khai thông tin về quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 để các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân biết và triển khai thực hiện.
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng thống nhất, đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, tích hợp và liên kết một cách khoa học với Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, vận dụng đầy đủ, sáng tạo các quan điểm, định hướng phát triển của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nội dung Quy hoạch nêu rõ quan điểm, mục tiêu và phương hướng phát triển của thành phố đến cuối thời kỳ quy hoạch cũng như tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đã được Bộ Chính trị ban hành về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng tại Nghị quyết số 43-NQ/TW và đảm bảo tính liên kết, đồng bộ trong định hướng phát triển giữa các ngành, lĩnh vực của thành phố, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của thành phố Đà Nẵng.
UBND thành phố Đà Nẵng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án.
Trong khuôn khổ Lễ công bố, UBND thành phố Đà Nẵng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án, trong đó có 6 dự án có vốn đầu tư trong nước (01 dự án tăng vốn đầu tư) và 01 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vừa được cấp phép trong thời gian qua trên địa bàn thành phố với tổng vốn đầu tư hơn 9,3 nghìn tỷ đồng.
Nguyễn Nam
(Báo Xây dựng)
- Đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Thúc đẩy các dự án chiến lược trong nguồn vốn vay 5-7 tỉ đô la từ WB
- Thủ tướng: Đã đến lúc chuyển đổi điện than sang một nguồn năng lượng sạch hơn
- Luật Tài nguyên nước (sửa đổi): Ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết”
- Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi)
- Pháp muốn tài trợ 700 nghìn euro nghiên cứu tôn tạo cầu Long Biên
- Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2030, 100% các Khu công nghiệp có nhà ở công nhân
- Công bố quán quân INSEE Prize 2023
- Úc đầu tư 2,5 triệu đô la để hỗ trợ ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu
- Phê duyệt Khung chính sách tái định cư Dự án phát triển logistics phía Nam