Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái.
Chiều 27/11, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với 468/472 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội).
Kết quả biểu quyết thông qua dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). (Ảnh: Đăng Khoa)
Về sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) quy định Nhà nước khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước ngay trong giai đoạn xây dựng dự án.
Các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước mặt không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước hoặc có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thực hiện giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước được xem xét giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật này
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cũng nhấn mạnh, Nhà nước ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư xây dựng mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước, Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, nâng cao khả năng dự báo tài nguyên nước, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra.
Về phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
Trong đó, ưu tiên phục hồi dòng sông, đoạn sông cạn kiệt, không có dòng chảy, ô nhiễm nghiêm trọng trong danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần phục hồi, nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái.
Kinh phí phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được bố trí từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, đầu tư phát triển, quỹ bảo vệ môi trường, nguồn chi trả của đối tượng gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, nguồn đóng góp khác của tổ chức, cá nhân.
Luật cũng khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính để hỗ trợ cho hoạt động phục hồi nguồn nước; xã hội hóa hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; và kêu gọi sự tham gia của xã hội thông qua việc bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước theo hình thức đối tác công tư.
Văn Toản
(Nhân Dân)
- Hải Phòng điều chỉnh cục bộ quy hoạch để phục dựng 2 cây cầu bắc qua sông và hồ Tam Bạc
- TP.HCM đề xuất xây cầu Cần Giờ hơn 11.000 tỷ đồng
- Đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Thúc đẩy các dự án chiến lược trong nguồn vốn vay 5-7 tỉ đô la từ WB
- Thủ tướng: Đã đến lúc chuyển đổi điện than sang một nguồn năng lượng sạch hơn
- Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi)
- Công bố quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Pháp muốn tài trợ 700 nghìn euro nghiên cứu tôn tạo cầu Long Biên
- Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2030, 100% các Khu công nghiệp có nhà ở công nhân
- Công bố quán quân INSEE Prize 2023